Loay hoay với làng Mộc Kim Bồng

Trong khi các điểm đến khác trên địa bàn thành phố Hội An trong thời gian gần đây đều tăng số lượng du khách tham quan nhưng tại làng Mộc Kim Bồng lại sụt giảm bất thường. Chính quyền địa phương đang tìm các giải pháp phát huy hoạt động du lịch làng nghề này nhưng xem ra vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng.

Sụt giảm khách…

Một ngày ở trung tâm làng nghề Mộc Kim Bồng, chúng tôi chỉ thấy thấp thoáng hai đoàn khách Hàn Quốc ghé thăm. Mỗi đoàn chỉ có chừng chục vị khách, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Họ đến bằng thuyền theo tuyến đường sông từ phố cổ đến Cẩm Kim. Mỗi đoàn dạo bộ quanh khu vực trung tâm làng nghề chừng 10 phút rồi nhẹ nhàng rút đi, không mua sản phẩm nào từ các quầy hàng thủ công mỹ nghệ. Thi thoảng mới có một hai vị khách Tây tự đạp xe qua một vòng rồi cũng lặng thầm quay đi, không ghé vào cửa hàng nào để thăm thú, mua sắm. Một chủ quầy hàng cho biết, thực trạng “nguội lạnh” đó đang diễn ra ở Làng Mộc Kim Bồng kể từ sau đợt mưa lũ năm ngoái đến nay, mà nhất là từ sau tết Nguyên đán. Ngày nào cũng như ngày nào, trung tâm làng nghề mộc Kim Bồng đều hoàn toàn thưa vắng khách tham quan. Vì buôn bán ế ẩm  nên một số chủ cửa hàng thủ công mỹ nghệ tìm cách cho thuê lại quầy hoặc tạm thời đóng cửa, tìm việc khác để làm ăn. Hàng không bán được nên các cơ sở trước đây thuê thợ sản xuất tại chỗ cũng đành phải ngừng làm hàng mới. Thợ mộc không có việc. Để giữ chân thợ, có cơ sở đã cho mượn địa điểm và công cụ, dụng cụ, thợ tự động tìm kiếm đơn đặt hàng đồ gỗ ở các xã phường lân cận, tạo việc làm. Chị Lê Thị Thùy Trang – chủ quầy hàng thủ công mỹ nghệ ở trung tâm làng mộc Kim Bồng bộc bạch: “Nói chung là đứt khách lần lần miết tới hồi ra tết thì vắng luôn, cắt luôn. Hỏi nguyên nhân thì mấy người đi ghe nói không đủ ghe đưa khách qua. Khi nào dư thời gian thì mới đưa qua ít chuyến rứa thôi, chừ không có nhiều. Ví dụ như 10 chuyến thì qua 1 chuyến rứa thôi. Cả ngày ngồi miết không bán được đồng mô luôn. Chừ đói luôn, không lẽ chừ đóng cửa nghỉ, đi làm chuyện khác. Mình tiếc của cải, vốn liếng mà mình bỏ ra, chừ mình bỏ sông hết. Chừ không có khách bán cho ai. Hàng hóa để lâu rồi cũng cũ cũng hư. Thợ thày thì chừ giao cho họ, nhận làm chi đó thì làm. Chứ chừ mình cũng không quản lý kêu công được. Mình không dám làm nữa, làm ra không bán được. Gỗ xuống nước lỗ vốn.

