Đảm bảo an toàn và chất lượng điểm đến

Khu phố cổ – Di sản văn hóa thế giới là trung tâm, động lực phát triển ngành kinh tế du lịch của TP.Hội An. Tình hình dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, bão lũ trong năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch Hội An nói chung và khu phố cổ nói riêng. Giải pháp phục hồi du lịch hiện nay cần thiết phải đảm bảo an toàn và chất lượng của điểm đến khu phố cổ.

Hội An tổ chức lại các hoạt động “Phố đêm”, thu hút du khách

Hiện nay, cả nước nói chung và TP.Hội An nói riêng cơ bản đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19 và đang nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới trong cuộc sống. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn, các tỉnh thành trong cả nước đang nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Hơn nữa, diễn biến của đại dịch này đang bùng phát và ảnh hưởng phức tạp đến toàn cầu, trong đó có nhiều nước vốn là thị trường du lịch chủ yếu của Hội An. Do đó, sự phục hồi hoàn toàn hoạt động kinh doanh du lịch và thương mại ở Hội An đòi hỏi phải có một thời gian dài và cách làm kiên trì, hữu hiệu.

Du khách tham gia trò chơi dân gian trong “Đêm phố cổ”

Trong khi chưa xác định được thị trường khách quốc tế được kết nối khi nào do phụ thuộc vào việc mở lại các đường bay quốc tế và trông chờ vào việc sản xuất thành công nguồn vaccine tiêm chủng phòng ngừa Covid-19, thì trước mắt thị trường khách chủ yếu vẫn là khách nội địa như kịch bản của Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xác định. “Du lịch nội địa là cứu cánh cho cả nước nói chung, Hội An nói riêng trong những năm tới. Tuy nhiên từ trước tới nay Hội An chỉ quen với khách truyền thống, khách quốc tế nên khi chuyển qua thị trường khách nội địa thì gặp bất trắc và khó khăn. Ở Hội An sản phẩm dành cho khách nội địa chưa mạnh so với các vùng khác. Cho nên cần phải tính toán và có giải pháp phù hợp”, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam nói.

Tuy lượng khách nội địa chỉ đi trong một khoảng thời gian nhất định, không kéo dài quanh năm, thường tập trung vào mùa hè và các kỳ nghỉ lễ ngắn hạn, số lượng cũng không nhiều nhưng đây lại là thị trường “khó tính” hơn do có xu hướng tiêu dùng và sở thích khác với thị trường khách quốc tế.

Vấn đề đặt ra lúc này là cả cộng đồng các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhân dân phải thích nghi để “sống chung với dịch”. Vì vậy cần chú trọng việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình hoạt động, đảm bảo ổn định cuộc sống và tổ chức các hoạt động đón khách. Bà Phạm Thị Ngọc Dung – Phó Trưởng Phòng VHTT thành phố cho rằng: “Một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng hàng đầu ở Hội An là phải thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trước hết triển khai truyền thông thực hiện nghiêm “khuyến cáo 5K” của Bộ Y tế. Thứ hai, ngành du lịch phải triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19 được BCĐ phòng chống dịch tỉnh Quảng Nam ban hành. Thứ ba là sử dụng ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn của Tổng cục du lịch để phối hợp kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch”

Cũng theo ý kiến bà Dung, thực tế hiện nay môi trường kinh doanh du lịch và thương mại của TP.Hội An nói chung, khu phố cổ nói riêng đang chịu những tác động tiêu cực do 2 đợt dịch Covid-19 và ảnh hưởng của hàng chục cơn bão lũ trong năm 2020. Tổng lượng khách đến tham quan Hội An đạt hơn 923 ngàn lượt, giảm gần 84% so với năm trước, lượt khách tham quan khu phố cổ cũng giảm gần 85% . Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 771 triệu đồng, giảm hơn 86%.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhà ở, di tích đóng cửa, khu phố cổ Hội An vắng vẻ, thiếu sức sống

Việc không có khách du lịch khiến cho các hoạt động tại khu phố cổ chững lại, nhiều di tích, nhà ở phải đóng cửa. Theo số liệu thống kê của Trung tâm QLBTDSVH Hội An sau đợt dịch lần 2 vào tháng 9.2020, trong tổng số 842 nhà ở, di tích mặt tiền được khảo sát, có 331 ngôi nhà và di tích mở cửa. Trong đó chỉ có 133 ngôi nhà đang duy trì hoạt động kinh doanh với các mặt hàng tiêu dùng, ăn uống là chủ yếu (chiếm tỷ lệ 15%). Còn theo số liệu thống kê của Phòng VHTT, có 935 trường hợp đã nộp hồ sơ xin nghỉ hoặc tạm nghỉ kinh doanh, tập trung chính ở khu phố cổ (trong đó Minh An có gần 100%, Cẩm Phô 36%, Sơn Phong 44%)

Nhà ở, di tích đóng cửa, đường phố thiếu ánh sáng đèn điện, cả khu phố cổ lung linh huyền ảo, điểm đến được yêu thích hàng đầu của du khách ngày nào bỗng trở nên vắng vẻ, thiếu sức sống và mang lại cảm giác bất an đủ điều… Đã đến lúc phải làm mới không gian phố cổ, đánh thức Hội An để kích hoạt du lịch trong trạng thái mới. Theo ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty Du lịch – Dịch vụ Hoa hồng, “Cần kích hoạt lại hệ thống ánh sáng phố cổ để tạo hiệu ứng sắc màu, hấp dẫn du khách; đồng thời quan tâm khai thác nét đẹp và đặc trưng của kiệt hẻm ở phố cổ”. Còn bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH thì chia sẻ: “Sắp xếp, cải tạo cảnh quan, môi trường khu phố cổ, xây dựng hình ảnh Hội An thân thiện, mến khách là việc làm thường xuyên để duy trì hình ảnh điểm đến của vùng đất “nhân tình thuần hậu”. Bên cạnh đó, cả cộng đồng chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân thành phố cũng cần tăng cường công tác quảng bá truyền thông; áp dụng các chương trình kích cầu du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, tạo thêm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường khách trong nước…

TP.Hội An với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa và sinh thái phong phú, nơi có 2 Di sản thế giới là Khu phố cổ – DSVH thế giới và Cù Lao Chàm – Khu dự trữ sinh quyển thế giới vẫn là nơi mãi hấp dẫn, cháy bỏng tình yêu trong lòng du khách gần xa và với tinh thần đoàn kết, sáng tạo của cộng đồng dân cư từ bao đời nay, tin rằng ngành du lịch Hội An chắc sớm được phục hồi và phát triển.

                                                                                                    Đỗ Huấn