Hội An thiếu nguồn lao động ngành du lịch

Tính đến thời điểm này, toàn thành phố có hơn 440 cơ sở lưu trú với hơn 7.820 phòng, trong đó có hơn 200 cơ sở homestay và biệt thự. Sự phát triển của mạng lưới lưu trú cơ bản đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách nhưng lại phát sinh thực trạng đáng quan ngại khác là thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành. “Trong cộng đồng du lịch, chúng tôi thấy rằng, nguồn lực lao động của ngành hiện nay rất khủng hoảng. Để tuyển dụng được ngành nghề cho mảng tiếp thị, nhà hàng, khách sạn… rất là khó khăn. Cộng đồng du lịch hầu như tuyển dụng ở vùng xa như Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên… Khi tuyển về chúng tôi phải mất chi phí để cho người lao động có chỗ ở, chỗ ăn đủ thứ”, ông Phan Xuân Thanh – Giám đốc Công ty EMIC Hospitality (Hội An) nói.

Chính vì “khủng hoảng” thiếu như vậy nên không chỉ phát sinh chi phí tuyển chọn, đào tạo và sử dụng… mà còn xảy ra tình trạng tranh giành, chụp giựt lao động một cách không lành mạnh giữa các đơn vị, cơ sở kinh doanh trên lĩnh vực này. “Hội An có tình trạng là anh này giựt lao động của anh kia. Cứ ra sau là anh dùng chế độ chính sách, đẩy cao lương hơn một xíu là ông kia nhảy cắt!”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn thừa nhận.

Du lịch cộng đồng phát triển rất cần đội ngũ thuyết minh viên được đào tạo bài bản- Ảnh: Đỗ Huấn

Căn cứ theo yêu cầu “Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động có nghề”, với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương thì rõ ràng nhu cầu đào tạo nghề và sử dụng lao động phù hợp ở Hội An hiện nay đang bộc lộ những bất cập. “Tân Hiệp đang phát triển du lịch. Một số ngành nghề theo kế hoạch đào tạo của thành phố so với Tân Hiệp thì nó không phù hợp. Địa phương xin đề nghị đưa thêm nghề thuyết minh viên địa phương. Hiện nay địa phương đang khảo sát một số đối tượng để học thuyết minh viên, nếu nhu cầu lớn xin thành phố hỗ trợ mở lớp cho địa phương”, ông Mai Quốc Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho biết.

Trong chương trình đào tạo nghề cho lao động năm nay, thành phố phấn đấu mở khoảng 5 lớp đào tạo cho khoảng 200 lao động với các nghề: dịch vụ nhà hàng, buồng, phòng, pha chế, may, thêu, lồng đèn, tin học văn phòng, may công nghiệp, chế biến món ăn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh… Đối tượng đào tạo là người lao động trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, ưu tiên khoảng 20% số lượng học viên là phụ nữ, lao động nông thôn, người thuộc diện chính sách ưu đãi, người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các loại dịch vụ phục vụ du lịch cần được trang bị kiến thức và kỹ năng nghề- Ảnh: Đỗ Huấn

Xem ra, định hướng này tuy có thể đáp ứng yêu cầu về nguồn lực chung nhưng cũng chỉ là giải pháp thực hiện chương trình an sinh xã hội là chính. Còn về nguồn nhân lực chuyên ngành du lịch – dịch vụ, dường như còn khoảng cách khá xa. Doanh nhân Phan Xuân Thanh cho biết thêm, trong lao động ngành nghề khác hỗ trợ du lịch thì hỗ trợ lớn nhất là từ nông nghiệp, ngư nghiệp mà số lao động này hiện nay bỏ nghề rất nhiều. “Bỏ nghề nhiều như vậy thì sự hỗ trợ phát triển cho du lịch còn rất mông lung. Cho nên làm thế nào để chúng ta phải giữ lại nghề của người dân bởi vì du lịch khám phá đời sống văn hóa xã hội là loại hình du lịch quan trọng nhất!”, ông Thanh nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn cho biết, năm nay thành phố bố trí gần 465 triệu đồng để thực hiện kế hoạch đào tạo nghề như đã định, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chủ động mở các lớp đào tạo nghề tại chỗ theo nhu cầu của đơn vị mình, thông qua đào tạo để sàng lọc đội ngũ có tay nghề tinh thông, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Về phía chính quyền sẽ hỗ trợ mở các lớp mà không mang tính chất dạy nghề. “Cái chúng ta cần hiện nay không chỉ là các lớp dạy nghề có cấp bằng, cấp giấy chứng nhận mà chúng ta còn cần những lớp hướng dẫn viên cộng đồng tại địa phương, rồi mở các lớp tập huấn ngắn ngày khác nữa, ví dụ xe xích lô thì tuyên truyền về kỹ năng tiếng Anh, rồi các dịch vụ tàu thuyền, trang bị những kiến thức phục vụ cho nghề nghiệp. Là thành phố du lịch nên thành phố rất đa dạng về ngành nghề”, ông Sơn nói.

Khắc phục sự lệch chuẩn trong định hướng nghề nghiệp và nếp nghĩ “ăn xổi ở thì” đang tồn tại, Hội An chú trọng thực hiện phương châm đào tạo đa dạng, linh hoạt, sát hợp thực tiễn, đáp ứng nhu cầu lao động và cơ cấu kinh tế với ngành du lịch – dịch vụ là mũi nhọn.

Đỗ Huấn