Vừa qua, tại Vườn tượng An Hội đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi “Đồng hành cùng Di sản thế giới Hội An” năm 2015 do Sở VH-TT-DL tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam và UBND thành phố phối hợp với Tổ chức GD-KH-VH Liên hiệp quốc (UNESCO) tại Hà Nội và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội tổ chức.Cuộc thi nhằm vinh danh những tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến ngành du lịch trong việc thực hiện các sáng kiến và biện pháp thông tin, khuyến khích du khách mua vé tham quan, góp phần trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa thế giới Hội An; nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.Cuộc thi sẽ kết thúc và trao giải vào ngày 27.9 với giải thưởng cao nhất trao bằng tiền mặt 15 triệu đồng kèm theo các voucher về sử dụng dịch vụ du lịch Hội An.
Các doanh nghiệp đăng ký cam kết dự thi – Ảnh: Đỗ Huấn
Nội dung dự thi gồm có 2 nhóm. Nhóm về thông tin được thể hiện tại cơ sở hoạt động của các tổ chức, cá nhân bằng hình thức quầy thông tin và bao gồm tờ rơi, tập gấp, pa nô, áp phích, hình ảnh… Nhóm về ý tưởng là các bài viết hiến kế phương thức phát hành vé tham quan di sản thế giới Hội An khoa học, hiệu quả, văn minh, lịch sử và đúng quy định của Chính Phủ về phí, lệ phí; hoặc bản thiết kế mẫu về cơ sở phục vụ cho hoạt động như quầy vé, quầy thông tin, mẫu vé… đảm bảo hài hòa với kiến trúc, cảnh quan phố cổ; hoặc các khẩu hiệu, biểu ngữ, biểu tượng, các hình thức khuyến mãi khách hàng…
Đây là lần đầu tiên một sự kiện xã hội được tổ chức nhằm vận động khối doanh nghiệp và các cá nhân trong việc đưa ra sáng kiến truyền tải thông điệp tới khách du lịch về vé tham quan khu phố cổ Hội An và ý nghĩa của việc mua vé tham quan đối với việc bảo tồn, trùng tu quần thể khu di sản thế giới phố cổ Hội An.
Cuộc thi là cơ hội thúc đẩy những ý tưởng và sáng kiến cụ thể thông qua hành động thiết thực của khối doanh nghiệp và cá nhân hoạt độngliên quan đến du lịch tại Hội An và các vùng lân cận, cung cấp, tư vấn thông tin cho du khách một cách sáng tạo, góp phần gắn kết du khách với khu di sản và nâng cao trải nghiệm của du khách tại điểm đến thông qua việc ghi nhận những đóng góp tích cực của vé tham quan đối với công tác bảo tồn, trùng tu di sản.
Phát động cuộc thi, ông Võ Văn Vân – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, thường trực Ban tổ chức cuộc thi nói: “Với khu phố cổ Hội An từ sau khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới (4.12.1999), du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vai trò chủ đạo và thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Tốc độ tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ trọng gần 65% so với cơ cấu kinh tế hiện tại của thành phố. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản khu phố cổ luôn mang ý nghĩa quyết định, có tính sống còn đối với cộng đồng cư dân địa phương. Gắn liền với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như du khách đồng hành tham gia bảo vệ, phát huy “vẻ đẹp không trùng lắp” của quần thể kiến trúc khu phố cổ như là trọng trách đối với những giá trị văn hóa của nhân loại. Vì vậy, Hiệp hội du lịch Quảng Nam vô cùng vinh dự là thành viên cùng Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Hội An phối hợp với Tổ chức GD-KH-VH Liên hiệp quốc tại Hà Nội và Tổ chức Lao động quốc tế tại Hà Nội tổ chức cuộc thi “Đồng hành cùng Di sản thế giới Hội An”, 2015”.
Việc bán vé tham quan phố cổ được Hội An chính thức thực hiện từ tháng 10.1995 và chỉ trong năm đầu tiên đã bán được hơn 105 ngàn vé, thu gần 3 tỷ đồng. Đó không chỉ là con số rất ý nghĩa trong việc “lấy di tích nuôi di tích” vào thời điểm bấy giờ mà còn góp phần quản lý được nguồn thu, đồng thời kiểm soát được số lượng khách tham quan, hạn chế tiêu cực xảy ra tại điểm di tích. Đến năm 2014 vừa qua, số vé bán ra đạt gần 841 ngàn vé, doanh thu hơn 90 tỷ đồng, góp vào quỹ trùng tu phố cổ 65 tỷ đồng. Trong hơn 15 năm qua, đã có 6,5 triệu lượt vé tham quan các điểm di tích trong quần thể khu phố cổ được bán ra, nguồn thu mang lại đạt hơn 370 tỷ đồng. Hơn 70% nguồn phí thu được từ vé tham quan dành cho ngân sách trùng tu, bảo tồn và tôn tạo khu di sản.
