Thi công kè bảo vệ Đô thị cổ Hội An: Lo ngại chấn động phố cổ

Công trình kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An góp phần bảo vệ an toàn khu phố cổ trước hiểm họa khôn lường của biến đổi khí hậu chính thức khởi công trong những ngày qua. Tuy nhiên, quá trình thi công đã tạo ra chấn động, gây lo ngại cho sự an nguy của những ngôi nhà cổ nằm sát bờ sông Hoài.

Hơn một tuần qua, cánh cửa gỗ của nhà hàng Hoa Anh Đào – 119 và 121 đường Nguyễn Thái Học đã bị lệch, phải dùng sức nâng lên mới mở ra được; bờ tường cũng đã bị nứt ở một vài nơi. Ngoài lề đường, mặt thảm nhựa và gạch lát lề bị rời ra; đường Bạch Đằng cũng đã xuất hiện những vết nứt dài giữa tuyến.

 “Công trình kè bờ sông Hoài này rất cần cho sự tồn tại về lâu về dài của phố cổ. Tuy nhiên quá trình thi công gây chấn động rất mạnh. Ngôi nhà cổ chúng tôi bị nứt rất nhiều chỗ. Chúng tôi mong rằng sau khi hết rung đất thì bộ phận bảo hiểm liên đới đến khảo sát, kiểm tra lại và có hướng khắc phục lại cho chúng tôi” – Ông Đinh Văn Chưu – Quản lý Nhà hàng Hoa Anh Đào nói.

Những ngôi nhà cổ bị tác động do nằm sát công trình thi công chỉ 5 m- Ảnh: Quốc Hải

Tuyến kè bảo vệ phố cổ Hội An đi qua địa phận phường Minh An dài 780m từ Chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương từ chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 sẽ triển khai từ cầu An Hội đến cầu Cẩm Nam, giai đoạn 2 thi công từ cầu An Hội đến cầu gỗ trước chùa Cầu. Sau khi thi công bờ kè, vỉa hè sẽ được nới rộng từ 1-2m, sẽ được lát đá, trồng cây xanh cùng hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp với Khu phố cổ, vừa bảo vệ đô thị cổ vừa phục vụ du lịch thành phố.

Trước khi thi công, các ngành chức năng đã khảo sát tất cả các ngôi nhà, thực hiện bảo hiểm nguyên trạng và triển khai chống đỡ, gia cố. Phương pháp thi công được nhà thầu áp dụng là dùng búa rung, xói nước bằng máy bơm ứng lực mạnh. Trước khi hạ cọc theo độ sâu thiết kế phải dùng cọc mồi bằng thép có tiết diện lớn hơn đầu cọc bê tông nhằm giảm chấn động xung quanh. Thi công xong đoạn kè nào sẽ xử lý cuốn chiếu đoạn đó, đồng thời tháo gỡ để gia cố công trình.

Những vết nứt trên đường Bạch Đằng- Ảnh: Quốc Hải

Ông Nguyễn Phước – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DIC Hội An – Nhà thầu thi công công trình cho biết: “Dĩ nhiên quá trình thi công dùng búa rung và xói nước nên vẫn có chấn động rung nhưng phương pháp của chúng tôi là dùng cọc mồi trước nên hạn chế tối đa chấn động của công trình.”

Toàn bộ tuyến phố cổ Bạch Đằng có hơn 50 ngôi nhà niên đại hàng trăm năm, lại nằm sát với bờ sông Hoài, có đoạn chỉ cách móng trụ thi công chỉ 5m. Bờ kè sông đã làm cách đây cả trăm năm nên nền móng, đất và cả nền đường rất yếu do cấu tạo địa chất từng đọan khác nhau.

Công trình kè bảo vệ đô thị cổ  đang được thi công- Ảnh: Quốc Hải

Chịu trách nhiệm quản lý dự án, ngay từ khi khởi công kè bảo vệ đô thị cổ, UBND thành phố Hội An đã thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ mọi thời điểm thi công với đầy đủ các ngành chức năng như Quản lý Đô thị, Tài nguyên Môi trường, Bảo tồn Di sản văn hóa,… “Để công trình thi công thuận lợi, trách nhiệm của UBND thành phố Hội An và các ngành chức năng là phải bám sát hiện trường. Theo sát chừng nào sẽ phát hiện ngay và có giải pháp phù hợp. Thành phố sẽ chịu trách nhiệm trả lời, giải thích cụ thể cho doanh nghiệp, người dân hiểu về mục đích, chủ trương đầu tư của công trình này” – Ông Nguyễn Thế Hùng – PCT UBND thành phố Hội An nói.

Hy vọng, phương pháp thi công của nhà thầu cùng các giải pháp ứng phó ngay lập tức của địa phương sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động lên các di tích trong khu vực, bảo vệ sự an nguy của quần thể di sản vô giá của nhân loại – Đô thị cổ Hội An./.

Quốc Hải