Du lịch biển Hội An là có sự kết nối giữa biển và đảo với rất nhiều giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và văn hóa. Nơi đây được quy hoạch là 1 trong 9 khu du lịch quốc gia về biển đảo.
Tháng 7 năm 2020, lễ hội “Ẩm thực và âm nhạc biển An Bàng” được tổ chức đã thu hút khoảng 3.000 du khách, phần lớn là người châu Âu đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Đầu bếp Quảng Nam, chủ nhà hàng Deck House, người khởi xướng và tổ chức sự kiện cho biết: “Chỉ cần có sân chơi phù hợp, du khách khách sẽ tự tìm đến. Chúng ta có cơ sở để xây dựng dòng sản phẩm lễ hội biển, đặc biệt tạo ra những sân chơi thường xuyên hơn, lớn hơn, kết hợp nhiều chương trình âm nhạc trong nước, quốc tế. Dịp hè này, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội “Ẩm thực và âm nhạc biển An Bàng”.
Bãi biển An Bàng vừa tiếp tục được nền tảng du lịch trực tuyến Tripadvisor bình chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á năm 2024. Đây là một hạng mục trong khuôn khổ giải thưởng Traveller’s Choice Awards 2024 của Tripadvisor, do cộng đồng du khách trên toàn thế giới đánh giá, lựa chọn. Dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua, không chỉ An Bàng hút khách mà Cù Lao Chàm cũng đón mỗi ngày gần 3.000 lượt khách quốc tế và trong nước, so với năm ngoái tăng 30%.
Những năm qua, du lịch biển đảo chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số khách du lịch đến Quảng Nam. Năm 2023, tổng lượng khách tham quan, lưu trú đến Quảng Nam đạt hơn 7,5 triệu lượt, trong đó khách lựa chọn các gói sản phẩm du lịch biển đảo chiếm hơn 2,5 triệu lượt. Điều này cho thấy du lịch biển đảo đã, đang và sẽ tiếp tục có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại đầu năm giữa cộng đồng doanh nghiệp du lịch với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh đề xuất: Du lịch biển đảo Quảng Nam là sản phẩm mới, có tiềm năng lớn, song khả năng khai thác chưa bài bản và tương xứng; dịch vụ du lịch biển, sản phẩm du lịch biển chưa thật sự phát triển. Khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp du lịch trong việc phục hồi và phát triển trong giai đoạn hiện nay là nguồn vốn.
Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, lãi vay, thuê đất, giảm giá điện; vốn đầu tư xây dựng sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm, nhiều gói kích cầu để du lịch biển đảo trở thành chuỗi sản phẩm không thể thiếu và không thể tách rời trong chuỗi sản phẩm Du lịch Xanh.
Mặt khác, để sản phẩm du lịch biển đảo trở thành sản phẩm trong chuỗi sản phẩm du lịch Xanh, cần có sự kết nối giữa các loại hình dịch vụ, từ dịch vụ vận chuyển, đến dịch vụ lưu trú, ẩm thực, mua sắm và kết nối giữa các điểm đến, sản phẩm du lịch biển đảo gắn với các môn thể thao dưới nước phải tạo được dấu ấn cho du khách.
Hiện du lịch biển đảo còn mang tính tự phát của cộng đồng, thiếu tính liên kết, thiếu đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, những bất cập về quy hoạch, hạ tầng du lịch biển chưa được đầu tư đúng mức cũng ảnh đến hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và du lịch biển đảo nói riêng.
Để khai thác bền vững tài nguyên biển đảo trong phát triển du lịch xanh và bền vững, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Quảng Nam đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng công trình chống sạt lở bờ biển, nhất là bờ biển khu vực thành phố Hội An. Bờ biển Hội An được chống xói lở sẽ bảo vệ tài nguyên du lịch, tài sản cho cộng đồng và có khả năng thu hút nhà đầu tư, làm nền tảng để du lịch biển đảo phát triển mạnh và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: “Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để đưa Hội An trở thành một khu du lịch quốc gia về biển đảo. Tiềm năng và thế mạnh của biển Hội An là có sự kết nối giữa biển và đảo với rất nhiều giá trị về sinh thái, đa dạng sinh học và đặc biệt huy giá trị văn hóa. Nơi đây được quy hoạch là 1 trong 9 khu du lịch quốc gia về biển đảo. Hiện thành phố đang tranh thủ các chính sách của tỉnh và Trung ương để khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch biển đảo “.
Trong chiến lược phát triển du lịch biển Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, bao gồm nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, du lịch thể thao và sinh thái biển là những sản phẩm chủ lực.
Đây chính là cơ hội thuận lợi để Hội An tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm du lịch biển, nâng tầm giá trị du lịch biển đảo trong chuỗi sản phẩm du lịch Xanh./.
QUỐC HẢI