Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế – văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền và mặt trận thành phố luôn quan tâm chỉ đạo, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách tôn giáo dân tộc. Mối quan hệ giữa các tôn giáo và bà con người Hoa với chính quyền, mặt trận ngày càng được củng cố bền vững.
Với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn và nhất quán của Đảng và nhà nước Việt Nam, đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết đồng bào tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Rằm Vu lan hằng năm là dịp diễn ra hội hoa đăng – báo hiếu hằng năm ở Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn
Ngược dòng thời gian, ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, từ đầu thế kỷ XVII cùng với sự phát triển chung của nền hàng hải quốc tế, có một số nhà truyền giáo phương Tây đã đến Hội An và năm 1615 là năm tạo ra mốc lịch sử rất quan trọng. Nơi đây có giáo sĩ người Ý Francesco Buzomi được cử sang để truyền bá Thiên Chúa giáo. Cũng năm ấy tại thương cảng Hội An chính thức được Chúa Nguyễn cho phép thành lập nhà thờ và nơi đây chính là nơi thành lập Giáo đoàn Thiên Chúa giáo của Đàng Trong. “Sự kiện có một tôn giáo gia nhập vào địa bàn Hội An lúc bấy giờ đã mở ra kỷ nguyên giao lưu văn hóa tôn giáo mang tầm quốc tế. Từ trước đến lúc đó, chúng ta chỉ có Nho giáo, Khổng giáo, Lão giáo là chính, chứ chă Thiên chúa giáo và Phật giáo. Việc gia nhập tôn giáo mới đã làm phong phú thêm cho nền văn hóa bản địa của Hội An”, Phó Bí thư Thành ủy Trần Ánh khẳng định.
Song song với việc truyền giáo, các giáo sĩ phương Tây cũng đã tiến hành La – tinh hóa tiếng Việt. Ngày nay chữ quốc ngữ chúng ta đang dùng là ngữ hệ La – tinh đã được phiên âm bởi các giáo sĩ phương Tây và chính Hội An là một trong những chiếc nôi mà các giáo sĩ phương Tây đã sáng tạo ra ngôn ngữ mới, chữ viết mới này. Đây cũng là loại ngôn ngữ, chữ viêt chính mà cả dân tộc Việt Nam đã và đang sử dụng.
Cũng như đối với Thiên Chúa giáo, khoảng nửa sau thế kỷ XVII cùng với sự phát triển của Châu Á nói chung thì các thiền sư của Trung Quốc cũng đã đến Hội An truyền bá Phật giáo. Những người đặt chân đầu tiên đến Hội An lúc bấy giờ có Hòa thượng Minh Hải, Hòa thượng Minh Lượng… và được Chúa Nguyễn cho phép xây chùa. Tổ đình Chúc Thánh chính là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo và sau này dòng tu Lâm tế (Chúc Thánh) cũng phát triển rất mạnh, trở thành giáo phái khá phổ biến ở Đàng Trong cũng như nhiều nước trên thế giới hiện nay.
Phật giáo du nhập vào Hội An nói riêng cũng như Đàng Trong nói chung cũng mang lại nền văn hóa mới cho cả dân tộc Việt Nam. Tín đồ gia nhập Phật giáo ngày càng đông đảo và bây giờ trở thành số lượng lớn nhất so với các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác như Cao Đài, Tin Lành… cũng vậy, đã có nhiều đóng góp nhất định cho sự hình thành và phát triển của Hội An.
Các di tích kiến trúc người Hoa ở Hội An là những điểm tham quan của du khách khi đến Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn
Không chỉ có các tôn giáo, vào cuối thế kỷ XVI những thương nhân người Hoa đã đặt chân đến Hội An để kinh doanh thương mại hàng hải và rầm rộ nhất là khoảng thế kỷ XVII, rất đông người Hoa đến đây. Ngoài Ngũ Bang còn có người Minh Hương cũng đã được Chúa Nguyễn cho phép lấy vợ, mua đất, làm nhà, lập nghiệp. Cộng đồng người Hoa trên địa bàn thành phố đã góp phần đắc lực xây dựng nên đô thị thương cảng Hội An.
Sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng người Việt, người Hoa, đồng bào theo đạo và không theo đạo trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Hội An trở thành đô thị di sản văn hóa thế giới, ngày càng phát triển theo hướng văn minh hiện đại và là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách là sự tiếp nối truyền thống lịch sử – văn hóa của cha ông và phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết quý báu của toàn dân tộc. “Cư dân thành phố có nhiều tôn giáo. Tất cả những tôn giáo có trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thì Hội An có tôn giáo đó, đặc biệt là địa bàn sinh sống lâu đời của bà con người Hoa. Nhiều năm qua chúng tôi nhận thấy rằng Mặt trận Hội An đã làm tốt công tác đoàn kết tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các tổ chức tôn giáo, bà con người Hoa chung tay cùng bà con người Việt, góp sắc xây dựng thành phố chúng ta ngày càng giàu đẹp. Bây giờ tiếng tăm của Hội An không chỉ ở trong nước mà đã vươn ra khắp thế giới!”, ông Võ Xuân Ca – Chủ tịch UBMT TQVN tỉnh Quảng Nam ghi nhận.
Quả thực, công tác tôn giáo, người Hoa luôn được Đảng bộ, chính quyền, mặt trận thường xuyên quan tâm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh. Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dưng khối đại đoàn kết đặt ra hết sức nặng nề với nhiều thách thức. Chính quyền, mặt trận, các tổ chức thành viên, các tôn giáo và bà con người Hoa cần nêu cao truyền thống văn hóa đầy tự hào trên quê hương di sản, năng động, sáng tạo để phát huy hiệu quả sức mạnh toàn dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái – văn hóa và du lịch. Với mong muốn tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ mãi đồng vọng cùng những thanh âm của cuộc sống, ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tỏ bày:“Đối với tôn giáo, tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ, ngoài việc làm những linh âm phục vụ cho hoạt động của tôn giáo thì chúng tôi cũng rất mong những tiếng chuông đó hòa quyện với nhau để trở thành lời kêu gọi cho cả cộng đồng sự hướng thiện, làm thế nào đó hạn chế những tệ nạn, trừ những cái ác, hướng con người đến những giá trị vĩnh hằng: chân – thiện – mỹ. Chúng tôi cũng mong muốn rằng những tiếng chuông đó cũng là lời kêu gọi toàn dân tham gia chung tay góp sắc để xây dựng Hội An ngày càng phát triển theo định hướng sinh thái – văn hóa – du lịch, phát triển bền vững, năng động và giàu bản sắc”.
Đỗ Huấn