Kể từ khi được công nhận là Khu DTSQ thế giới, bức tranh du lịch của Cù Lao Chàm ngày càng tươi sáng hơn với những chỉ số lạc quan và còn nhiều triển vọng. Lượng du khách đến tham quan tăng hằng năm, tốc độ tăng bình quân mỗi năm đạt hơn 56%. Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch đã và đang chuyển biến tích cực. Hiện có hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ, nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, homestay ra đời, hơn 130 phương tiện vận chuyển đường thủy tham gia đưa đón và tổ chức chương trình, tour tham quan du lịch Cù Lao Chàm.
Sự phát triển của du lịch Cù Lao Chàm đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng biển, đảo vốn là địa phương thường xuyên gặp khó khăn và cần sự hỗ trợ lớn của thành phố. Cơ cấu kinh tế xã hội chuyển dịch sinh động, tạo việc làm, mang lại cơ hội, sinh kế mới cho cộng đồng, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Tổng thu nhập kinh tế toàn xã năm 2015 đạt khoảng 120 tỷ đồng, trong đó ngành kinh tế du lịch – dịch vụ ước đạt 85 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70,83%. Tuy vậy, du lịch Cù Lao Chàm vẫn còn non trẻ và đang đối mặt với khối lượng lớn công việc phải làm. Nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng dịch vụ, giải pháp bảo vệ môi trường cũng như năng lực của cộng đồng và doanh nghiệp không theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Ông Trần Tấn Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp trao đổi: “Tập trung vào ngành kinh tế du lịch của Cù Lao Chàm thì đi kèm với đó là nguồn nhân lực phải được đào tạo, phải được nâng cao. Trình độ quản lý về du lịch của cán bộ cũng phải ngang tầm. Vấn đề thứ hai là hạ tầng du lịch đã và đang tập trung đầu tư để có những yêu cầu cần thiết để phục vụ. Các sản phẩm du lịch phải được tăng cường, mở ra nhiều sản phẩm mới để thu hút, để níu chân du khách nhiều hơn. Vấn đề nữa là không gian du lịch phải được mở rộng trên toàn hòn đảo để du khách có nhiều trải nghiệm hơn. Và đặc biệt là ý thức người dân và du khách trong bảo vệ môi trường, xây dựng điểm du lịch gắn kết với thiên nhiên và sạch đẹp luôn là ưu tiên hàng đầu”
Phát huy giá trị sinh thái và văn hóa để phát triển du lịch bền vững ở Cù Lao Chàm- Ảnh: Đỗ Huấn
Là Khu DTSQ thế giới, Cù Lao Chàm hội tụ nhiều giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đa dạng, phong phú bao gồm địa lý – cảnh quan, hệ sinh thái, tính sinh học, các giá trị văn hóa, văn học dân gian, nghệ thuật kiến trúc, nếp sống cộng đồng cư dân… Do vậy để đẩy mạnh phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững cho Cù Lao Chàm, nhất thiết phải thực hiện tổng hòa các giải pháp mang tính khoa học và gắn liền với thực tiễn tình hình.Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Thư ký Ban quản lý Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An nêu quan điểm: “Chúng ta phải phát triển dựa trên nền tảng bảo tồn. Bảo tồn ở đây thì chúng tôi đã xác định được là vừa cả giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. Với quan điểm đó chúng ta sẽ bám vào 7 tiêu chí mà UNESCO đã công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và được thể hiện theo cách tiếp cận là từ lưu vực sông, tức là từ phía tây sang phía đông và chịu tác động của dòng hải lưu ven bờ. Hay nói cách khác là chúng ta phải quản lý tổng hợp khu vực này”.
Những năm gần đây, sự ô nhiễm từ đất liền, vùng chuyển tiếp của Khu DTSQ đã và đang trở thành những thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học – vốn là những tiềm năng thu hút khách du lịch cho sự phát triển bền vững. Thách thức lớn hơn nữa là làm thế nào để hoạt động du lịch Cù Lao Chàm không gây ảnh hưởng xấu đến các giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan môi trường, tài nguyên thiên nhiên – vốn là hấp lực lớn của du lịch địa phương. Vì vậy, cần nhận thức rõ phát triển du lịch bền vững không bao giờ tách rời với việc bảo vệ môi trường – một vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay. Trong những năm qua, cán bộ và nhân dân Cù Lao Chàm được sự hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, các ngành của thành phố đã có nhiều nỗ lực, đạt một số kết quả khả quan trên lĩnh vực môi trường. Chương trình giảm thiểu sử dụng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn, xây bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh… được triển khai sâu rộng trong cộng đồng, nâng cao nhận thức hành động của nhân dân, tác động tích cực đến du khách. Tuy vậy, chất lượng nguồn nước ven biển, nước ngầm, nước suối, nước phục vụ sinh hoạt… qua khảo sát phân tích cho thấy còn nhiều quan ngại, đáng lo. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức cho du lịch Cù Lao Chàm cả trước mắt lẫn lâu dài.
Các nhà quản lý, cộng đồng dân cư và du khách đều phải tham gia giữ gìn, phát huy các giá trị tài nguyên của
Cù Lao Chàm- Ảnh: Đỗ Huấn
Chưa hết, với nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú và nhiều giá trị, du lịch Cù Lao Chàm cần phải gắn kết phát huy các yếu tố văn hóa (cả vật thể và phi vật thể), kết hợp chặt chẽ giữa sinh thái và văn hóa. Để phát huy đúng mức và hiệu quả, cần bổ sung thêm một số di tích LS-VH vào tuyến tham quan Cù Lao Chàm, bảo tồn tu bổ một số nhà cổ điển hình, phục hồi một số thủy hệ thiên nhiên, đầu tư bảo tồn một số dạng sinh thái – cảnh quan truyền thống, phát huy các nghề truyền thống trên đảo, đưa các lễ lệ định kỳ vào chương trình lễ hội hằng năm phục vụ đời sống tâm linh và phát triển du lịch, xây dựng các chương trình diễn xướng dân gian… Ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An nói: “Chúng tôi thấy rằng, giải pháp lâu dài căn cơ là nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị văn hóa của Cù Lao Chàm. Chúng tôi nghĩ rằng, làm sao đó mà tất cả mọi người, các bên liên quan bao gồm các nhà quản lý rồi các đơn vị kinh doanh, các du khách và cộng đồng dân cư phải nắm được giá trị văn hóa của Cù Lao Chàm. Có biết, có nhận thức được thì mới tham gia ủng hộ, giữ gìn. Nếu bàng quan thờ ơ thì không thể phát triển văn hóa bền vững được”.
Phát triển bền vững du lịch tại Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm là chiến lược lâu dài, cần có bước đi thích hợp, vững chắc. Trong đó cần đặc biệt chú trọng phát huy, khai thác hợp lý, hiệu quả các giá trị tài nguyên sinh thái và văn hóa.
Đỗ Huấn