Hướng phát triển du lịch sinh thái ở Cẩm Thanh

Là điểm đến với đặc trưng của mô hình du lịch sinh thái, Cẩm Thanh cần gắn chặt giữa bảo tồn và phát triển với các yếu tố không thể thiếu được là thiên nhiên và văn hóa bởi vì trong bối cảnh hiện tại, du lịch sinh thái là con đường hữu hiệu để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.

Du khách thích thú tham quan, khám phá cảnh quan và đời sống cư dân vùng rừng dừa nước Cẩm Thanh, Hội An

Trong 2 ngày 23.10 và 3.11 vừa qua, tại khu vực sông Đình, mương Xã Tiếp và các đồng ruộng cận kề thuộc thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, Công ty TNHH Emic Hospitality đã tổ chức thành công sự kiện “Tái hiện chợ ẩm thực nông – ngư nghiệp thế kỷ IX” với sự tham dự của hàng trăm du khách quốc tế. Đây là sự kiện quy mô và ấn tượng được Công ty TNHH Emic Hospitality là doanh nghiệp chuyên đầu tư và quản lý kinh doanh các dịch vụ – du lịch tại Hội An tổ chức sau gần 3 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid0-19 nhưng không phải là lần đầu tiên. Lần thứ nhất vào ngày 7.3.2013, sự kiện cũng diễn ra tại khu vực này với sự trải nghiệm của 100 vị khách đa quốc tịch trên thế giới.

 Sự kiện diễn ra trong một không gian “sống” mang đậm nét văn hóa và kiến trúc làng quê với những phong tục cổ truyền đặc sắc của người Hội An xưa. Một phiên chợ quê xuất hiện giữa những đồng lúa đang trổ xanh và những con đường nhỏ với cầu tre gập ghềnh, rơm vàng quẩn chân người. Bốn bề ngát thơm khói củi và rơm, gợi nhớ mùa đốt đồng, quyện hoà với mùi hương của cỏ cây, hoa lá lạ nao lòng. Rồi thấp thoáng bóng những ngư dân đánh bắt tôm cá, ngồi đan lưới ven sông; những nông dân làm cỏ lúa, thăm đồng; văng vẳng tiếng hò khoan, hát dân ca nghe lắng sâu, diệu vợi tạo nên bức tranh đượm hồn quê hương, dân tộc… Sự kiện đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc quảng bá và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực và văn hóa nông – ngư nghiệp truyền thống của người dân vùng quê sông nước Cẩm Thanh, Hội An. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality, Chủ tich Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, thành công của sự kiện không chỉ mang lại niềm vui cho doanh nghiệp mà cho cả cộng đồng dân cư. “Hiện nay, hỗ trợ lớn nhất cho du lịch là từ nông nghiệp, ngư nghiệp. Cho nên làm thế nào để cố gắng giữ lại nghề của người dân vì du lịch khám phá đời sống văn hóa xã hội là du lịch quan trọng nhất”, ông Thanh nói.

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, khách du lịch nhất là khách sống ở các nước phương Tây, có nền công nghiệp phát triển, hiếm có cơ hội để hiểu biết về cuộc sống nơi những làng quê, làng nghề nông thôn, ven biển nên những chuyến trải nghiệm thực tế và tham gia những sự kiện như vậy sẽ mang lại cho họ những kiến thức sống động về lịch sử – văn hoá. Đó cũng là tiềm năng, thế mạnh của Cẩm Thanh và TP.Hội An để phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Với không gian rừng dừa ngập mặn, hệ thống sông nước, cồn bãi, đồng ruộng… đa dạng nhưng thanh bình, thơ mộng, trong những năm qua vùng quê sinh thái Cẩm Thanh trở thành điểm đến thu hút đông đảo lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Năm 2019, trước khi có dịch Covid-19, rừng dừa nước Cẩm Thanh đón khoảng 3.000 – 4.000 khách mỗi ngày; còn bình quân 10 tháng đầu năm 2022 đã đón từ 1.500 – 2000 khách/ngày.

Đời thường quang gánh được tái hiện trong phiên chợ nông – ngư nghiệp ở Cẩm Thanh

Không chỉ có khu rừng dừa ngập mặn với tiềm năng mở rộng tour khám phá, trải nghiệm liên vùng đặc sắc, Cẩm Thanh còn có hệ thống mạng lưới khoảng 20 điểm tham quan nội vùng đa dạng, chia thành 3 nhóm: Lịch sử – Văn hóa, Địa lý – Cảnh quan và Sinh thái – Sinh học. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng: “Khi phát triển du lịch sinh thái thì du lịch Cẩm Thanh càng tỏa sáng và giá trị càng nổi trội hơn nữa. Bởi vì du lịch sinh thái đòi hỏi phải bảo tồn và Cẩm Thanh đang bảo tồn, phải có cộng đồng và Cẩm Thanh đang gìn giữ cộng đồng, đặc biệt sẽ hỗ trợ lớn cho sự phát triển kinh tế trong tương lai”.

Du lịch phát triển đã mang lại lợi ích đáng kể cho cộng đồng cư dân địa phương, tạo ra những đổi thay đáng mừng, cải thiện đáng kể đời sống người dân vốn lâu nay lam lũ nhọc nhằn. Chính quyền địa phương nhờ đó càng có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dần hoàn thiện một số hạng mục công trình như bãi giữ xe, hệ thống nhà vệ sinh, mở rộng đường giao thông, khơi thông mương lạch, tăng cường các hoạt động đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách…. Nhưng để phát triển bền vững, lâu dài Cẩm Thanh cần phải gắn kết hài hòa, hiệu quả giữa bảo tồn và phát triển. Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, trao đổi: “Đối với lượng khách du lịch lớn trong khi chúng ta chưa có sự chuẩn bị thì lượng nước thải, rác thải, đặc biệt là ô nhiễm về tiếng ồn, ô nhiễm về chất thải sẽ tác động trực tiếp đến cảnh quan, chất lượng môi trường trong khu vực… Vì vậy cần gắn chặt hài hòa giữa phát triển và bảo tồn hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh”

Là vùng cửa sông ven biển, giữ vai trò là vùng đệm và đang được đề xuất bổ sung vào để tăng diện tích vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, Cẩm Thanh đang đối mặt rất nhiều khó khăn và thách thức về bảo tồn và phát triển. Giữ gìn nếp sống làng quê, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sông nước, cồn bãi không chỉ là yếu tố quyết định để xây dựng Cẩm Thanh trở thành vùng du lịch sinh thái mang đậm bản sắc, dấu ấn truyền thống mà còn là yếu tố sống còn để bảo tồn và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.

ĐỖ HUẤN