Du lịch sinh thái là du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, gắn bó và thân thiện với môi truòng. Du lịch ở Cù Lao Chàm (TP.Hội An) cũng chọn hướng phát triển du lịch sinh thái. Nhưng sản phẩm du lịch sinh thái vùng biển đảo này hiện còn hạn chế, cần được kết nối với các giá trị đặc sắc của các lưu vực và vùng lân cận…
Vùng biển đảo Cù Lao Chàm thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất Việt Nam với các loài san hô, cỏ biển, các loại thân mềm, các loại hải sản như tôm hùm, cá rạn…
Trên địa bàn Cù lao Chàm hiện có 8 bãi biển, tập trung chủ yếu ở Hòn Lao, với tổng chiều dài khoảng 3100m, diện tích phần bãi cát khoảng 54.650m2. Phần lớn các bãi biển có chiều sâu bãi cát hẹp, dao động khoảng 10 – 25m. Các bãi cát trắng mịn xếp vào loại bậc nhất, có thảm thực vật xanh mượt và những hàng dừa thơ mộng với những khe nước tự nhiên đổ xuống từ trên cao và những hình đá kỳ thú, thảm rừng xanh mướt, rạn san hô đầy màu sắc… là những điểm thu hút đông đảo du khách dừng chân, ghé tham quan, đặc biệt là Bãi Chồng.
Trong những năm qua, du lịch Cù Lao Chàm không ngừng phát triển, thu hút một lượng lớn khách du lịch với các hình thức du lịch được khai thác chủ yếu là lặn khám phá đáy biển, ngắm san hô, cắm lều trại ở bãi biển và lưu trú cùng dân. Tuy vậy, các dịch vụ và sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, chưa tạo được bản sắc, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của cư dân miền biển. Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam nói: “Nghề biển là một nghề rất mạnh của Cù Lao Chàm. Khi không đưa điểm mạnh đó vào và không tìm cách bảo tồn thì chúng ta thiếu quy hoạch phát triển bền vững bởi vì nghề đó là xương sống, là linh hồn của du lịch Cù Lao Chàm chứ chúng ta mới chỉ dựa vào thiên nhiên nhiều quá!”.
Cùng với những giá trị văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển đảo, gắn bó lâu năm với nghề khai thác thủy hải sản, khai thác yến sào với những lễ hội dân gian, truyền thống như: lễ hội cầu ngư, giỗ Tổ nghề yến… Cù Lao Chàm còn có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, độc đáo. Cán bộ và nhân dân trên đảo đang bảo vệ 580 ha và khoanh nuôi hiệu quả gần 460 ha rừng đặc dụng. Rừng Cù Lao Chàm có hơn 500 loài với nhiều loại lâm sản quý (như gõ, kiền kiền, dẻ, chua…), có hơn 220 loài cây làm thuốc, nhiều loại dược liệu quý (như mã tiền, sơn máu, ngũ gia bì…). Đặc biệt có 2 loại cây thuốc Nam quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam là cây Cỏ nhung và Trầm hương. Có 4 loài cây đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Viêt Nam công nhận là cây Di sản gồm: cây đa, 3 cây ngô đồng đỏ, cây nánh và cây nén cổ thụ tại Miếu tổ nghề yến. Hệ động vật có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, trong đó có loài Khỉ đuôi dài và chim Yến quý hiếm.
Thế nhưng, hiện nay du khách đến tham quan Cù Lao Chàm chủ yếu được trải nghiệm các loại hình du lịch sinh thái biển như: tham gia các hoạt động thể thao biển, tắm biển, lặn ngắm san hô; kết hợp theo tour tham quan các di tích lịch sử, đi dạo trên đảo và một số hoạt động dã ngoại khác rồi thưởng thức đặc sản biển, rau rừng, cua đá… chứ chưa khai thác ưu thế du lịch sinh thái rừng. Rõ ràng, so với tiềm năng và lợi thế, chừng đó loại hình là chưa thật phong phú và chưa hấp dẫn do việc tổ chức, điều hành còn mang tính tự phát, thậm chí có biểu hiện thiếu sự gắn kết trách nhiệm của con người trong loại hình du lịch sinh thái. Theo ý kiến của cố Th.s, chuyên gia bảo tồn biển Lê Xuân Ái – người có nhiều năm gắn bó với Cù Lao Chàm, du lịch sinh thái theo định nghĩa của ASEAN là du lịch dựa vào thiên nhiên, nhưng có những loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên nhưng không có trách nhiệm với thiên nhiên. “Cho nên ở Cù Lao Chàm đã chọn du lịch sinh thái thì chúng ta phải chọn lựa các nhà đầu tư hoặc các hoạt động du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên. Đó là cái chúng ta phải chủ động lựa chọn trong quá trình phát triển du lịch”, ông Ái nói.
Không chỉ nổi bật với hệ sinh thái biển, sinh thái rừng đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên hữu tình đặc sắc, Cù Lao Chàm còn được biểt đến như một địa chỉ văn hóa, lịch sử nổi tiếng với các di tích, công trình kiến trúc cổ thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt… Cư dân sống trên đảo cũng đã tạo dựng nên một bề dày lịch sử văn hóa độc đáo với kho tàng tri thức dân gian, ca dao, tục ngữ về nghề nghiệp, kinh nghiệm cuộc sống, văn hóa ẩm thực… phong phú, đặc trưng. Vì vậy, theo Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh (Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), phát triển du lịch Cù Lao Chàm không thể tách rời riêng biệt mà cần gắn kết chặt chẽ với không gian văn hóa khu phố cổ Hội An, khu vực ven biển Cửa Đại – Cẩm An, vùng hạ lưu sông Thu Bồn, rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh để tạo sự phát triển liên hoàn. “Vấn đề di sản là vấn đề vô cùng quan trọng trên hành trình của nó. Làm thế nào để biến giá trị di sản thành cái nhụy ở giữa và gắn với vùng đệm xung quanh để tạo nên giá trị kết nối, kết nối lưu vực, kết nối vùng lân cận, kết nối với Đà Nẵng, kết nối với Quảng Ngãi. Nếu kết nối được thì giá trị di sản sẽ nổi trội hơn nữa trong chiến lược lâu dài”, TS Chu Mạnh Trinh nói.
Phải luôn gắn công tác bảo tồn với phát huy rộng khắp, có chiều sâu những giá trị di sản thì thương hiệu Khu sinh quyển Cù Lao Chàm mới phát triển bền vững và xứng tầm.
ĐỖ HUẤN