Đón Tết ở Hội An

Có mặt ở phố cố Hội An khi mọi gia đình sum họp ngày Tết, bạn không thể cảm thấy cô đơn bởi niềm hân hoan ngày mới dường đã kết duyên với vẻ trầm tư mấy trăm năm của phố.

“Ba ngày Tết, bảy ngày xuân”

Những ngày Tết, về phố cổ Hội An thả bộ trên những con đường “cong như một cánh cung đầy” để có thể cầm nắm được cả mùi thơm cùng những sợi khói trầm hương vấn vương trên áo. Thoáng hiện, mấy ngõ kiệt mờ ảo sương mai, nơi những ngọn gió nô đùa, chốn mà cuộc giao mùa của trời đất lúc nào cũng như cô gái dậy thì, cứ non mềm và khó hiểu.

Bắt gặp bất cứ cư dân phố Hội nào, bạn cũng sẽ đồng tình với suy nghĩ: “Dù làm bất cứ nghề gì, ở đâu, mọi người đều mong sum họp gia đình ngày Tết”. Có lẽ vì thế, “về quê ăn tết” không phải là khái niệm thông thường của sự đi hay về mà là cuộc hành hương về cội nguồn, nơi mỗi linh hồn được vỗ về và bén rễ vào mạch sống.

Tết trên đường phố cổ- Ảnh: Quốc Hải

Mọi vật, mọi việc đều ngời sáng, tươi mới. Ngoài việc trang hoàng nhà cửa, sắm sửa lễ vật thờ cúng tổ tiên, ông bà, người Hội An rất chuộng chưng mai, loài hoa báo hiệu mùa xuân tươi đẹp. Khi đất trời giao cảm, tất cả các ngôi chùa, hội quán tại Hội An đều gióng hồi chuông đón giao thừa, thời khắc thiêng liêng của cái vô biên chạm vào những điều gần gũi.

Lệ thường, vào sáng sớm ngày Nguyên Đán – mồng Một Tết, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ và lì xì mừng tuổi. Mồng 2, dâu rễ chúc Tết nhạc phụ, nhạc mẫu. Mồng 3 đi chúc bà con thân thích. Kết hợp với thăm chúc, mọi người cùng tham gia nhiều trò vui chơi văn hóa như múa hát sắc bùa, hát bài chòi, chọi gà, cờ người… diễn ra ở khắp phố phường, làng xóm.

Cuộc vui xuân đến chiều mồng 3 thì nhà nào cũng làm mâm cơm tiễn đưa ông bà, tổ tiên. Thế nhưng, dư hưởng của Tết vẫn còn kéo dài nên dân gian truyền tụng câu rằng: “Ba ngày Tết, bảy ngày xuân”. Thậm chí đến Tết Nguyên Tiêu, rằm tháng Giêng âm lịch, cuộc hội hè phường phố vẫn còn diễn ra trong không khí ấm cúng, rộn ràng của mọi gia đình, dòng họ, từ làng quê đến phố phường.

Viết câu đối chúc Tết du khách- Ảnh: Quốc Hải

Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung Tâm Quản lý Di sản Hội An, cho biết: “Tại phố cổ Hội An, nhiều vật phẩm và trò diễn dân gian chỉ ngày Tết mới có. Ví như trò diễn bói Tuồng mong ước năm mới gặp nhiều may mắn; thả thơ chúc phúc mặc khách, tao nhân hay ngâm vịnh thơ Đường trong nhà cổ. Đặc biệt, loại bánh tổ chế biến bằng đường bát với gạo nếp dân dã nhưng khá trang trọng chỉ được làm vào dịp Tết để thờ cúng ông bà”.

Riêng cộng đồng người Hoa cũng có nhiều món ăn khác lạ như Phậc- xồi, cơm Dương Châu, bún xào Phúc Kiến, khoai nhục, chè trôi nước, cá hấp, thịt quay… thể hiện những ý nghĩa cát tường. Món cơm Dương Châu được đặt tên là “Kim ngọc mãn đường”, cầu chúc một năm mới dư đủ, thịnh vượng, cuộc sống sung túc, hạnh phúc lâu bền.

Thăm thú ngày Tết

Những ngày giáp Tết, cả khu phố cổ rực rỡ hàng trăm câu đối đỏ viết bằng mực xạ. Dễ nhận ra không khí Tết của người Hoa qua các câu chúc Xuân liên. Cộng đồng người Hoa cư trú tại Hội An có lúc đến 4.000 người, trải qua gần 5 thế kỷ, sự hòa nhập phong tục tập quán địa phương đã liên tục diễn ra nhưng trong từng ngôi nhà hiện vẫn còn những nét riêng mang tính truyền thống. Dấu hiệu dễ nhận biết là Dù ngày tết, người Hoa dán ngược chữ Phước trên tất cả vật dụng, nhà cửa.

Lễ cúng Cầu Bông Trà Quế- Ảnh: Quốc Hải

Dịp Tết, hai hội quán Phước Kiến và Hải Nam thường cúng heo quay, tổ chức bốc thăm may mắn, hái lộc trên cành mai. Nhiều hội quán khác như Triều Châu, Quảng Đông… tổ chức múa Thiên Cẩu, cầu cho mưa thuận gió hòa, buôn bán phát đạt.

“Ở đô thị cổ có 5 cộng đồng người Hoa lập hội quán riêng, gọi là Ngũ Bang. Cứ lệ mồng 2 Tết, các Bang tụ hội về Bang mình để cúng tế, gặp mặt, chia sẻ khó khăn và tổ chức các trò chơi cho cả người lớn lẫn trẻ con”- Ông Tống Quốc Hưng – Phó Phòng Văn hóa Thông tin Hội An, cho biết.

