Về Trà Quế, trải nghiệm trồng rau

Sau Tết nguyên đán hằng năm, cứ vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch người dân làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An long trọng tổ chức Lễ hội cầu bông, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để mọi nhà đều ăn nên làm ra. Lễ hội cũng là dịp để mọi người truyền dạy, bảo ban lớp cháu con biết giữ gìn, trân quý công lao, phước đức của tổ tiên, ông bà để lại về nghề trồng rau truyền thống nơi vùng cát thanh cảnh, hữu tình này… 

Chuỗi sản xuất rau hữu cơ tại làng Trà Quế, xã Cẩm Hà đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP

Chẳng biết từ bao giờ, dân gian đã có câu ca:

Muốn về Trà Quế trồng rau

Sợ e gánh nước hai gàu không quen.

Câu ca tuy bình dị gần gũi nhưng thật sâu sắc đủ đầy. Rau sống Trà Quế từ lâu đã nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc nhưng để có dịp trải nghiệm, khám phá đời sống người dân làng rau đặc biệt này đối với nhiều người chắc vẫn còn hạn chế …

Nằm cách không xa lắm phố cổ Hội An (chừng 2,5km về phía Bắc) nhưng nằm trong vùng cát đặc trưng của thành phố, nghề trồng rau truyền thống ở Trà Quế được hình thành từ hơn 300 năm trước. Theo ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, trải qua bao biến thiên của lịch sử, cho đến nay cư dân địa phương vẫn còn bảo lưu được phương thức canh tác truyền thống trong tất cả quy trình trồng rau, từ công đoạn chọn, bảo quản giống cho đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ. “Mỗi công đoạn là cả một kho tàng thú vị, phong phú về kinh nghiệm, tri thức dân gian, ký ức làng quê và một tình yêu mãnh liệt đối với vườn rau, ruộng đồng”, ông Lanh nói.

Du khách tham quan làng rau Trà Quế như một điểm du lịch xanh

Đất Trà Quế không rộng, người không đông. Khu dân cư này được bao bọc bởi đoạn cuối con sông Đế Võng, có đầm Trong và đầm Ngoài là 2 nguồn dự trữ nước cần thiết cho người trồng rau vào mùa nắng nóng. Người dân Trà Quế vẫn thường bảo rằng: “Cát trắng và nước ngầm đã nuôi sống chúng tôi!” bởi rau thì trồng trên cát và luôn phải cần nước tưới.

Ai về Trà Quế thì về

Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh

Buổi mai đi bán củ hành

Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm

Cát trắng có thể làm cho rau Trà Quế tinh khiết, đậm hương nhưng nguồn phân bón mới làm nên mùi thơm riêng biệt, đặc sắc. Rau Trà Quế hoàn toàn không sử dụng phân hóa học và hạn hữu lắm mới dùng thuốc trừ sâu. Sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch và an toàn, người dân Trà Quế chỉ dùng rong các loại và phân chuồng để bón cho rau. Các loại rong này có mức phân hủy cao và nhanh, giúp đất tơi xốp, dùng để làm bổi bón lót cho rau, được vớt trên sông Đế Võng hoặc vùng cuối hạ lưu sông Thu Bồn. Những năm gần đây, mặc dù nghề chăn nuôi phát triển mạnh nhưng nguồn phân tại chỗ chẳng thấm tháp vào đâu. Người trồng rau Trà Quế cho biết, vì nhu cầu phân bón rất lớn nên họ phải lặn lội tìm mua thêm phân chuồng từ nhiều nơi khác ở huyện Duy Xuyên, Điện Bàn…  

Nhờ vậy rau Trà Quế luôn có hương thơm đặc trưng. Ăn rau Trà Quế rất dễ nhận ra vị đắng của rau đắng, vị cay nồng của hành hương, hành ca – rô, vị cay the của rau răm, rau quế, vị ngọt của giá đậu các loại… Thật thú vị và ngon miệng biết bao khi trong bữa ăn hằng ngày của gia đình, nhất là trong ba ngày tết có được dĩa rau sống tươi xanh, sạch mát và thơm ngon mang về từ làng rau Trà Quế. Và  nếu trong những tô Cao lầu, mì Quảng, phở… những món ăn quen thuộc của người Hội An, Quảng Nam, những món đặc sản ở phố cổ mà không có những cọng quế thơm, giá trắng, xà lách, hành hương… thì còn gì là hương vị quê nhà.

