Thêm sản phẩm du lịch mới

Ngay đầu năm mới Đinh Dậu 2017 trên địa bàn thành phố đã có thêm một sản phẩm du lịch mới. Đó là chương trình Famtrip “Lưu luyến Kim Bồng”. Chương trình chính thức được khai trương vào dịp lễ giỗ tổ nghề mộc truyền thống Kim Bồng (mồng 6 tháng Giêng vừa qua).

Ông Phan Trọng Nhân – Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết:“Để tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm giá trị độc đáo của nghề mộc Kim Bồng và chiêm ngưỡng bàn tay tài hoa của người thợ Kim Bồng, sau một thời gian dài chuẩn bị UBND xã Cẩm Kim phối hợp với phòng Thương mại Du lịch trân trọng giới thiệu một số chương trình du lịch đặc biệt tại làng mộc Kim Bồng mà điểm nhấn là chương trình Famtrip này”.

Du khách tham gia tour Famtrip “Lưu luyến Kim Bồng”- Ảnh: Đỗ Huấn

Làng mộc Kim Bồng có tên cũ là Kim Bồng Châu (nay là xã Cẩm Kim) được hình thành từ khoảng thế kỷ XVII, là nơi hình thành làng nghề mộc thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng ở Hội An và cả xứ Đàng Trong. Từ làng nghề này, các hiệp thợ mộc lành nghề đã tham gia vào việc xây dựng các công trình kiến trúc, làm đồ mộc dân dụng và đóng thuyền, trong đó có các loại thuyền buôn đường xa, trọng tải lớn (còn gọi là ghe bầu) tại Hội An và các địa phương khác trên cả nước.

Làng nghề phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng khoảng thế kỷ XVIII với ba nhóm nghề: mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và nghề đóng sửa tàu thuyền. Song hành với nghề mộc là nghề thợ nề hay còn gọi là nghề xây dựng cũng phát triển cả về trình độ tay nghề cũng như số lượng thợ lành nghề. Làng mộc Kim Bồng nổi tiếng vì hầu hết các kiến trúc cổ kính của Hội An đều do bàn tay tài hoa của ông cha dựng nên từ thời vàng son của thương cảng mậu dịch quốc tế Hội An. Thợ mộc, nề Kim Bồng tự hào được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sau là triều đình nhà Nguyễn mời ra kinh đô để xây dựng các cung điện, lăng tẩm và được vua phong danh tượng mục, phong hàm bát phẩm, cửu phẩm.

Du khách tham quan làng mộc Kim Bồng dịp đầu xuân Đinh Dậu- Ảnh: Đỗ Huấn

Truyền thuyết kể rằng vị thuỷ tổ nghề mộc làng Kim Bồng là người gốc vùng Thanh – Nghệ đã di dân lập nghiệp tại đây vào khoảng thế kỷ XVI. Nhận thấy vùng đất Kim Bồng có ba mặt giáp sông, nằm bên bờ con sông lớn Thu Bồn, sát bên cạnh đô thị thương cảng quốc tế Hội An, rất thuận tiện cho sự phát triển nghề mộc xây dựng cũng như nghề mộc gia dụng nên đã chọn nơi đây định cư lâu dài và xây dựng làng nghề mộc truyền thống. Các bậc tiền hiền, cha ông bắt đầu nghề nghiệp của mình từ những ngôi nhà tranh, tre cổ truyền đến những ngôi nhà khung gỗ thông thường “Tam gian nhị hạ”, rồi đến các tiện nghi đồ dùng trong gia đình, phương tiện giao thông (ghe, thuyền nan, gỗ…). Nghệ nhân nhân dân Huỳnh Ri trao đổi: “Khi ông bà chúng tôi vô đây toàn là làm nghề hết, vừa là nghề thợ mộc, vừa đóng tàu thuyền đánh bắt. Lễ hội hôm nay là để nhớ phước đức của tiền nhân chúng tôi để lại. Mừng là làng nghề của chúng tôi không còn mai một nữa!”.

Xem múa tứ linh khai trương chương trình Famtrip “Lưu luyến Kim Bồng”- Ảnh: Đỗ Huấn

Qua nhiều thế kỷ, nghề mộc Kim Bồng luôn nổi tiếng về sự tài hoa, sự tinh xảo và sự điêu luyện về kỹ thuật thể hiện trên các công trình xây dựng, tác phẩm mỹ thuật, các đồ án trang trí, chạm trỗ và khảm xà cừ trong quần thể kiến trúc cổ. Điều này có được là nhờ người dân làng Kim Bồng vừa biết kế thừa truyền thống nghề của cha ông, vừa biết tiếp thu tinh hoa văn hóa của cộng đồng cư dân từng sinh sống tại Hội An như: Trung Hoa, Nhật Bản, Châu Âu. Đến hôm nay nghề mộc Kim Bồng vẫn luôn được bảo tồn và phát huy tích cực. Và niềm vui của những người thợ Kim Bồng tài hoa tiếp tục được nhân lên khi tháng 11.2016 vừa qua Bộ VH-TT&DL đã chính thức công nhận nghề mộc Kim Bồng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong những năm qua, tuy chưa được đầu tư và phát triển xứng tầm nhưng hằng năm, làng nghề truyền thống này đã thu hút hơn 100.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. “Hiện nay thành phố đã có chính sách tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, quy hoạch Cẩm Kim trở thành một làng quê điển hình của Hội An. Từ đây cũng sẽ mở ra một tour du lịch mới kết nối giữa khu phố cổ và làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim). Tiếp theo đó, chúng tôi tiếp tục đầu tư để giữ gìn cảnh quan cũng như các ngành nghề nông nghiệp truyền thống của Cẩm Kim để Cẩm Kim trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố nói thêm.

Tham gia chương trình Famtrip “Lưu luyến Kim Bồng” là có dịp được khám phá, trải nghiệm đời sống làng nghề truyền thống, tìm hiểu những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể của làng quê sinh thái ven sông Thu Bồn hiền hòa, thơ mộng.

Đỗ Huấn