Du lịch Cù Lao Chàm: Cần gắn kết giá trị văn hóa

Hơn 5 năm qua, kể từ khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, bức tranh du lịch của Cù Lao Chàm (TP.Hội An) ngày càng tươi sáng. Tuy nhiên, nếu thiếu gắn kết giá trị văn hóa song hành cùng giá trị sinh thái trong từng hoạt động và từng sản phẩm như hiện nay, du lịch Cù Lao Chàm sẽ phát triển không bền vững.

Lộ trình 2 di tích

Thời gian qua, tại Cù Lao Chàm, sự phát triển của các doanh nghiệp và cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch đã và đang chuyển biến tích cực với hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ, nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, homestay ra đời; 114 phương tiện vận chuyển đường thủy thường xuyên tham gia hoạt động đưa đón và tổ chức các chương trình tour tham quan du lịch trên đảo. Tuy nhiên, phần lớn du khách đến với Cù Lao Chàm chỉ mới được tận hưởng những cảnh quan sinh thái, hòa mình với thiên nhiên, với những bãi tắm đẹp và thưởng thức các món ăn lâm, hải sản được chế biến từ các hàng phục vụ du khách. Trong khi đó, một khối lượng lớn với 2 di tích khảo cổ học, 26 di tích tín ngưỡng – tôn giáo, dân dụng cũng là công trình kiến trúc – nghệ thuật có niên đại từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX đã được xếp hạng cùng một kho tàng văn hóa phi vật thể được cư dân sống trên đảo đang gìn giữ vẫn chưa được khai thác và phát huy để du khách cùng trải nghiệm.

Miếu tổ nghề yến (Bãi Hương, Cù Lao Chàm) là di tích văn hóa nhưng ít được du khách đến tham quan do điều kiện cách trở. 					                      	                    Ảnh: Đ.HUẤN
Miếu tổ nghề yến (Bãi Hương, Cù Lao Chàm) là di tích văn hóa nhưng ít được du khách đến tham quan do điều kiện cách trở. Ảnh: Đ.HUẤN

Thông thường, lộ trình tham quan của du khách trên đảo hiện tại mất chừng 5 giờ đồng hồ và chỉ tham quan được 2 di tích văn hóa là chùa Hải Tạng và giếng Xóm Cấm. Một số cán bộ quản lý ngành cho rằng, chừng đó là quá ít bởi còn nhiều di tích lịch sử – văn hóa khác có thể đưa vào tuyến tham quan ngay như lăng Ông Ngư, lăng Tiền Hiền, bia đình Đại Càn, lăng Ngũ Hành, tịnh xá Ngọc Hương… Nếu gắn kết các di tích này với các điểm sinh thái và một vài hoạt động văn hóa khác còn có thể xây dựng tour tham quan dành cho khách lưu trú qua đêm hoặc kéo dài 2 – 3 ngày. “Nếu có quy chế, có người trông coi, các điểm di tích như lăng Ông Ngư, đình Đại Càn thì chúng tôi mới có thể đưa khách tới được, chứ chỉ đi Cù Lao Chàm như bây giờ thì quá buồn. Đi 2 – 3 điểm rồi về ăn cơm, ngắm biển, nhìn về hướng đất liền chờ giờ vào lại” – anh Phạm Phú Thanh, hướng dẫn viên của Công ty Du lịch dịch vụ Sông Hội bày tỏ.

Không chỉ thiếu gắn kết khai thác giá trị văn hóa vật thể mà du lịch Cù Lao Chàm hiện tại cũng chưa thực sự chú trọng phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đa dạng hiện có. Không ít du khách đến từ Hà Nội thổ lộ: “Giá như cùng với việc ăn, nghỉ, tắm biển, thăm thú quanh đảo, chúng tôi còn được tìm hiểu, giới thiệu thêm về nếp ăn, nếp ở, đời sống, nghề nghiệp của người dân nơi đây thì thích thú biết bao!”.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

“Người ta phải biết, phải nhận thức được thì người ta mới tham gia ủng hộ, giữ gìn. Ngược lại nếu chúng ta có đề ra nhiều việc đến mấy mà người dân không biết, các nhà quản lý không ủng hộ, các doanh nghiệp bàng quan, thờ ơ thì sẽ không bao giờ phát triển bền vững được”.
(ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An)

Theo kết quả điều tra về văn hóa phi vật thể vào tháng 4.2014, Cù Lao Chàm hiện có nhiều món ăn, thức uống được chế biến từ những sản vật của rừng, của biển (rau rừng, lá lao, rong biển…) đã trở thành đặc sản hiếm nơi nào có được; những tri thức dân gian độc đáo đang được truyền tụng; nhiều ngành nghề truyền thống như đan võng bằng vỏ cây ngô đồng, đánh bắt và chế biến các loại hải sản đặc hữu (cua đá, tôm hùm, vú sao, vú nàng), làm bánh ít lá gai… vẫn đang được duy trì và được du khách ưa chuộng. Cù Lao Chàm cũng gìn giữ nhiều loại hình lễ hội, lễ cúng, diễn xướng dân gian như cầu ngư, giỗ tổ nghề yến, cúng tiền hiền, hát bả trạo, hát hò khoan đối đáp… diễn ra quanh năm. Theo ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, các giá trị văn hóa này nhất thiết và cần nhanh chóng phát huy để tăng sức hấp dẫn của du lịch Cù Lao Chàm, tạo thêm cơ hội để du khách khám phá, trải nghiệm, qua đó tăng thêm sự đồng cảm, sẻ chia và cùng nhau bảo vệ tài nguyên, môi trường khi họ đi du lịch ở đây.

Tiềm năng văn hóa trên cụm đảo có bề dày lịch sử Cù Lao Chàm còn rất phong phú. Đã đến lúc lãnh đạo các cấp, các ngành của thành phố phải tính đến chuyện đầu tư bảo tồn một số dạng cảnh quan sinh thái truyền thống đặc trưng của Cù Lao Chàm đang có nguy cơ biến dạng, mất dần như: khu ruộng Đồng Chùa đến ruộng Ông Dâu và ruộng Ông Phô, khu ruộng bậc thang ở Bãi Ông, khu vườn sinh thái bà Trần Thị Chức ở Bãi Chồng; một số thủy hệ có cảnh quan đẹp, hài hòa với thiên nhiên như suối Tình – Bãi Làng, suối Bãi Chồng, suối Xóm Cấm, các khe cửa suối thơ mộng, hữu tình (như khe Cồn, khe Ông Dâm – Bãi Hương, khe Ông Thơ – Bãi Làng); bảo tồn, tu bổ một số ngôi nhà cổ đặc trưng như nhà ông Nguyễn Vinh (Xóm Cấm), nhà ông Trần Cần (Bãi Làng) để giới thiệu về văn hóa cư trú kết hợp dịch vụ homestay…

Ông Trần Văn An nhấn mạnh, giải pháp lâu dài, căn cơ là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị văn hóa của Cù Lao Chàm. Chúng tôi nghĩ, tất cả mọi người, các bên liên quan, trong đó bao gồm các nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh, các du khách và cộng đồng dân cư… phải nắm được giá trị văn hóa của Cù Lao Chàm. “Người ta phải biết, phải nhận thức được thì người ta mới tham gia ủng hộ, giữ gìn. Ngược lại nếu chúng ta có đề ra nhiều việc đến mấy mà người dân không biết, các nhà quản lý không ủng hộ, các doanh nghiệp bàng quan, thờ ơ thì sẽ không bao giờ phát triển bền vững được” – ông An nói.

ĐỖ HUẤN