Hưởng ứng kỷ niệm 17 năm Hội An được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1999 – 2016), 41 năm giải phóng thành phố (28/3/1975 – 28/3/2016) và lịch sử 400 năm hưng thịnh nghề sản xuất tơ lụa tại Quảng nam – Hội An, với sự chỉ đạo của UBND thành phố, Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam tổ chức Lễ hội văn hóa tơ lụa Việt Nam – Châu Á năm 2016 tại Làng lụa Hội An. Ông Lê Thái Vũ – Chủ tich HĐQT Làng lụa Hội An cho biết:
“Chúng tôi đã tiếp tục phục dựng, trưng bày nhà truyền thống thành không gian văn hóa tưởng nhớ bà Chúa Tằm tang Đoàn Quý Phi – người đã có công rất lớn trong việc phát triển nghề tơ lụa của xứ Đảng Trong thế kỷ XVII, được danh sĩ xứ Đàng Trong phong tặng là bà Chúa Tằm tang, hoàn thiện các không gian văn hóa về nghề dệt Chăm, Cơ Tu, khu trưng bày lụa dành cho các làng nghề của các nước Asean, tổ chức Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam – châu Á với sự tham gia của 7 làng nghề tiêu biểu và đại diện các nước trong các khu vực. Xin báo tin vui với các anh chị, UBND thành phố Hội An đã công nhận Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam – châu Á tháng 3 này là một trong những lễ hội chính của thành phố trong năm 2016”.
Đại biểu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP.Hội An và khách mời quốc tế dự khai mạc lễ hội- Ảnh: Đỗ Huấn
Festival hay Lễ hội văn hóa tơ lụa Việt Nam – Châu Á chính thức diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/3 với sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ 9 quốc gia có nền tơ lụa nổi tiếng thế giới như Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Myanmar, Pháp, Tây Ban Nha, Việt Nam… và 7 làng nghề tiêu biểu trong nước như: Vạn Phúc – Hà Đông, Phùng Xá – Mỹ Đức (Hà Nội), Nha Xá – Duy Tiên (Hà Nam), Tân Châu – Châu Đốc (An Giang), Mã Châu – Duy Xuyên (Quảng Nam), làng Chăm Mỹ Nghiệp – Ninh Phước (Ninh Thuận), dệt thổ cẩm Cơ Tu (Quảng Nam) cũng như Công ty Lụa Toàn Thịnh, Công ty Lụa Bảo Lộc và nhiều khách mời của các Hiệp hội Tơ lụa thế giới, châu Á, Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), Học viện Mê Công (Thái Lan) cùng 200 đơn vị may đo trong nước, các nhà thiết kế nổi tiếng trong và ngoài nước.
Lễ hội này không chỉ là một điểm nhấn quan trọng, ý nghĩa trong chuỗi sự kiện mừng 41 năm ngày giải phóng Hội An mà còn là cơ hội góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên thương trường, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Hội An ra thế giới và kết nối mô hình dịch vụ “thành phố may đo thời trang cho cả thế giới thông qua khách du lịch”. Bởi theo ý kiến của chị Đỗ Khải Ly, phụ trách truyền thông của Làng lụa Hội An: “thành phố Hội An là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1999, hiện nay Hội An được đánh giá là top 10 điểm đến xinh đẹp nhất châu Á và cũng là 1 trong 10 thành phố đẹp nhất Việt Nam. Với tiềm năng phát triển du lịch cũng như sự phát triển nghề tơ lụa trong lịch sử 300 năm qua, Hội An là 1 địa điểm đặc biệt để chúng tôi lựa chọn tổ chức Festival tơ lụa Việt Nam này”. Chị Đỗ Khải Ly cho biết thêm thông tin về hoạt động của các vị khách mời: “Chúng tôi đã mời Chủ tịch Hiệp hội tơ lụa thế giới và Chủ tịch Hiệp hội châu Á. Các vị khách quý này sẽ trình bày, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn văn hóa tơ lụa trên con đường tơ lụa trên biển trong lịch sử cũng như chia sẻ những dự định mong muốn và quab hệ của Hiệp hội trong phát triển ngành công nghiệp tơ lụa của thế giới trong tương lai. Hiệp hội dêt may công nghiệp Nishijin và Đại học nữ Chiêu Hòa đến từ Nhật Bản là 2 đơn vị đã đóng góp và cho ý kiến rất nhiều trong công cuộc xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa tơ lụa ở Việt Nam. Học viện Mê Công (Thái Lan) là một đơn vị hỗ trợ rất xuất sắc Festiaval văn hóa tơ lụa cùng với các đơn vị quốc tế và hỗ trợ truyền thông về sự kiện này trên phạm vi châu Á. Bảy làng nghề tơ lụa Việt Nam và 200 đơn vị may đo thời trang được mời đến Festival để giới thiệu và trưng bày những sản phẩm tơ lụa mới nhất, đặc sắc nhất. Ngoài ra chúng tôi cũng mời các nhà thiết kế Việt Nam và nước ngoài để trình diễn những bộ sưu tập mới nhất”.
Trình nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu tại lễ hội văn hóa tơ lụa Việt Nam – Châu Á 2016- Ảnh: Đỗ Huấn
Lễ hội này vì vậy cũng được xem là hoạt động chính thức của Hiệp hội tơ lụa thế giới và Hiệp hội tơ lụa châu Á nhằm thúc đẩy giao thương về nghề tơ lụa, tiếp nối truyền thống lịch sử “Con đường tơ lụa trên biển” từ những thế kỷ trước tại Di sản văn hóa thế giới Hội An. Với các hoạt động: tổ chức hội thảo “Tơ lụa thế giới trong đời sống hiện đại”, triển lãm sản phẩm tơ lụa, giao lưu các làng nghề tơ lụa Việt Nam cùng các đơn vị may đo thời trang nổi tiếng và các doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm châu Á, trình diễn thời trang tơ lụa… Lễ hội này còn là dịp nhìn lại lịch sử phát triển và cùng hướng đến tương lai của ngành công nghiệp tơ lụa thế giới, tôn vinh những nghệ nhân, những nhà sản xuất, nhà thiết kế đã nỗ lực công hiến, gìn giữ và phát triển nghề sản xuất tơ lụa, làm phong phú văn hóa mặc.
Thông tin từ ban tổ chức cho biết, trong 2 ngày diễn ra lễ hội ngoài cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Tơ lụa thế giới trong đời sống hiện đại” còn có các chương trình chính như: phục dựng lịch sử con đường tơ lụa trên biển, lễ dâng hương bà Chúa Tằm tang xứ Quảng, trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống của các dân tộc Việt – Chăm – Cơ Tu, tổ chức phiên chợ ẩm thực Hội An – Quảng Nam, đêm trình diễn thời trang “Lụa phương Đông” với sự góp mặt của các nhà thiết kế trẻ, nổi bật trong làng thời trang Việt Nam qua những bộ sưu tập mang chất liệu lụa tơ tằm đặc sắc của nhà thiết kế Đinh Bách Đạt, nhà thiết kế Eric Nguyễn, thương hiệu Chula Fashion, thương hiệu Metiseko. Riêng Hiệp hội tơ lụa thế giới sẽ dành nhiều thời gian để tham quan mô hình may đo thời trang của thành phố Hội An đã và đang vang tiếng khắp hoàn cầu, thu hút đông đảo du khách muôn phương.
Đỗ Huấn