Hiện nay, mỗi ngày người dân làng rau Trà Quế cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm mi-ni ở Đà Nẵng, Quảng Nam và cũng bán ra thị trường tự do, phục vụ tiêu dùng khoảng từ 4 – 5 tấn rau các loại. Ổn định được giá cả, thu nhập từ nghề trồng rau đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân ở đây, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển. Bộ mặt làng rau nay đã đổi thay đáng kể. Ông Mai Nhỏ ở thôn Trà Quế nói: “Sau khi được Nhà nước đầu tư xây dựng, cải tạo lại vùng rau chuyên canh, đến bây giờ tôi thấy đời sống nhân dân ở đây đi lên từng bước, cuộc sống thay đổi hoàn toàn; giữa du lịch và sản xuất làng nghề truyền thống đi đôi với nhau nên địa phương khá lên. Mọi người đều đầy đủ cơm no áo ấm, con cái được học hành!”

Ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết, việc phát triển kinh tế hữu cơ tại làng rau Trà Quế gắn với phát triển du lịch, dịch vụ được thành phố và địa phương hết sức quan tâm: “Thành phố đã có đề án phát triển làng nghề Trà Quế. Địa phương cũng đã triển khai mô hình chuỗi liên kết rau hữu cơ VietGap ở Trà Quế và hiện đã dược Trung tâm Kiểm định chất lượng Vùng 3 công nhận làng rau đạt chuẩn VietGap. Các tour du lịch để nâng cao thu nhập của bà con nông dân cũng được tổ chức rất nhiều tại làng rau Trà Quế”. Ngày 4/4/2022, nghề trồng rau của Làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được Bộ VH-TT&DL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức dân gian, Nghề thủ công truyền thống”

Du khách trải nghiệm nghề trồng rau với nông dân tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà

Đến Trà Quế trong ngày Lễ hội cầu bông hoặc những dịp hội hè, giỗ tế của cư dân trong làng, chúng ta càng có dịp cảm nhận được ân tình sâu nặng của những người gắn cả cuộc đời với nghề trồng rau “gánh nước 2 gàu chai vai”. Đến như món ăn có tên “Tôm hữu” cũng chứa chan ân tình gắn bó bao đời của dân làng với đất đai, sông nước, vườn rau. Tôm hữu hay còn có tên gọi là “Tam hữu” có nghĩa là ba người bạn gồm: con tôm ở dưới nước, thịt ba chỉ là thành phẩm của vật nuôi trên bờ, rau là sản vật bao đời làm nên tên tuổi của làng.

Cuộc sống chân chất, mộc mạc và hiếu khách của người dân ở làng nghề truyền thống này cùng với khung cảnh thiên nhiên xanh mát, hữu tình là những yếu tố khiến cho nhiều du khách thích thú và yêu mến. Hiện nay, tiềm năng thế mạnh du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm cuộc sống người nông dân trồng rau nơi đây vẫn còn đầy hấp lực đối với du khách các nước Châu Âu, Châu Mỹ… Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Lanh cho rằng, cần triển khai, tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động trải nghiệm trồng rau để góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể. “Có chính sách mời gọi các doanh nghiệp đầu tư và làm phong phú hơn sản phẩm từ rau, nâng cao chuỗi giá trị nghề trồng rau để hương thơm rau Trà Quế được bay cao, bay xa, trở thành sản phẩm kinh tế có giá trị và sản phẩm văn hóa đặc sắc. Trước mắt là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phương án phát triển du lịch cộng đồng tại làng rau Trà Quế đã được thành phố thống nhất phê duyệt để sớm đưa nhiều hoạt động văn hóa, du lịch vào phục vụ du khách trong và ngoài nước”, ông Lanh nói.

Định hướng phát triển du lịch ở Trà Quế là phát huy loại hình du lịch cộng đồng gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp và những sản phẩm truyền thống, phấn đấu đưa Trà Quế trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, là điểm du lịch nông nghiệp độc đáo của thành phố. Và trong tương lai gần, khi sông Cổ Cò được khai thông từ Đà Nẵng vào Hội An, làng rau cũng sẽ trở thành một điểm đến của tour du lịch sông nước, thu hút đông đảo lượng du khách ưa chuộng loại hình này.

ĐỖ HUẤN