Sáng ngày 2/2/2023, nhằm 12 tháng Giêng năm Quý Mão, đông đảo người dân và du khách đã tham gia Lễ tế Tiền hiền Kim Bồng và Ngày hội Làng nghề truyền thống Kim Bồng – Cẩm Kim 2023.


Từ sáng sớm, hiệp thợ mộc – nề Kim Bồng khắp nơi đã tụ hội về đình Tiền hiền ở thôn Trung Châu để bắt đầu ngày hội với lễ tế Tiền hiền, tri ân công đức các bật tiền nhân, tổ nghề; cầu cho mùa màng bội thu, xóm làng bình an, thịnh đạt.
Sau lễ tế Âm Linh, cúng giỗ tổ và phát mộc đầu năm tại đình, hàng chục cơ sở, hộ sản xuất nghề mộc, tàu thuyền, xây dựng,… tổ chức cúng giỗ và phát mộc tại gia đình.
Là một thợ mộc đã ngoài 80 tuổi, ông Huỳnh Kim Chi ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim, chia sẻ: “Lễ này đã có từ lâu, đầu tiên là cúng Tổ mộc, Tổ hồ sau đó cúng các nghề tiếp nối nhau. Đây là truyền thống của dân làng Kim Bồng lưu lại từ đời cha ông xa xưa đến chừ. Tôi rất phấn khởi chờ ngày ni vì vui hơn cả những ngày Xuân. Ngày Xuân thì mình ở nhà, ngày ni ra đây gặp anh em đầu năm vui lắm, nhắc lại nghề nghiệp hồi còn trẻ mình đi làm, vui lắm !”.

Cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, Hội An phát triển thành một đô thị thương cảng lớn của xứ Đàng Trong, là điểm trung chuyển mậu dịch có tính quốc tế. Các nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt đô thị – thương cảng, trong đó đáng kể có nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà, nghề Yến Thanh Châu,…
Nghề mộc Kim Bồng chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, làm đồ mộc dân dụng và đóng thuyền, trong đó có các loại thuyền buôn đường xa, trọng tải lớn, gọi là ghe bầu. Địa danh Kim Bồng và nghề mộc tại địa phương đã được Lê Quí Đôn đề cập đến trong Phủ biên tạp lục viết vào thế kỷ 18. Tên một số thợ mộc Kim Bồng đã được ghi ở các bức hoành phi, bia đá có niên đại Minh Mạng, Tự Đức. Điều này cho biết, đến thế kỷ 18 nghề mộc Kim Bồng đã phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt. Nhiều nghệ nhân nổi tiếng đã được mời ra kinh đô Huế tham gia xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ vua quan.


Trong suốt nhiều thế kỷ, cho đến ngày nay, nghề mộc – nề Kim Bồng vốn nổi danh về tài nghệ và kỹ năng, về sự tinh xảo và điêu luyện, không chỉ ở Hội An mà còn đối với các vùng phụ cận. Điều này có được một phần do hiệp thợ đã biết kế thừa truyền thống nghề mộc của dân tộc, bên cạnh đó, còn biết tiếp thu nâng cao các thành quả ngành nghề của các thành phần cư dân khác để lại tại Hội An như Chàm, Hoa, Nhật Bản,…
Hiện nay, nghề mộc – nề Kim Bồng đang tiếp tục phát triển. Nhiều trại, xưởng, công ty làm mộc – nề được khôi phục, nhất là các trại đóng tàu thuyền, xưởng làm đồ gỗ dân dụng và đồ mỹ nghệ. Thợ mộc, nề Kim Bồng cũng đã góp công làm nên quần thể kiến trúc Đô thị cổ Hội An và đang góp phần đắc lực trong việc trùng tu, sửa chữa các di tích xuống cấp.
Tham gia trưng bày, trình diễn nghề truyền thống, anh Huỳnh Phương Đỏ, nói: “Sau dịch Covd-19, tham gia lễ hội truyền thống Kim Bồng tôi cảm thấy rất là hân hoan, đông đảo du khách cũng về đây để chiêm ngưỡng nét đẹp của làng nghề Kim Bồng. Riêng mình, tôi rất sung sướng và tự hào về mảnh đất Hội An có nghiều ngành nghề độc đáo.”


Trong Ngày hội Làng nghề truyền thống Kim Bồng – Cẩm Kim 2023 được tổ chức tại Trung tâm làng nghề ở thôn Trung Hà, đông đảo người dân và du khách đã có một ngày hội vui nhộn với nhiều trò chơi dân gian như bài chòi, cờ tướng,…; thưởng thức các gian hàng ẩm thực địa phương như bắp nếp, khoai lang, mì Quảng, bánh xèo,… Cùng với đó là các hoạt động trưng bày sản phẩm OCCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương; trưng bày, giới thiệu sách về Cẩm Kim,…
Bà Đỗ Thị Bích Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, cho biết: “Giỗ tổ nghề Mộc Kim Bồng là một lễ hội văn hóa truyền thống của người dân Cẩm Kim từ bao đời nay. Vì thế, ngay từ đầu năm, bà con nhân dân, các chư tộc phái cùng các thợ thủ công đã tập trung cùng địa phương tạo nên một lễ hội tôn vinh nghề truyền thống mà cha ông để lại. Bà con Nhân dân hết sức vui mừng, phấn khởi chào đón lễ hội này. Các hoạt động còn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của Lễ hội truyền thống làng nghề Kim Bồng đồng thời quảng bá, giới thiệu các sản phẩm truyền thống của địa phương”./.
QUỐC HẢI