Tết ở Hội An, bạn nên có mặt trong các hội quán này để nhận thấy tính cố kết cộng đồng và không khí hội hè vui vẻ. Thật lạ là với người Hội An, tất cả hội quán của người Hoa đều được gọi là Chùa. Điều này có lẽ xuất phát từ tín ngưỡng dân gian do hầu hết người dân nơi đây còn giữ tục đầu năm đến chùa lễ Phật. Chắp tay cầu nguyện cuộc sống thanh bình, nhà nhà hạnh phúc là điều mà bất cứ người nào cũng muốn làm. Vì thế, từ sớm mồng Một Tết, hàng ngàn người dân Hội An đã đổ về các ngôi chùa cổ như Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm, Pháp Bảo,… để trao gởi ước nguyện an lành.

Dịp Tết, tất cả làng quê Hội An đều tổ chức hội làng. Bạn dễ dàng hòa cùng dòng người rước lễ vật cầu mùa của cư dân làng rau Trà Quế, thi làm đồ gốm ở làng gốm Thanh Hà hay tập hát bả trạo, cầu ngư của ngư dân các vùng quê biển,…

 

Hội đua thuyền Cửa Đại- Ảnh: Quốc Hải

Nếu muốn trực tiếp đón Tết cùng cư dân phố cổ, hãy đăng ký chương trình tour “Hương Vị tết 3 miền” được Hội An Beach Resort tổ chức. Tết năm trước, gia đình Schafer đến từ Thuỵ Sĩ đã ghi lại cảm nghĩ của mình: “Sau khi lưu trú, chúng tôi đã có những ngày nghỉ ấm cúng với nhiều câu chuyện cảm động. Đặc biệt là được sống với những thói quen sinh hoạt khác lại trong dịp Tết cổ truyền của người Hội An”.

Trân trọng nghĩa tình

Cùng với Khu Du lịch Biển Hội An hay nhiều homestay, ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, du khách, đặc biệt là trẻ con ăn vận chỉnh tề, có thể mặc trang phục truyền thống khăn đóng áo dài Việt Nam cùng gia đình đi viếng chùa, thắp nhang tại nhà thờ tộc và mồ mả ông bà. Đến trưa đi thăm bà con, bạn bè, cùng tham gia các trò chơi dân gian cầu may mắn cho năm mới rồi tham quan phố cổ. “Mọi khát vọng về ngày mới với cuộc sống an lành sẽ được gia đình chuyển tải đến du khách bằng những cảm xúc, sinh hoạt gần gũi và chân tình” – Bà Võ Thị Lẹ, chủ homestay Vườn Trầu – Cẩm Châu nói.

Trong suốt những ngày Tết, mọi người chỉ nói với nhau những lời hay, ý đẹp; gặp nhau bất kể ở đâu đều chúc mừng và hy vọng. Bao nhiêu điều không vui, không bằng lòng của năm cũ đều gạt sang một bên. Người Hội An và cả cộng đồng người Hoa nơi đây kiêng quét nhà trong ngày Tết vì sợ của cải, thần tài theo rác mà đi; kiêng đánh đập con cái, làm vỡ chén bát hay la lộn với nhau vì sợ xui xẻo cả năm.

Điều kiêng kỵ nhất là việc cho lửa và xin lửa trong ba ngày Tết vì sợ cái đỏ, cái hên chuyển sang tay người khác. Đặc biệt, phải chờ tục xông đất đầu năm vào sáng ngày mồng Một xong, mọi người mới đi thăm nhà nhau để chúc Tết, mừng tuổi cho người lớn, lì xì cho trẻ con theo một trình tự “mùng một ở nhà cha, một hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy”. Điều đó đủ nhắc nhở mọi người sống trọn nghĩa với ông bà, nội ngoại, cha mẹ, trân trọng ơn thầy, ân nhân của mình. Sau đó mới đến xóm giềng, bạn bè thân hữu,…

Trước cổng Đình Cẩm Phô một ngày trước Tết- Ảnh: Quốc Hải

Ông Phan Đình Tuyên, ở làng Ngọc Thành – Cẩm Phô, nói: “Người lớn thường dặn trẻ con trong ngày Tết không được khóc la, đùa nghịch, không được đánh lộn và nói những lời không tốt lành”. Thêm nữa, người Hội An khá kiêng kỵ việc chạm đất đầu năm nên thường căn cứ theo lịch coi ngày truyền thống cũng như tuổi tác để chọn ngày, giờ làm việc và hướng xuất hành đầu năm.

Vì thế, khi có mặt tại phố cổ Hội An trong những ngày Tết, bạn cần chú ý ăn mặc trang trọng, cư xử nhã nhặn. Đừng lo khi không biết các điểm tham qua hay hội làng, chỉ cần hỏi bất kỳ người nào bạn gặp mặt, nhân viên lễ tân, hướng dẫn viên hoặc các văn phòng tư vấn thông tin,… sẽ được hướng dẫn tận tình. Dạo phố đi bộ là một việc khá lý thú để nhìn thấy quang cảnh phố cổ cũng như sinh hoạt của người dân ngày Tết, sau đó, tìm một điểm ẩm thực dạng “buffet gánh” ven sông Hoài, chùa Cầu để thưởng thức đặc sản phố cổ.

Nếu có thể, ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, bạn hãy viếng cảnh chùa và đốt một nén nhang để nhận lấy phước lành mà đời sống đã trao cho chúng ta trong những ngày đất trời giao cảm, tràn đầy sức sống và sự tái sinh./.

Quốc Hải