Vài câu chuyện sáng tạo ở Hội An

Việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là quá trình Hội An thể hiện cam kết phát triển bền vững trên nền tảng tài nguyên bản địa và sức sáng tạo của cộng đồng. Điểm qua vài câu chuyện sáng tạo từ nghề thủ công và nghệ thuật dân gian ở Hội An.

Ngày 22 tháng Chạp vừa qua, trên chương trình Cà phê sáng VTV3 – Đài truyền hình Việt Nam, phóng sự về “Xưởng tái sinh” của họa sĩ Nguyễn Quốc Dân đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem.

Những ngày là sinh viên Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM và theo đuổi trường phái phi lập thể, các xưởng phế liệu là điểm đến quen thuộc của anh. Năm 2020, anh về quê Hội An mở “Xưởng tái sinh” từ một ngôi nhà cũ được làm bằng những tấm tôn tự chế. Tiếp những ngày tháng sau, ai cũng biết Quốc Dân đã và đang “Mang phế liệu tái sinh đi muôn nơi”, anh mở “Xưởng tái sinh” biến rác thành tác phẩm nghệ thuật.

Họa sĩ Quốc Dân cho hay, Hội An là điểm đến của nhiều du khách, anh muốn góp phần lan tỏa, mang đến cho du khách một điểm nhấn nổi bật từ các sản phẩm của mình. “Hội An có rất nhiều loại hình nghệ thuật kể cả dân gian và đương đại. Dân hy vọng sẽ lan tỏa hơn nữa với nhiều không gian khác nhau. Như vậy hoạt động của mình sẽ trực tiếp hơn; tương tác dân gian, tương tác nghệ thuật nó sẻ lan tỏa hơn nữa” – Quốc Dân chia sẻ.

Không chỉ với họa sĩ Nguyễn Quốc Dân, ở Hội An, nhiều người biết đến Dương Quý, một trong những nghệ nhân thực hành di sản Bài chòi. Anh là một trong những “Anh hiệu” có duyên với mỗi đêm hô hát phục vụ cộng đồng.

“Bản thân mình rất là vinh dự, tự hào khi thực hành loại hình nghệ thuật này. Không chỉ mình mà còn có các nghệ nhân thực hành các loại hình khác như tuồng, hò khoan, bả trạo… cùng với công đồng cư dân Hội An tâm huyết và yêu thích, góp phần nhỏ vào việc bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể này” – Dương Quý nói.

“Anh hiệu” Bài chòi Dương Quý (Bìa trái)

Tháng 8 năm ngoái, Show diễn thời trang của VUNGOC&SON mang tên “Phương Đông Rực Rỡ” đã diễn ra tại phố cổ Hội An với vũ trụ họa tiết đậm hồn Việt của hai nhà mốt tài năng là Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng.

Với sự tham gia của các siêu mẫu Hữu Long, Quỳnh Anh, siêu mẫu hoa hậu Minh Tú, hoa hậu Lương Thuỳ Linh, hoa hậu Trần Tiểu Vy, hoa hậu Giáng My, diva Thanh Lam…, gam màu chủ đạo được khai thác trong bộ sưu tập là sắc đỏ. Hai nhà thiết kế tiếp tục tôn vinh văn hóa Việt Nam bằng ngôn ngữ thời trang qua những thiết kế lấy cảm hứng từ lá tre. Sử dụng chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, bộ sưu tập đã đưa vải sợi tre vào trong thiết kế kết hợp  kỹ thuật đính kết thủ công.

Đáng chú ý, show diễn diễn ra trên một cung đường nằm sát chợ Hội An, sử dụng sản phẩm thủ công đèn lồng và nghệ thuật Bài chòi làm nền cho bộ sưu tập. Nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú cho hay, Phương Đông rực rỡ tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt khi diễn ra tại chợ Hội An, một không gian giàu tính văn hoá lịch lịch sử, nơi từng diễn ra sự giao thương tấp nập, giao lưu văn hoá đa sắc màu và gắn liền với nhịp sống dân dã, đời thường.

Vũ Ngọc Tú, nói :“Có một câu nói mà chúng tôi rất tâm đắc của một nghệ nhân đèn lồng, bác Huỳnh Văn Ba. Bác Ba đã nói lồng đèn là trái tim của Hội An, đó chính là một trong những sự sáng tạo và chúng tôi lấy cảm hứng từ câu nói đó và cảnh quan của Hội An, nơi hội tụ văn hóa của nhiều nước Á Đông. Đó cũng chính là lý do chúng tôi lấy cái tên là Phương Đông rực rỡ”.

Show “Phương Đông rực rỡ” quy tụ đông đảo siêu mẫu và hoa hậu

Theo các nghệ sĩ, Show diễn thời trang “Phương Đông Rực Rỡ” thực sự là một chuyến viễn du ngập tràn màu sắc, ánh sáng, hoạ tiết đậm chất phương Đông, càng khẳng định quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá đa dạng của Hội An và sức sáng tạo của cộng đồng trên nền cảm hứng văn hoá này.

 “Hiện nay, Hội An đang trên hành trình tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCCO. Chính vì vậy chúng tôi rất mong muốn những chương trình như thế này sẽ là sắc thái mới, luồng gió mới thổi hồn vào cho những sản phẩm thủ công và nghệ thuật dân gian càng thăng hoa, phát triển. Cùng với các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như Bài chòi, những câu hò, điệu lý với cách chuyển tải mới mẻ, tươi mới của các nghệ sĩ sẽ giới thiệu giá trị văn hóa phi vật thể của Hội An đến với bạn bè trong nước và quốc tế” – Bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung Tâm VHTT&TTTH TP. Hội An cho biết.

Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba với 2 nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, ở Hội An đang có một tương tác mật thiết giữa các bên liên quan như doanh nghiệp chính quyền, cộng đồng cư dân, các tổ chức nghiên cứu, tư vấn, các nhà thực hành nghệ thuật, đối tác truyền thông, giữa các ngành và lĩnh vực khác nhau, điều đó đã tạo nên một không khí cởi mở và mang tính tham dự, hỗ trợ cho văn hóa sáng tạo trong đô thị di sản này./.

QUỐC HẢI