Với chính sách, chiến lược phù hợp cùng sự đồng lòng của người dân, thành phố Hội An đang phát triển đô thị một cách bền vững theo hướng thành phố sinh thái đầu tiên của cả nước.
Chuyện riêng ở phố
Nhớ lại những năm 1990, ông Lê Huyễn – Thủ từ Chùa Ông gật gật đầu, tỏ vẻ hài lòng. Ông kể, khi Hội An cấm xe máy lưu thông để tái hiện không gian sinh hoạt của người dân phố cổ đầu thế kỷ 20, không ít người dân và cả cán bộ địa phương đã phản ứng gây gắt. Thế mà đến nay, quy định này đã tạo nên 2 sản phẩm du lịch nổi tiếng toàn cầu của Hội An là “Đêm phố cổ” và “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”.
“Trong phố cổ có cả chục quy định chưa thấy ở đâu làm. Quy định nào cũng nghiêm ngặt, cột buộc. Ban đầu ai cũng thấy khó nhưng lâu dần mới nhận ra cái đúng. Nhờ thế mà giữ được không gian đô thị, bảo tồn được di sản cho đến hôm nay, người dân hưởng lợi từ đó” – Ông Lê Huyễn, nói.
Người dân và cả du khách cũng đã cảm thấy phiền toái khi thực hiện “vạch cai đỏ” trên đường phố, tất cả xe cộ phải để trong vạch. Thế mà đến nay, mọi chuyện đã trở thành nề nếp, lối sống; nhiều tỉnh thành trên cả nước đã học cách làm này của Hội An.
Hiện hàng loạt quy định, quy chế từ “Xây dựng và sửa chữa trong khu phố cổ”, “Cơ chế trợ giúp trùng tu di tích”, “Tăng cường quản lý quy hoạch du lịch văn hoá”, “Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích khu phố cổ Hội An”… đã được chính quyền ban hành. Năm 2000, Hội An quy định việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng trong khu phố cổ phải có giấy phép, đảm bảo nguyên tắc trùng tu di tích, thậm chí không được xây dựng khách sạn trong khu phố cổ, không được sơn vôi tường hay lát gạch men trên nền nhà, chiều cao mỗi ngôi nhà, từng khu vực là bao nhiêu .v.v.. “Như vậy, Luật Xây dựng áp dụng vào Hội An là không đủ, trong khi Luật Di sản thì mới ban hành” – Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, khẳng định.
Thật ra, cả nước cũng chưa nơi đâu có riêng một quy chế về “Quản lý hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu” quy định cụ thể về vị trí đặt biển hiệu, nội dung biển hiệu, chất liệu, kích thước như ở Hội An. Hơn 10 năm qua, trong khu vực I của phố cổ, biển hiệu chỉ được dùng các chất liệu gỗ, mây, tre hoặc các chất liệu truyền thống khác. Độc đáo hơn, màu sắc cũng cụ thể đến mức chỉ cho phép dùng các màu đà, nâu, vàng sẫm. Thêm vào đó, các trục đường chính của khu vực II không được dùng chất liệu hiện đại như hộp đèn, meca, tấm bạt, hệ thống đèn ống uốn chữ…
Tháng 11/2003, để “Tăng cường quản lý việc sử dụng đất đảm bảo quy hoạch và đúng hướng không gian đô thị”, Hội An quy định “nếu chia cắt nhỏ để chuyển nhượng thì thửa đất xin chuyển nhượng có chiều ngang mặt tiền tối thiểu 7m, chiều ngang mặt tiền của phần còn lại trong thửa đất tối thiểu 7m”. Đó đích thực là “chuyện riêng ở phố”, hoàn toàn không đúng với Nghị định 84/CP ngày 25/5/2007 của Chính Phủ, nhưng phù hợp với Hội An.
“Chuyện gì phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu thực tế và mang lại lợi ích thiết thực cho dân sinh thì làm, trong quá trình thực hiện có điều chỉnh, bổ sung” – Bí thư Thành ủy – Nguyễn Sự, nói.
Thành phố sinh thái
Năm 1999, quần thể di tích kiến trúc Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đó là động lực phát triển kinh tế xã hội đồng thời đặc ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển đô thị. Chính vì vậy, ngày 15/12/2009, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết “Xây dựng thành phố Hội An – Thành phố sinh thái” với những tiêu chí riêng biệt và chưa có “mô hình” trên cả nước.
Từ đó, việc bảo vệ khu phố cổ, phát triển đô thị Hội An luôn đặt trong mối quan hệ tổng thể, không đơn lẻ, không tách rời nhau từ cơ sở hạ tầng, cảnh quan đường phố, cây xanh, kiến trúc của từng công trình đến các khoảng đất trống, sân trời, sân vườn của mỗi ngôi nhà và tất cả đều phải được giữ gìn cẩn trọng.