Trung tâm làng nghề thưa vắng khách tham quan- Ảnh: Lê Hiền

Nhập nhằng lộn xộn giữa chợ với làng nghề…

Theo các chủ cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ tại Trung tâm làng nghề, nguyên nhân khách “vắng như chùa bà Đanh” này là do các chủ phương tiện vận chuyển khách tham quan tuyến đường thủy từ phố cổ đi Thanh Hà, Cẩm Kim đã không đưa khách về làng Mộc Kim Bồng. Dù Làng Mộc Kim Bồng hiện tại chưa bán vé tham quan, nghĩa là tham quan hoàn toàn miễn phí nhưng nhiều chủ phương tiện và kể cả một số hướng dẫn viên dẫn khách đoàn cho rằng, chính cách thức hoạt động và hình thức, hiện trạng tại trung tâm làng nghề đã không đủ sức hút để đưa các đoàn khách đến. Nhất là khi phát sinh một số hộ tự mở các quầy hàng bán hàng lưu niệm, mỹ nghệ, túi xách treo nhủng nhẳng, vừa ảnh hưởng đến cảnh quan Trung tâm làng nghề, vừa phá giá, cạnh tranh, chào mời rao giá… thì các hướng dẫn viên ngày càng né tránh dẫn khách đến địa điểm này. Một chủ thuyền tế nhị dấu tên đã chia sẻ với chúng tôi: “Sự phá giá bán làm cho thu nhập của các bên bấp bênh hơn và du khách khi mua sắm ở các cơ sở do hướng dẫn viên giới thiệu đã nghi ngại, trách móc ngược khi mua giá cao hơn so với quầy hàng mới mở phá giá chào mời. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều hướng dẫn viên và chủ phương tiện vận chuyển khách đoàn không mặn mà dẫn khách đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm. Mỗi ngày có hàng trăm chuyến thuyền xuôi ngược, nhộn nhịp trên sông chở khách dọc tuyến phố cổ đến làng Gốm Thanh Hà hoặc xuống rừng dừa Cẩm Thanh nhưng hầu như chẳng mấy người đưa tour hoặc gợi ý cho khách ghé vào làng Mộc Kim Bồng, vì tốn thời gian và không có thu nhập phụ”.

Ngoài việc kinh doanh thiếu tính ổn định, gây hiểu lầm trong du khách đối với hướng dẫn viên hoặc chủ thuyền thì việc một số cơ sở mở ra các mặt hàng du nhập, không đúng với các loại hàng hóa do làng nghề truyền thống sản xuất cũng đã biến trung tâm làng nghề thành một nơi không khác gì cái chợ. Mà cái chợ ấy lại không được như những cái chợ khác, khiến du khách không hứng thú với điểm đến này. Nói như ông Huỳnh Sướng, một nghệ nhân của làng Mộc Kim Bồng thì: “Muốn phát triển lại làng nghề phải dẹp hết những hàng vặt, không để trở thành một cái chợ nữa. Trung tâm làng nghề phải có mô hình trình diễn nghề và làm cái gì đó cho độc đáo, đặc trưng của làng mộc Kim Bồng thì khách họ mới đến. Nếu như chúng ta để tràn lan phát triển thành chợ thương mại như bây giờ thì ở đâu cũng có chợ hết và ở đâu cũng có hàng thủ công mỹ nghệ hết.  Như vậy họ đến Kim Bồng cũng là chợ hàng thủ công mỹ nghệ thì không ai đến. Điều đó mất khách là do mình. Bây giờ thấy môi trường của làng nghề sập sệ thành như cái chợ, thua cái chợ nữa. Làng nghề không ra làng nghề. Chợ không ra chợ. Bây giờ nó nhập nhằng như vậy thì khách không ai tới. Mất khách là đúng!”

Các gian hàng tự phát bán các mặt hàng du nhập, gây lộn xộn, mất mỹ quan,

không phù hợp với không gian và tính chất làng nghề truyền thống- Ảnh: Lê Hiền

Loay hoay quản lý cải thiện làng nghề…

Theo thống kê của UBND xã Cẩm Kim, lượng khách đến tham quan làng nghề mộc Kim Bồng trong 5 tháng đầu năm nay giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Và cũng vì miễn phí tham quan hoàn toàn nên nguồn lực dành để tái đầu tư, cải tạo và quản lý làng Mộc Kim Bồng hạn chế so với các điểm đến khác đã bán vé tham quan ở thành phố. Đơn cử như việc chi trả kinh phí cho nhân công thu gom rác, vệ sinh cảnh quan môi trường tại trung tâm làng nghề, chính quyền xã phải vận động các hộ tiểu thương chung góp. Đó là chưa kể việc muốn hình thành một số hoạt động, sản phẩm phụ trợ hoặc phát huy khả năng lao động, trình diễn nghề của các nghệ nhân, tặng quà lưu niệm, thử tài du khách để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm theo đúng nghĩa làng nghề truyền thống như cách làm ở làng nghề gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế hoặc vùng quê sinh thái đặc thù Cẩm Thanh lại là chuyện khó đối với làng Mộc Kim Bồng.

