Gắn bảo tàng nghề tơ lụa với du lịch

Trong những điểm đến của các quan chức cấp cao tham gia Diễn đàn hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương năm 2017, Làng Lụa Hội An được xác định là 1 điểm đến trên hành trình tham quan, tìm hiểu về văn hóa và du lịch Quảng Nam. Nơi đây được xem như một bảo tàng về nghề tơ lụa xứ Quảng.

Dự án Làng Lụa Hội An từng bước được hình thành từ năm 2005 với sự gợi mở quan trọng của các nhà kiến trúc hàng đầu, những giúp đỡ nhiệt tình của các nhà văn hóa và việc khích lệ, động viên, ưu ái của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An.

Với mục đích làm sống lại nghề truyền thống Tàm Tang xứ Quảng dưới góc độ văn hóa du lịch, Làng Lụa Hội An được xây dựng và hoạt động như một bảo tàng sống thông qua những hình ảnh về hiện vật, đồ dùng, dụng cụ, cây cối, nguồn gien, sản phẩm… kết hợp với các hoạt động mô tả, diễn đạt, truyền nghề cùng các hoạt động văn hóa khác. Mục đích là giới thiệu cho du khách gần xa hiểu biết, yêu mến nghề, nhất là trong bối cảnh Đô thị cổ Hội An mang trong mình 2 danh hiệu di sản thế giới (văn hóa và thiên nhiên) và trong tương lai Hội An cùng với các Khu di sản khác sẽ trở thành một trong những điểm đến, trung tâm du lịch quan trọng của cả nước.

Cảnh quay tơ thành sợi tổ chức tại Làng Lụa Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Nỗ lực học hỏi kinh nghiệm, mở rộng giao lưu, Làng Lụa đã kết nối với Học viện Nghiên cứu Mê Công, với Hiệp hội Tơ lụa Tokyo Nhật Bản, Tập đoàn Tơ lụa Thompsons, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa tơ lụa Hoàng gia Thái Lan,, một số cơ sở Tơ lụa Hàng Châu – Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar… đã tạo nên tiếng nói chung cùng tìm hướng phát triển nghề tơ lụa và dệt may. Đến nay, Làng Lụa cũng cũng đã tổ chức 3 lần Festival tơ lụa vào các năm 2014, 2016, 2017 trước sự chứng kiến của đại diện Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Hiệp hội Tơ lụa Châu Á và sự hội tụ, tham gia đông đảo của các nhà dệt may đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Campuchia cùng nhiều cơ sở tơ lụa thuộc hơn 10 làng nghề trong nước. Qua đó, các nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm tơ lụa đã nhận ra những cơ hội và thách thức của ngành ở thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa. Đồng thời từ đó Làng Lụa Hội An dần dần trở thành điểm đến của các nhà nghiên cứu khoa học về tơ lụa trong nước cũng như quốc tế. Hiện nay, Làng Lụa Hội An đã trở thành thành viên của Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Hiệp Hội tơ lụa Châu Á và đầu năm 2017 này đã tham gia Ban điều hành Hiệp hội Tơ lụa Việt Nam. Ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam – đơn vị chủ quản Làng Lụa Hội An cho biết: “Tiếp thu truyền thống, kết nối đầy giá trị nhân văn, giá trị ngoại giao, giá trị văn hóa của Hội An, nghề tơ tằm thổ cẩm Quảng Nam – Hội An từng bước sánh vai với các đơn vị bạn, tỉnh bạn, các nước bạn đang tìm cơ may ngoạn mục phục hưng nhằm làm phong phú, tôn vinh “văn hóa mặc” của con người. Chúng tôi nhận rõ sứ mệnh của nghề trong hoàn cảnh thế giới nhiều biến động, trong xu thế phát triển khoa học kỹ thuật, trong tác động biến đổi khí hậu, trong cả thói quen tập quán mới… Và tin tưởng vững chắc rằng, mãi mãi dù trong hoàn cảnh nào, dâu tằm – tơ lụa – thổ cẩm vẫn góp phần quan trọng giữ vai trò cốt yếu trong tiến trình phát triển nhân cách, phẩm giá của con người”.

