Để xứng là điểm du lịch sinh thái ấn tượng

Là điểm đến với đặc trưng của mô hình du lịch sinh thái, xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) cần gắn chặt giữa phát triển và bảo tồn với các yếu tố không thể thiếu được là thiên nhiên và văn hóa mà cộng đồng cư dân địa phương là những người chủ thực sự.

  Trong vài năm qua, du lịch Cẩm Thanh đã phát triển nhanh chóng. Đến nay Cẩm Thanh dần trở thành một điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái với không gian rừng dừa ngập mặn, sông nước, đồng ruộng… thanh bình, thơ mộng. Ông Nguyễn Hùng Linh – Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết: “Khu di tích lịch sử rừng dừa Bảy mẫu khi được đưa vào tổ chức bán vé và quản lý đến nay đã trở thành điểm được các du khách và các đơn vị lữ hành chọn là 1 trong các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Ngoài ra, các điểm du lịch khác như rau hữu cơ Thanh Đông, Đồng Giá, hay các tuyến du lịch Sông Đình, tuyến du lịch bằng xe đạp là những sản phẩm được khách Châu Âu đánh giá cao và rất ưa thích”.

Du khách trải nghiệm thuyền thúng ở khu rừng dừa Bảy mẫu, xã Cẩm Thanh. Ảnh: Đỗ Huấn

  *Điểm đến yêu thích:

  Du lịch phát triển đã mang lại nhiều đổi thay đáng mừng cho vùng quê cách mạng xã Cẩm Thanh vốn chịu nhiều đau thương, mất mác trong chiến tranh và gian khó nghèo nàn trong những năm đầu hòa bình xây dựng. Không ai ngờ, từ một vùng quê nghèo khó, hoang vu mà hiện tại toàn xã hiện có 231 cơ sở dịch vụ lưu trú với 1557 phòng gồm 9 khách sạn, 42 biệt thự, 24 homestay và 156 nhà cho người nước ngoài thuê. Những năm trước 2020, lượng khách đến tham quan du lịch Cẩm Thanh tăng đều qua từng năm. Kinh tế tư nhân và hộ gia đình phát triển năng động và gia tăng đáng kể. Giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ, du lịch trong năm 2019 đạt hơn 333 tỷ đồng, năm 2020 mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid và thiên tai, bão lũ nhưng giá trị toàn ngành cũng đạt hơn 113 tỷ đồng

Du lịch đã tạo ra nguồn thu lớn, chính quyền địa phương nhờ đó có thêm nguồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dần hoàn thiện một số hạng mục công trình hạ tầng như bãi giữ xe, hệ thống nhà vệ sinh, mở rộng đường giao thông, khơi thông mương lạch, tăng cường các hoạt động đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Bộ mặt làng quê đã thực sự đổi thay theo hướng nông thôn mới. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm nói: “Khi đưa Cẩm Thanh vào phát triển du lịch sinh thái thì du lịch Cẩm Thanh càng tỏa sáng hơn nữa và giá trị càng nổi trội hơn nữa. Bởi vì du lịch sinh thái đòi hỏi phải bảo tồn và Cẩm Thanh đang bảo tồn, phải có cộng đồng và Cẩm Thanh đang gìn giữ cộng đồng, đặc biệt là hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế lớn trong tương lai”.

  Rừng dừa nước ngập mặn, vùng quê sinh thái Cẩm Thanh hiện đang là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, thu hút đông đảo du khách đến tham quan mỗi ngày. Du lịch phát triển đã mang lại lợi ích đáng kể cho cộng đồng cư dân địa phương, cải thiện đáng kể đời sống người dân vốn lâu nay lam lũ nhọc nhằn nơi vùng sông nước này. Nhưng để phát triển bền vững, lâu dài cần phải gắn kết hài hòa, hiệu quả giữa bảo tồn và phát triển.

Tuyến tham quan du lịch sông Đình, Cẩm Thanh. Ảnh: Đỗ Huấn

  *Bảo tồn hệ sinh thái rừng dừa:

Sự phát triển mang tính tự phát và “hơi nóng” đã làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn, môi trường và cảnh quan sinh thái vùng quê đặc thù cũng như đặt ra nhiều áp lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, sự phát triển bền vững của vùng cửa sông ven biển Cửa Đại – Hội An.Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trao đổi, đối với lượng khách du lịch lớn như những năm gần đây, khi chưa xuất hiện dịch bệnh Covoid-19, trong khi chúng ta chưa có sự chuẩn bị thì lượng nước thải, rác thải, đặc biệt là ô nhiễm về tiếng ồn, ô nhiễm về chất thải sẽ tác động trực tiếp đến cảnh quan, chất lượng môi trường và đặc biệt là sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh.

Buổi đầu phát triển, chưa thực sự chủ động và có nền tảng chuẩn bị chắc chắn nên Cẩm Thanh gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Chính quyền thành phố và xã Cẩm Thanh đã và đang triển khai các quyết sách và giải pháp hữu hiệu, nỗ lực kết nối hài hòa các sáng kiến cộng đồng trong khu vực nhằm hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế người dân và phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, kế hoạch phát triển bền vững du lịch rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh đang được hoàn thiện, trong đó kế hoạch này được tham gia xây dựng ngay từ ban đầu của 4 nhà gồm: nhà nước, doanh nghiệp, người dân và nhà khoa học. “UBND thành phố đã họp thông qua và hiện nay đang được hoàn chỉnh. Sau khi ban hành chính thức sẽ bắt đầu thực hiện. Tiếp đó là cần sớm có bộ quy tắc ứng xử để thực hiện!”, ông Hùng nói.

Rừng dừa nước được trồng mới ở Cẩm Thanh – vùng cửa sông ven biển Cửa Đại – Cù Lao Chàm. Ảnh: Đỗ Huấn

Với vai trò là vùng đệm và đang được đề xuất bổ sung vào để tăng diện tích vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, hiện nay Cẩm Thanh đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức về bảo tồn và phát triển. Giữ gìn nếp sống làng quê, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sông nước, cồn bãi không chỉ là yếu tố quyết định để xây dựng Cẩm Thanh trở thành vùng du lịch sinh thái mang đậm bản sắc, dấu ấn truyền thống mà còn là yếu tố sống còn để bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Mặt khác, du lịch Cẩm Thanh đâu chỉ có mỗi khu rừng dừa ngập mặn. UBND thành phố đã phê duyệt phương án xây dựng, mở rộng tuyến tham quan khu vực rừng dừa Bảy mẫu và tham quan nội vùng xã Cẩm Thanh. Theo đó có khoảng 17 điểm thu hút khách đến tham quan, khám phá, được chia thành 3 nhóm: Lịch sử – Văn hóa, Địa lý – Cảnh quan và Sinh thái – Sinh học. Nếu tiếp tục phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình, bảo tồn, giữ gìn được cảnh gian xanh sạch, tạo điều kiện để nhân dân được hưởng lợi từ chính sông nước, mảnh vườn, mương lạch… quê hương thì du lịch Cẩm Thanh sẽ càng có ưu thế phát triển, đời sống nhân dân sẽ ngày càng khá giả hơn.

Bài ảnh: Đỗ Huấn