Có thể nói rằng, những ngày vừa đây, người Hội An đã trải qua một cuộc giao lưu thắm tình đối ngoại với các bạn Nhật Bản. 15 lần tổ chức, giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản giờ đã trở thành một sự kiện thường niên, để rồi đến hẹn lại lên, cứ vào mùa thu mỗi năm, người Hội An và những người bạn của xứ sở hoa Anh Đào lại hào hứng đón đợi và cùng nhau hội ngộ.
Trong khuôn khổ sự kiện, lần này, gần 20 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, thể dục thể thao, trò chơi dân gian truyền thống và các hoạt động liên quan đến môi trường đã được tổ chức trải đều trong khu phố cổ. Tất cả đã tạo nên một không gian đậm chất giao thoa văn hóa giữa miền đất di sản văn hóa thế giới Hội An với Nhật Bản.
Người Hội An luôn giao hòa với du khách- Ảnh: Lê Hiền
Sự xuất hiện của các nghệ sỹ, diễn viên người Nhật, đặc biệt là đoàn nghệ thuật Sirubarkai trong trang phục truyền thống, với những điệu múa cổ truyền và các ca khúc tiếng Nhật vang trên đường phố đã xóa tan khoảng cách về ngôn ngữ, kết nối tình cảm bạn bè. Cũng ở không gian ấy, các màn biểu diễn võ thuật Judo (hay còn gọi là võ Nhu đạo) của các võ sĩ Nhật không chỉ giới thiệu một bộ môn võ thuật nổi tiếng của Nhật Bản (với nguyên lý võ học “lấy nhu chế cương”) mà còn gợi xúc cảm cho những người yêu thích võ thuật làm quen với bộ môn võ Judo. Võ sư Izumi Hiroshi, đến từ Nhật Bản nói: “Chúng tôi đến Việt NamHội An lần này với mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người. Môn võ Judo có từ rất lâu rồi nhưng chúng tôi nghĩ rằng có rất nhiều người vẫn chưa biết đến tác dụng của nó. Môn võ này không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe cơ thể mà còn giúp ta rèn luyện phẩm chất lấy nhu chế cương, rất có ý nghĩa với mọi người. Chúng tôi mong muốn mọi người biết và có thể học môn võ này như chúng tôi.”
Trong suốt chương trình giao lưu, về phía Hội An, ngoài các cuộc trưng bày triển lãm, những hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống và hiện đại…, thành phố đã tái hiện đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật BảnAraki Sotaro cách đây hơn 400 năm. Đây được xem là điểm nhấn của sự kiện. Nghi lễ này cũng thường được người Nhật tái hiện ở lễ hội Okunchi tổ chức hằng năm ở Nagasaki. Tất cả đều có sự tham gia đầy ngẫu hứng của người dân Hội An – Nhật Bản và du khách.
Với mong muốn đem lại cho du khách ấn tượng đẹp về những nét văn hóa vốn dĩ rất gần gũi, giản dị, thân thuộc trong đời sống người Việt Nam, các hoạt động đường phố lần này có thể ví là những sân chơi mang tính cộng đồng cao. Ban tổ chức đã lựa chọn những trò chơi dân gian mà bất kỳ người đến từ quốc gia nào cũng có thể hiểu được luật chơi và thỏa sức tham gia.
Sau khi xem những người khác vừa kết thúc trò chơi, anh Matthias và bạn gái (là hai du khách người Đức) đã đăng ký chơi cùng mọi người trò chơi nhảy bao bố đôi. Vậy là cả hai đã có những phút giây thư giãn đầy ý nghĩa: “Rất là tốt, chúng tôi mới đến Hội An trong buổi sáng nay. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia một hoạt động như thế này. Tôi thấy rất thú vị và hấp dẫn. Cả hai chúng tôi đều được tham gia và thử sức mình với những cặp chơi khác “.
Sự thân thiện của người bản địa góp phần mời gọi nhiều du khách đến với Hội An- Ảnh: Lê Hiền
Đã qua 14 kỳ hội, lần này, thành phố Hội An cũng như phía bạn Nhật Bản đều có chung ý tưởng, đó là tổ chức sự kiện đặc biệt, ghi dấu chặng đường mười lăm năm đối ngoại tốt đẹp giữa Hội An và Nhật Bản. Dù khoảng cách không gian, địa lý xa xôi cách trở nhưng những người bạn từ đất nước mặt trời mọc đã hội ngộ về đây và hình như họ chưa bao giờ thôi hào hứng góp sức vào sự kiện văn hóa này. Ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã xúc động sâu sắc khi hai bên duy trì, kết nối tổ chức sự kiện trọng thị, ấm tình này trong suốt 15 năm nay. Với ông, điều đó không chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ của hiện tại và tương lai mà còn là sự trân quý của người Hội An đối với những dấu tích văn hóa Nhật Bản còn lưu lại. Hay nói cách khác, người Nhật có niềm tự hào sâu sắc khi hàng trăm năm trước, họ đã đến đây, góp sức vào thương cảng Hội An và những gì họ đã làm trong quá khứ vẫn còn nguyên giá trị, xứng đáng được người Hội An coi trọng và gìn giữ.
Về phía Hội An, một vùng đất đa văn hóa, luôn tiếp biến văn hóa, con người nơi đây bằng tấm lòng thuần hậu, thiện chí, mến khách của mình, họ đã bảo lưu những hiện vật, những công trình kiến trúc của người Nhật trong quá khứ và 15 năm nay tiếp tục mở lòng đón các bạn Nhật Bản đến giao lưu văn hóa. Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Ánh cho rằng: “Lần giao lưu này tiếp tục minh chứng cho tinh thần vượt mọi khó khăn thử thách để vun đắp, tô bồi tình cảm hữu nghị sắt son, bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và Hội An với các thành phố của Nhật bản nói riêng. Đây cũng là dịp để những người bạn Nhật Bản và du khách gần xa có cơ hội thưởng thức, trải nghiệm và tham gia những hoạt động văn hóa nghệ thuật đầy thú vị cùng những giá trị tinh thần quý giá của văn hóa, lịch sử, truyền thống Hội An và Nhật Bản được hình thành từ hàng trăm năm trước, lan tỏa mãi đến hôm nay trên vùng đất Hội An”.
Có thể nói, 15 năm nay, sự kiện giao lưu văn hóa Hội An và Nhật Bản đã để lại những ấn tượng sâu sắc, khó phai. Tất cả đang tiếp tục mở lối cho con đường đối ngoại của Hội An thêm những thành công mới trên chặng đường phát triển phía trước.
Lê Hiền