Nhìn nhận, đánh giá những mặt được và chưa được trong việc bán vé tham quan phố cổ, ông Nguyễn Văn Sơn – PCT thường trực UBND thành phố phát biểu tại buổi lễ, thông qua việc tổ chức bán vé tham quan trọn gói khu phố cổ, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục có thêm nguồn lực để phát triển, đi lên từ văn hóa, từ di sản. Những thành quả đạt được trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển du lịch trên nền tảng các tài nguyên văn hóa, sinh thái, nhân văn của Hội An đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, sự điều hành hiệu quả của chính quyền thành phố, sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao và đầy tâm huyết của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Thành phố đã đi đúng hướng và bước đầu đạt được thành công trong việc khai thác, phát huy các giá trị di sản để phát triển du lịch, mở ra cơ hội làm ăn cho các thành phần kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân.
“Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc bán vé tham quan trong thời gian qua vẫn còn nhiều khiếm khuyết; công tác thông tin tuyên truyền chưa sâu rộng nên nhận thức của một bộ phận nhân dân và rất nhiều du khách về ý nghĩa của việc mua vé tham quan chưa được đề cao; phương thức tổ chức bán vé và kiểm soát vé tham quan vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận và hài lòng của du khách nên cần phải tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi”, ông Sơn nói.
PCT thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi – Ảnh: Đỗ Huấn
Trong khi đó, mặc dù Hội An được UNESCO đánh giá là nơi có những đóng góp tích cực cho việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn di sản nhưng hiện tại Hội An đang đối mặt với hàng loạt những thách thức như nằm tại vùng hạ lưu sông Thu Bồn thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ và tác động của biến đổi khí hậu, các công trình kiến trúc chủ yếu bằng gỗ đã được xây dựng hàng trăm năm và là một quần thể kiến trúc đô thị gắn liền với cộng đồng dân cư vẫn tiếp tục sinh sống tại khu di sản; lại trở thành một trong những trường hợp điển hình thành công cho nỗ lực bảo tồn di sản tại Châu Á và phát huy giá trị của khu di sản gắn liền với du lịch văn hóa.
Vì vậy, việc tạo ra nguồn kinh phí để bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới khu phố cổ Hội An với trách nhiệm đóng góp của cộng đồng dân cư và du khách gần xa là hết sức cấp thiết bằng cách làm văn minh, thân thiện, tạo sự đồng thuận, đạt hiệu quả cao. TS Dương Bích Hạnh – đại diện cho Ban quản lý Dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tại miền Trung Việt Nam” do UNESCO và ILO đồng thực hiện, phát biểu rằng:“Du lịch trách nhiệm đang trở thành xu hướng chiếm ưu thế trên thế giới. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khách du lịch có xu hướng lựa chọn và sẵn sàng chi trả cao hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm có uy tín và có trách nhiệm. Do đó chúng tôi tin rằng, việc chính các doanh nghiệp và cư dân địa phương tham gia cuộc thi “Đồng hành cùng Di sản thế giới Hội An”, 2015 bằng những sáng kiến của mình trong cách truyền tải thông tin và khuyến khích du khách mua vé tham quan sẽ tạo ấn tượng mạnh cho công chúng trong nước và quốc tế về một cộng đồng địa phương giàu văn hóa, đầy tự hào và trách nhiệm với di sản. Du khách chắc chắn sẽ hài lòng khi chúng ta thông tin đầy đủ và làm cho họ hiểu được 70% doanh thu từ những tấm vé tham quan của họ được dành lại cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều du khách mua vé tham quan phố cổ hơn sẽ có nhiều công trình cấu thành khu di sản này được khôi phục hơn, các hoạt động và sản phẩm văn hóa dân gian trong khu phố cổ được duy trì và đa dạng hơn. Điều đó tiếp tục trở lại làm phong phú hơn hoạt động trải nghiệm cho cả du khách và cộng đồng địa phương, tạo nên sức hấp dẫn hơn của một điểm đến du lịch di sản văn hóa và cuối cùng, điểm mạnh này sẽ tác động tích cực tới việc quay trở lại của du khách và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tại địa phương với nhiều cơ hội thu nhập và việc làm hơn cho người dân địa phương”.
Đỗ Huấn