Khi Cẩm Kim được thành phố thống nhất cho xây dựng và thực hiện đề án làng quê làng nghề sinh thái, làng Mộc Kim Bồng được xem là trung tâm để kết nối các vệ tinh lợi thế khác của địa phương. Chính quyền xã Cẩm Kim cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố để khảo sát phân định lại làng nghề và xây dựng các sản phẩm phụ trợ khác trên địa bàn toàn xã để tạo sức hút cho địa phương nói chung, trong đó có làng mộc Kim Bồng. Nhưng hiện tại, đối với làng mộc Kim Bồng này vẫn còn nhiều cái khó. Ông Lê Duy Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim trăn trở: “Đưa vào quy định là vừa sản xuất vừa kinh doanh nhưng mà cái khó hiện nay là họ sản xuất ra, tiêu thụ rất ít. Bởi vì sản phẩm thủ công giá trị vật chất cao hơn là sản phẩm làm bằng máy móc công nghiệp. Từ đó các cửa tiệm du nhập các mặt hàng khác thì sẽ phá vỡ, không còn giá trị của làng nghề. Đó là một số ít các hộ thôi. Với lại hơn nữa hiện nay mình chưa sắp xếp bố trí lại các mặt hàng đó. Từ đó họ bán mặt hàng này không được thì họ bán mặt hàng khác, lấy ngắn nuôi dài, không nghĩ về giá trị của làng nghề để mà khách đến. Chừ địa phương chủ yếu sắp xếp lại, bố trí lại, đưa họ vào hoạt động khuôn khổ, tạo ra được những giá trị riêng của làng Mộc. Còn hiện nay khách đến thì vòng quanh cái lõi trung tâm làng nghề này rồi lên thuyền về thôi. Mà tour này không tốn một đồng xu nào hết. Du lịch như vậy thì chưa có thể gọi là điểm du lịch.”

Nhận thấy vấn đề đáng quan tâm đối với làng Mộc Kim Bồng, mới đây, UBND TP Hội An đã lập đoàn đi khảo sát thực tế. Sau khi thị sát, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP, trưởng đoàn đã yêu cầu địa phương chấn chỉnh lại cảnh quan làng nghề, đồng thời giao cho các ngành hữu quan quy hoạch, phân khu lại từng địa điểm phù hợp để xây dựng, bố trí các sản phẩm, mở các tour tuyến thu hút khách cho làng nghề. Ông Dũng cho biết: “Sau khi hoàn thành các công việc trên, UBND TP thống nhất giao cho Trung tâm Văn hóa thể thao thành phố Hội An phối hợp với UBND xã Cẩm Kim xây dựng phương án bán vé tham quan đối với làng Mộc Kim Bồng. Song trước hết, trên cơ sở tinh hoa nghề mộc truyền thống, phải xây dựng cho được các sản phẩm du lịch độc đáo, khẳng định được thương hiệu và uy tín điểm đến thì mới có khách muốn đến tham quan. Bây giờ không bán vé, cảnh quan nhếch nhác, không đầu tư gì cho xứng đáng thì khách sẽ không đến. Khi có nguồn lực, có sản phẩm tương xứng, giá trị, cảnh quan được cải thiện thì tất yếu khách sẽ đến, tương tự như làng nghề gốm Thanh Hà hoặc Làng rau Trà Quế hiện nay.”

Như vậy, đã đến lúc cần có những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ cho hoạt động du lịch làng mộc Kim Bồng để điểm đến này có thể trở lại thời hoàng kim, với những phương tiện tàu thuyền tấp nập chở khách đến – đi, mang lại sinh khí cho làng quê làng nghề sinh thái Cẩm Kim và quan trọng hơn là thực sự tạo một vệ tinh các điểm đến du lịch của thành phố Hội An. 

Lê Hiền

 

Trả lời