Làng Lụa Hội An hiện đang mang trong mình ý nghĩa một bảo tàng sống giữa lòng Di sản sống ở Hội An, để giới thiệu cho khách những trải nghiệm trong không gian sinh thái mở, những hoạt động trình nghề theo tuần tự bóng dáng cội nguồn từ bộ sưu tập hàng chục cây dâu có nguồn gốc Champa, những khung dệt mang tên Champa do chính các thợ dệt người Chăm truyền nghề. Cạnh đó, là việc truyền nghề dệt thổ cẩm, tạo hoa văn trên vải từ các công đoạn, từ các bí quyết đến chất liệu, kỹ thuật, tạo hình và sự sáng tạo theo cảm xúc…

Không gian nhà rường truyền thống Quảng Nam và dệt thổ cẩm tại Làng Lụa Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Trong không gian sinh thái, các ngôi nhà rường hoặc mang phong cách nhà rường tọa lạc cũng là nét văn hóa của người Việt trên quê hương xứ Quảng, góp phần giúp du khách hiểu thêm các tác phẩm mỹ thuật độc đáo đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Giới thiệu hình ảnh thực về nhà rường là giới thiệu về cách trình bày liên kết hệ chịu lực với các tác phẩm điêu khắc mang triết lý phương Đông. Nhà rường truyền thống Quảng  Nam thường có 3 gian, 2 chái, đầu hồi dựng theo kết cấu “tam đoạn” và điêu khắc tinh xảo qua hệ thóng khung cột, kèo, mè, trính… chịu lực cùng hình thức liên kết mộng khá độc đáo hội đủ 3 tiêu chuẩn: vững chắc, tiện nghi, dung hòa… Rồi lấy khung cảnh thơ mộng trên nền các giống dâu lá Bầu của người Đại Việt di cư đem theo từ thuở xưa, nay được trồng để cho du khách tận tay hái dâu, xắt dâu và cho tằm ăn, tạo nên tính trải nghiệm hấp dẫn riêng.

Theo quy trình, khách còn tận mắt chứng kiến những cỗ máy dệt đạp cải tiến và câu chuyện về nó qua tấm gương sáng tạo của ông Cửu Diễn. Sau khi được tiếp cận với sản phẩm, thỏa mãn nhu cầu mua sắm (nếu có), khách sẽ thưởng thức ẩm thực bằng các sản phẩm của Làng. Đây cũng là chu trình của một làng nghề truyền thống Tàm tang xứ Quảng được thể hiện dưới góc độ thực thể bảo tàng sống gắn với du lịch, hay nói cách khác là thể hiện phương thức phát triển du lịch trên nền lịch sử – văn hóa. Chọn ngôi nhà rường để làm Nhà truyền thống, nơi tưởng niệm Bà Chúa Tàm Tang, Làng Lụa Hội An cũng lấy đó làm phong cách thay lời tri ân, hướng về cội nguồn, về những người có công khai mở, hưng thịnh nghề tơ lụa rất đỗi tự hào và trân trọng của quê hương. “Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt do thị trường tiêu thụ sụt giảm, giá cả luôn biến động dẫn đến nghề dệt trên địa bàn dần mai một. Trong tình hình đó, một số làng nghề, trong đó có Làng Lụa Hội An đã có những đổi mới kích thích sản xuất, xây dựng mô hình khép kín từ khâu trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đến hoàn thiện sản phẩm bằng 100% tơ lụa tự nhiên, tạo được niềm tin với người tiêu dùng, nhất là du khách trong và ngoài nước”, ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá.

Hội An từng là cảng thị cổ xưa, vang bóng một thời một phần cũng nhờ xuất khẩu tơ lụa của vùng đất Quảng Nam. Ngược lại, chính tơ lụa của vùng đất Quảng Nam đã góp phần làm vang danh Hội An nhờ vào chất lượng sợi tơ tằm Quảng Nam từng được thị trường khu vực châu Á và các nước châu Âu đánh giá cao. Những hiệu quả bước đầu về bảo tàng và giới thiệu về làng nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa Đất Quảng của Làng Lụa Hội An trong thời buổi giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay là tín hiệu vui, đáng phần khởi, tạo thêm một sản phẩm du lịch mới, một điểm đến cho những du khách muốn trải nghiệm và khám phá đời sống “con tằm rút ruột nhả tơ”, xe tơ dệt lụa, tạo vẻ đẹp “văn hóa mặc” cho con người.

Đỗ Huấn