Vào hội quật cảnh Tết

Trong 2 ngày (12 và 13.1) vừa qua, Ngày Hội quật cảnh xã Cẩm Hà lần thứ IV đã diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm nét lễ hội dân gian truyền thống và khơi dậy giá trị nghề nghiệp quý giá. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ chương trình Hội Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 mà thành phố đang tập trung tổ chức, là một dịp quảng bá, kích cầu cho sự phát triển và đa dạng sản phầm du lịch của thành phố. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Mục đích của Lễ hội này là thêm một kênh quảng bá về thương hiệu cây quật Hội An nói chung, của người dân Cẩm Hà nói riêng. Trong thời điểm cận Tết Nguyên đán cũng là thời điểm khách du lịch đến Hội An tương đối đông thì đây còn là cơ hội giới thiệu nét văn hóa của một sản phẩm nông nghiệp, của một nghề sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Qua đó du khách có điều kiện trải nghiệm, tìm hiểu để yêu mến hơn Hội An”.

Xem trưng bày quật cảnh tại Ngày hội quật cảnh xã Cẩm Hà lần thứ IV- Ảnh: Đỗ Huấn

Ngày Hội quật cảnh xã Cẩm Hà gần như đã trở thành một lễ hội định kỳ hằng năm mỗi dịp tết đến xuân về, là nơi trưng bày hàng chục cây quật “thế” được tạo hình nghệ thuật độc đáo từ các nghệ nhân hàng đầu làng quật cảnh Cẩm Hà. Du khách đến đây còn có dịp tham quan và thưởng thức những món quà quê thơm thảo được chế biến từ trái quật như: quật ngào, nước quật, rượu quật, mứt quật và các món đặc sản Cao Lầu, Mỳ Quảng, Bánh Xèo… Ngày Hội quật cảnh Cẩm Hà là điểm đến phù hợp nhất để mọi người có thể nhìn ngắm và mang về một chậu cây vốn tượng trưng cho tài lộc và viên mãn trong dịp Tết đến xuân về. 
 
Theo UBND xã Cẩm Hà, năm nay bà con nông dân trong xã trồng được khoảng 65.000 chậu quật cảnh, chủ yếu tập trung tại các thôn Trảng Kèo, Bàu Ốc Thượng, Bàu Ốc Hạ… Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 80% quật cảnh trên địa bàn xã Cẩm Hà đã được thương lái các nơi đặt cọc tiền để mua, chờ qua rằm tháng Chạp sẽ chuyển đi tiêu thụ Tết. Thời gian qua, thời tiết diễn biến thất thường, nhất là do ảnh hưởng đợt mưa lớn hồi đầu tháng 12.2018 nên làm cho người trồng quật vất vả hơn. Nhưng với kinh nghiệm, cùng sự chủ động ứng phó của người dân mà thiệt hại cũng không đáng kể. Bù lại giá quật có tăng và tìm được thị trường tiêu thụ sớm nên cũng đỡ lo. Giá chậu lớn từ 1 triệu đồng/chậu năm ngoái nay tăng lên 1,2 đến 1,3 triệu đồng/chậu. Chậu cỡ trung tăng khoảng 100.000 đồng đến 150.000 đồng/chậu… Ông Nguyễn Bình, nghệ nhân trồng quật ở thôn Trảng Kèo trao đổi: “Người nông dân trồng quật phải dự báo, biết được thời tiết hết sức khắc nghiệt, mùa nắng cố gắng thực hiện nguồn phân đúng mức đồng thời đảm bảo lượng nước. Gần vào mùa mưa, trước khi mưa người ta dùng thuốc bảo vệ thực vật chống nấm bơm trước cho nên những vùng ít lụt thì hạn chế được bệnh trên cây, còn những vùng ngập lụt thì chúng ta có giải pháp khác!”
Đời sống người dân Cẩm Hà khá lên nhờ nghề trồng quật- Ảnh: Đỗ Huấn

Cẩm Hà là 1 trong 4 xã nông thôn của thành phố, đời sống kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp 222,43 ha, có hơn 65 ha trồng quật và hoa cây cảnh, có hơn 400 hộ trồng hoa cây cảnh với hơn 65 ngàn chậu quật cảnh, hơn 155 ngàn cây quật đất. Những năm qua thu nhập từ kinh tế vườn mà đặc biệt là cây quật ngày càng tăng cao. Thu nhập từ kinh tế vườn, hoa cây cảnh năm 2018 đạt 37,5 tỷ đồng. Chính nguồn thu nhập này đã góp phần đắc lực cho việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn xã. 
 
Nhờ cây quật, người dân vùng cát Cẩm Hà nói riêng và các phường Thanh Hà, Tân An, Cẩm Châu của TP.Hội An nói chung từ nghèo khó đã vươn lên khá giả và mỗi năm nghề làm quật ở Hội An đã tăng lên hàng chục tỷ đồng. Dẫu đang gặp phải những khó khăn, thách thức nhưng thương hiệu quật Cẩm Hà, quật Hội An đã và đang khẳng định được uy tín trong khu vực miền Trung và cả nước nhờ cách làm riêng, sáng tạo của người sản xuất. “Đối với cây quật hiện nay là ngành kinh tế mũi nhọn, là nguồn thu nhập chính của bà con trong một năm do đó bà con rất quan tâm và đầu tư để nâng cao chất lượng, kỹ, mỹ thuật. Số lượng ít hơn nhưng chất lượng cây quật, đặc biệt là kỹ thuật, mỹ thuật rồi tạo thế, tạo dáng nên giá trị của cây quật mỗi ngày cao hơn. Do đó địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động bà con không nên phát triển mạnh về số lượng mà tập trung phát triển về chất lượng với hình dáng độc đáo, tăng cường quật thế, quật lớn để tăng giá trị, tăng thu nhập”, ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà chia sẻ.
Lãnh đạo thành phố Hội An tặng hoa chúc mừng khai mạc Ngày hội quật cảnh Cẩm Hà- Ảnh: Đỗ Huấn
Chơi quật cảnh là một nét đẹp văn hóa khó có thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về, bởi theo quan niệm cây quật với nhiều trái trĩu nặng, chín vàng tượng trưng cho sự may mắn, bội thu, sung túc trong năm mới. Chưng một cây quật cảnh lá tươi xanh, quả trĩu vàng vào ngày Tết Nguyên đán là cách thể hiện mong ước về một năm mới nhiều tài lộc và viên mãn trong mỗi gia đình.
Đỗ Huấn