Từ sau khi được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam chứng nhận đến nay, việc quản lý và phát huy nhãn hiệu tập thể Mộc Kim Bồng vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi.
Chưa phát huy
Mấy mươi năm hành nghề đóng sửa tàu thuyền tại làng Mộc Kim Bồng, cơ sở của ông Võ Xuân Phương trước đây luôn có hàng chục thợ thầy, công ăn việc làm quanh năm. Tuy nhiên, theo lời ông Phương, ngoài nghề Mộc thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch có sự phát triển, nghề đóng sửa tàu thuyền lại đang dần bị mai một.
“Những năm tháng trước, Cẩm Kim bên tàu thuyền làm không hết việc nhưng bây giờ có hộ như mai một lần. Khi quảng bá thì có cơ hội để họ đến với mình nhưng chính quyền vận dụng, đem khách về, tạo điều kiện cho nhân dân Cẩm Kim chứ tôi sợ là không phát triển mạnh được” – Ông Phương nói.
Trước sự mai một của một làng nghề truyền thống, năm 2004, UBND thành phố, với sự hỗ trợ của Trung ương và Tỉnh đã triển khai dự án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Mộc Kim Bồng gắn với phát triển du lịch với kinh phí 5 tỷ rưỡi đồng. Cùng với việc mở các lớp đào tạo, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, quảng bá,… năm 2006, thành phố cũng đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể Mộc Kim Bồng và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận vào tháng 12 năm 2008.
Nghệ nhân Huỳnh Sướng với sản phẩm làng nghề- Ảnh: Quốc Hải
Hiện nay, hoạt động của làng Mộc Kim Bồng tương đối ổn định với 32 cơ sở sản xuất và 91 lao động, trong đó có 1 Nghệ nhân nhân dân cấp Nhà nước, 1 Nghệ nhân ưu tú cấp Nhà nước và 1 thợ giỏi. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là mộc gia dụng, mộc chạm trổ trang trí nội, ngoại thất, mộc lưu niệm,… với doanh thu hàng năm từ 7 đến 8 tỷ đồng. Không những thế, làng Mộc còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, hàng năm đón trên 100.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Thực tế, bảo tồn, phát triển sản phẩm làng nghề Mộc Kim Bồng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất của các cơ sở nhỏ; việc hợp tác, liên kết sản xuất để nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm của làng nghề còn hạn chế. Mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm của làng nghề chưa đa dạng, phong phú; giá thành sản phẩm còn khá cao do làm thủ công nên khó cạnh tranh. Trong khi đó, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch khá khiêm tốn; thu nhập của lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp so với nhiều ngành nghề khác dẫn đến công tác đầu tư và đào tạo lao động trẻ để nhân cấy nghề khó khăn.
Đặc biệt, năng lực quản lý Nhà nước về làng nghề tại địa phương, công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể còn hạn chế. Nhãn hiệu tập thể chưa khai thác được giá trị thực sự đối với việc phát triển thương hiệu và nâng tầm sản phẩm, hiện mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng nhãn hiệu cho mục đích bảo hộ là chủ yếu. Mặt khác, môi trường sản xuất kinh doanh tại đây chưa đảm bảo, tình trạng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ không phải của địa phương tràn lan, thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến thương hiệu làng nghề.
“Thương hiệu Mộc Kim Bồng đã có từ lâu rồi, sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể thì một lần nữa khẳng định về chất lượng và nghệ thuật của Mộc Kim Bồng. Mộc Kim Bồng thực sự có chỗ đứng. Khi hội nhập với kinh tế thế giới thì thương hiệu là rất cần thiết, chính sự cần thiết đó mà đã có nhiều công ty, nhiều tổ chức cá nhân người ta muốn cắp thương hiệu của Mộc Kim Bồng, chúng ta đã kiện và nhờ Cục sở hữu trí tuệ can thiệp. Như vậy chứng tỏ cạnh tranh càng khốc liệt thì thương hiệu càng phải được bảo hộ”.
Đào tạo trẻ tại làng Mộc Kim Bồng- Ảnh: Quốc Hải
Hướng tới sản phẩm hàng hóa
Ông Phan Trọng Nhân – Chủ Tịch UBND xã Cẩm Kim lo lắng: “Sau khi xác lập nhãn hiệu tập thể Mộc Kim Bồng thì đây là điều kiện rất quan trọng, tạo cơ sở phát triển bền vững. Song, thực tế cho thấy việc phát triển gần đây gặp nhiều khó khăn nhất định. Việc bảo vệ nhãn hiệu cần tiếp tục các bước để khẳng định và hơn nữa là phân biệt được sản phẩm Mộc truyền thống Kim Bồng với các sản phẩm khác vì hiện một số sản phẩm không sản xuất tại Kim Bồng nhưng lại lấy nhãn hiệu Kim Bồng. Vấn đề là phải nâng chất lượng sản phẩm để giữ được thợ, tiếp tục đào tạo thêm nhiều lớp kế cận nếu không trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, giá trị của sản phẩm Mộc khó đứng vững trên thị trường và dẫn đến sự mai một nhất định”.
Hiện nay, để phát triển sản phẩm Mộc Kim Bồng gắn với du lịchthì công tác quản lý, đầu tư của mỗi cơ sở sản xuất được xác định là giải pháp quyết định. Mỗi cơ sở cần đầu tư ứng dụng KHCN để sản xuất, chuyển các dòng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phục vụ thị hiếu du lịch nhưng vẫn mang tính văn hóa của sản phẩm. Các cơ sở phải hỗ trợ, liên kết với nhau trong sản xuất và cả tiêu thụ, gắn thương hiệu chung của làng nghề trong mỗi sản phẩm làm ra.
Về phía Nhà nước, thành phố và xã Cẩm Kim tiếp tục định hướng về sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển sản phẩm, các dịch vụ du lịch; tăng cường hỗ trợ thực hiện các chính sáchđào tạo nghề, nâng cao tay nghề, quảng bá, xúc tiến thương mại đồng thời tiếp tục hướng dẫn, tổ chức cho các cơ sở phát triển nhãn hiệu tập thể Mộc Kim Bồng;thực hiện dán nhãn trên sản phẩm, quản lý và sử dụng nhãn hiệu theo đúng quy chế.
“Các hộ trong làng Mộc hoạt động sản xuất kinh doanh mà thuận lợi thì cơ hội tiếp tục duy trì, giữ làng nghề sẽ hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tại, để phát huy nhãn hiệu tập thể, trước hết là chú trọng chất lượng, mẫu mã và tính cạnh tranh của sản phẩm, phải biến cho được một số sản phẩm của làng nghề này trở thành hàng hóa, tức là phải trở thành hàng lưu niệm chứ không chỉ là những sản phẩm giá thành quá cao hoặc kích cỡ quá lớn, không tiện dụng cho du khách” – Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An nói.
Quốc Hải