Bao lâu nay, người Hội An luôn giữ lối sống chậm, bình dị và thuần hậu, tạo nên vẻ đẹp khác biệt của cư dân địa phương so với người dân ở các điểm đến khác. Điều đó đã góp phần tạo nên hồn phố Hội An…
Đất và người Hội An trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sỹ- Ảnh: Lê Hiền
Ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VHTT TP, người từng quan sát, nghiền ngẫm rất nhiều về cư dân sống trong không gian phố cổ, cho rằng, với tư cách là di sản,xét về quy mô thì Hội An khó sánh với cố đô Huế, về niên đại thì cũng khó sánh với Mỹ Sơn hay Ăng Co Thơm và Ăng Co Vát, về cảnh quan thiên nhiên cũng khó đọ với Hạ Long hay Cát Bà và Tràng An – Ninh Bình… Nhưng Hội An có sức hấp dẫn riêng của một “bảo tàng sống” về kiến trúc, về lối sống đô thị theo kiểu phố trong làng, về “thế giới quan” và “nhân sinh quan” sâu sắc và độc đáo.
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Văn Lanh: “thành phố Hội An được tạo nên trước hết bởi những con người. Con người với tâm hồn và nhân cách như thế nào sẽ tạo nên hồn phố như thế ấy, qua cách mà cư dân sống với thành phố của mình. Đó là sự đối xử giữa người với người, đời sống tinh thần của thị dân và phong cảnh của vùng đất tạo bởi con người, gắn kết mối quan hệ giữa con người với vùng đất đó. Nói như vậy có nghĩa, việc dựng nên phần hồn của một thành phố là nỗ lực của nhiều thế hệ, bởi vì cốt cách, ứng xử của con người, chiều sâu của đời sống tinh thần, phong cảnh đô thị và cả ký ức cộng đồng đều cần nhiều thời gian để gây dựng”.
Soi nhận định ấy vào thực tiễn của phố cổ Hội An, có thể thấy, trong không gian nhỏ hẹp này, dù phải trải qua và đón nhận những thăng trầm, những sứ mệnh mới, phù hợp với xu hướng hội nhập, phát triển nhưng bao lâu nay, người dân vẫn sống cùng phố cổ. Hàng ngày, cuộc sống đời thường vẫn âm thầm lặng lẽ diễn ra trong phố. Trong những ngôi nhà cổ và những góc phố thân quen, đại bộ phận người Hội An vẫn giữ lối sống chừng mực, bình dị. Dù buôn bán, làm ăn kinh doanh, hàng ngày hàng giờ đều tiếp xúc với lợi nhuận, khách hàng nhưng cách làm ăn, cách thể hiện mình của người trong phố vẫn nhẹ nhàng, khiêm tốn. Không chọn cách “chơi trội”, “sang chảnh”, nhiều người trong phố vẫn giữ gìn bề ngoài bình dị, giữ những thói quen thường nhật vừa phải nhưng không tầm thường.
Bằng tình yêu dành cho nơi mình được sinh ra, người trong phố cũng luôn thường trực ý thức từng ngày, từng giờ làm cho phố thêm tươm tất và đẹp hơn. Thông qua nhiều việc làm, nhiều cư dân trong phố cổ đang góp công, chung tay cùng thành phố trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản. Dù ngày nay, nhiều ngôi nhà trong phố đã chuyển công năng sử dụng, thương mại hóa theo điều kiện khách quan, tất yếu phát triển kinh tế du lịch dịch vụ nhưng chủ nhân của những ngôi nhà vẫn dõi theo để chăm chút, bảo vệ không gian chung của phố cổ. Có dịp đặt chân vào phố, nhiều du khách không khỏi xao xuyến trước những không gian bình dị, những sinh hoạt đời thường diễn ra trong phố. Đó là không gian của những chiếc đèn lồng trang trí công cộng, như không phải của riêng ai, làm cho góc phố thêm sang, đó là những chùm hoa, nhưng tán cây xanh mát được bàn tay người trong phố chăm chút cần mẫn từng ngày, hay đó là những khoảng giếng trời nhỏ bé, giữ nguyên nét xưa cũ cổ truyền, gắn liền với nếp sinh hoạt của những gia đình nhiều thế hệ. Đó có khi còn là những gánh hàng rong, những góc phố với những quán cà phê vỉa hè, những quán ăn thân thuộc, tồn tại cùng cư dân trong phố đã bao năm. Tất cả đã vẽ vào bức tranh phố cổ những màu sắc, những đường nét động, làm cho phố thêm đẹp hơn, thanh tao hơn.
Một không gian sinh hoạt nghệ thuật truyền thống của người trong phố được nhiều du khách yêu thích– Ảnh: Lê Hiền
Bao nhiêu năm nay, mỗi khi không gian phố cổ Hội An gặp những chuyện điều tiếng, người trong phố luôn không quên trách nhiệm cao cả của mình. Mọi người đều đoàn kết, đồng lòng lên tiếng bảo vệ đúng lúc và đúng cách. Có thể ví như gần đây, khi xuất hiện những chuyện scandal, người trong phố đã có cách để lên tiếng, thể hiện rõ quan điểm và tẩy chay những gì ảnh hưởng đến những giá trị của di sản văn hóa Hội An, đến thuần phong mỹ tục của người phố Hội.
Không chỉ biết cách bảo vệ, người trong phố ở Hội An còn góp xây dựng Hội An- nhân tình thuần hậu. Đã có rất nhiều đề án được thành phố triển khai, có ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của một bộ phận nhân dân nhưng khi đặt trong lợi ích chung, người Hội An lại đồng thuận thực hiện. Có thể kể như đề án phố đi bộ, xe không động cơ, đề án phố đêm hay các chủ trương xây dựng thành phố sinh thái văn hóa du lịch, thành phố không khói thuốc lá, đến các chương trình giảm thiểu sử dụng túi nilon, rác thải nhựa… tất cả đều đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của người dân nói chung và cư dân trong phố cổ nói riêng.
Nói về cách sống của người trong phố từ bao đời nay, cụ Phan Quốc Hoành, 90 tuổi, người gắn trọn đời mình với phố chia sẻ: Nếu mà chúng ta đi sâu vào các gia đình trong thành phố Hội An, đặc biệt những gia đình ở lâu thì thấy họ có phong tục tập quán rất khác, họ không lòe loẹt, không chơi bời, không muốn khoe. Và người Hội An không giàu như các nơi khác, có chăng thì cũng chỉ một bộ phận thôi, đa số là người lao động. Phải nói là dân Hội An có một lối sống vừa thành thị vừa nông thôn, vừa giàu, vừa sang nhưng không xa hoa lãng phí”.
Hiện nay, trước sự phát triển mới, nhiều cư dân phố Hội đã rời phố ra ngoài sinh sống, nhường chỗ cho nhiều người nơi khác đến buôn bán làm ăn. Dù ít nhiều ảnh hưởng đến mối quan hệ cộng đồng như một thời xưa cũ nhưng sự dõi theo thường xuyên và chung tay đồng lòng của người dân phố Hội đối với di sản vẫn còn mãi. Đó là điều rất đáng trân quý ở những cư dân của phố cổ Hội An.
Lê Hiền