Nơi gom góp những yêu thương

Có một nơi mà cả trăm con người có hoàn cảnh cô đơn, ốm đau, già yếu quây quần bên nhau để sẻ chia hơi ấm tình người. Đó là Trung Tâm Xã hội Quảng Nam ở số 01 đường Phạm Hồng Thái – TP. Hội An.

Địa chỉ tin yêu

Tàn tật và không còn người thân sau chiến tranh, gần 40 năm nay, ông Hồ Văn Minh đã ở Trung tâm Xã hội Quảng Nam và xem Trung tâm là ngôi nhà của mình. Ở đây, ngoài tình yêu thương đùm bọc của những người cùng cảnh ngộ, ông còn nhận được tình cảm đặc biệt của nhiều người. Họ đã gọi ông là người anh, người cha bởi cũng là trại viên nhưng hằng ngày ông còn tham gia hỗ trợ, chăm sóc cho những người bị bệnh nặng. Và không còn tủi phận nữa, ông quyết định sống nốt những ngày cuối đời tại đây để được chăm sóc và cống hiến.  

Ông Hồ Văn Minh cho rằng: “Dù bản thân tàn tật, cụt chân nhưng còn sức khỏe chừng nào thì giúp đỡ bà con, giúp những người già, yếu hơn mình chừng nấy.”

Còn với bà Lê Thị Ba, quê ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, mười mấy năm qua, bà đã nhận được sự chăm sóc tận tình của nhân viên Trung tâm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bà mới đến đây. “Sống ở đây mười mấy năm tôi coi như đã gắn bó rồi. Giám đốc, phó giám đốc sống cùng chúng tôi như chị em. Gia đình mình khổ lắm, còn cuộc sống ở đây thì phải hơn gia đình rồi. Lâu lâu Trung tâm còn cho chúng tôi đi tham quan Mỹ Sơn, phố cổ Hội An.”

Đó chỉ là 2 trong tổng số 89 con người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Xã hội Quảng Nam, trong đó có đến 29 người khuyết tật đặc biệt nặng, còn lại là người già cô đơn, người bị bệnh thần kinh và hơn 90% số họ mù chữ.

Ông Hồ Văn Minh (rìa trái) cùng làm việc cải thiện đời sống hằng ngày- Ảnh: Quốc Hải

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khu nhà số 01 đường Phạm Hồng Thái này đã trở thành địa chỉ tin yêu đối với những phận đời kém may mắn, bởi tại đây, những người tàn tật, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa không chỉ được nuôi dưỡng chu đáo mà còn được chăm sóc, đối xử ấm áp tình người.

Nghề công tác xã hội

“Mỗi ngày cố gắng làm sao đem lại hạnh phúc về tinh thần cho các cụ. Mình phục vụ phải đàng hoàng, nhẹ tay để các cụ nằm tại chỗ không đau đớn về thể xác.” – Hơn 15 năm gắn bó với nơi này, Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, nhân viên hộ lý Trung tâm chia sẻ.

Mấy mươi năm qua, Trung tâm Xã hội Quảng Nam đã sàng lọc, tiếp nhận hàng trăm trường hợp người già cô đơn, trẻ khuyết tật, lang thang không nơi nương tựa. Tuy còn nhiều eo hẹp về tài chính, song tất cả cán bộ nhân viên ở đây đã gạt đi những thủ tục hành chính máy móc để san sẻ yêu thương.

Chuyến tham quan Mỹ Sơn của trại viên Trung tâm- Ảnh: Quốc Hải

Hàng tháng, quản lý và bộ phận cấp dưỡng phối hợp xây dựng thực đơn phù hợp khẩu vị và sức khỏe của đối tượng. Chế độ nuôi dưỡng được công khai minh bạch, có sự giám sát kiểm tra của trại viên. Hằng ngày, cán bộ Trung tâm điều trị, cấp phát thuốc, đo huyết áp, kiểm tra việc lưu mẫu thực phẩm tại nhà bếp và bàn ăn bệnh tăng huyết áp. Những trường hợp đau nặng phải chuyển đi bệnh viện Hội An, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Ông Trần Phước Tuấn – Giám Đốc Trung tâm Xã hội Quảng Nam cho biết, ngoài chế độ nuôi dưỡng hàng tháng theo quy định và chế độ trợ cấp lễ tết của UBND Tỉnh là 500.000 đồng/1 đối tượng, đơn vị còn vận động được 72 bữa ăn từ thiện tại bếp; Công ty CP Khoáng sản tại Đà nẵng hỗ trợ 1.600kg gạo; 74 đoàn khách, cá nhân từ thiện đến thăm và tặng mỗi đối tượng nhận tận tay số tiền là 1.780.000 đồng cùng các phần quà khác như sữa, mì tôm, bánh kẹo, nước ngọt,…

“Cố gắng làm sao phục vụ, chăm sóc tốt cho các cụ, coi các đối tượng là người thân, người nhà của mình. Phải có tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ thật là chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ đến sinh hoạt, tắm rửa vệ sinh hằng ngày” -Giám Đốc Trung tâm Xã hội Quảng Nam nói.

Có thể thấy, từ ngôi nhà này, tình yêu thương luôn được đong đầy và bắt đầu lan tỏa đến với nhiều người phận đời để giúp họ sống có ích cho xã hội. Điều này cũng trở thành động lực để những người làm công tác quản lý, chăm sóc có thêm niềm tin tiếp tục theo đuổi nghề họ đã chọn, đó là nghề công tác xã hội./.

Quốc Hải