Về phương diện sinh thái học đô thị, GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính đã phát hiện: “Giá trị nổi trội của Hội An là sự song tồn và tương ứng sâu sắc trong một cơ thể gắn quyện hữu cơ, không tách lìa kiến trúc đô thị (phần cứng) và đời sống của cộng đồng dân cư truyền thống (phần mềm). Ở các đô thị khác, sự song tồn ấy đã biến mất từ lâu. Hội An ở trong số ít ỏi đô thị Việt Nam còn duy trì được sự cân bằng”. KTS còn cho rằng, hễ dân gốc chưa từ bỏ nếp sống xưa nay thì kiến trúc đô thị còn, nếu ngược lại thì kiến trúc đô thị tan, hoặc còn lại như một mô hình kiến trúc của dĩ vãng.
Ở Việt Nam, chưa có một thành phố nào chỉ trong 10 năm đã được UNESCO công nhận 2 di sản thế giới là Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An như ở đây. Vì thế, chính quyền đã khẳng định quan điểm rõ ràng cho việc phát triển đô thị luôn nằm trong mối liên kết giữa đa dạng văn hóa và sinh học cùng nhiệm vụ quy hoạch sinh thái bền vững, lấy 2 di sản làm “rường cột”.
Hội An đã khoanh vùng bảo vệ khu phố cổ có diện tích 1,6km2 gồm 3 vùng I, IIA và IIB. Trong đó, ngoài vùng I, vùng bảo vệ đặc biệt các yếu tố cấu thành đô thị cổ với diện tích 0,30 km2, vùng IIA và IIB là nơi chỉ được xây dựng các công trình nhằm tôn tạo di tích, danh thắng và bảo vệ cảnh quan.
KTS Võ Duy Trung – Trung Tâm QLBTDSVH Hội An cho biết: “Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025. Trong 5 nội dung đầu tư bảo tồn có quy hoạch đô thị nông thôn vùng di sản. Một “Vành đai xanh” cho phố cổ được thiết lập nhằm giảm tải lên vùng hạt nhân đô thị cổ, tạo cơ sở để ngăn chặn sự hiện đại hóa kiến trúc đô thị thiếu định hướng và phục vụ trực tiếp việc phát huy các giá trị di sản văn hóa”.
Theo đó, “vành đai xanh” tự nhiên phía Nam khu phố cổ chính là sinh thái hạ lưu sông Thu Bồn, vùng Cẩm Thanh và các cồn, gò gần khu vực Cửa Đại. Phía Đông là sông Đò, phía Bắc là sông Cổ Cò. Riêng vòng cung vành đai xanh phía Bắc đô thị cổ Hội An được quy hoạch bao gồm cánh đồng Cẩm Châu, làng ra Trà Quế, làng hoa và cộng đồng dân cư làm nông nghiệp. Bên cạnh đó còn gồm hệ thống các công viên văn hóa và một phần diện tích các phường Thanh Hà, Tân An, Cẩm Phô, Sơn Phong và Cẩm Châu khoảng 940ha.
Ông Trương Văn Bay – Nguyên PCT UBND Thành phố, cho rằng: “Đây là nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai một cách bài bản và nghiêm túc. Khi chúng ta quy hoạch được “vành đai xanh – vùng đệm” xung quanh phố cổ, chính quyền và người dân Hội An sẽ có cơ sở để quản lý, bảo tồn và tôn tạo đô thị một cách tốt hơn”.
Mô hình tương thích
Ngày 23/10/2013, tại Thượng Hải – Trung Quốc, UN Habitat Châu Á – Tổ chức Định cư và Con người Liên Hiệp Quốc tại Châu Á đã bình chọn Hội An đoạt giải thưởng “Thành phố cảnh quan” 2013 với các tiêu chí bao gồm sự phát triển đô thị bền vững gắn liền với cuộc sống của con người và cây xanh, không khí trong lành không bị ô nhiễm và đảm bảo tốt nhất sự an cư cho người dân.
Cũng theo ông Trương Văn Bay, trên cơ sở các tiêu chí đánh giá đó, Hội An phác thảo về một thành phố có môi trường sinh thái cân bằng, thân thiện với tự nhiên, phát triển bền vững và cuộc sống của cộng đồng dân cư có chất lượng. Hiện Hội An đang nỗ lực chống ô nhiễm, chống suy thoái về môi trường cả tự nhiên và xã hội, đảm bảo giữ cho thành phố đạt các tiêu chí thoáng, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn, văn minh và có bản sắc địa phương.
PGS.TS Phạm Hùng Cường – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trong một cuộc hội thảo về “Xây dựng Hội An – Thành phố sinh thái”, đã nói rằng: “Đô thị cổ Hội An đã tìm được con đường phát triển gắn kết bảo tồn với phát triển du lịch. Trong đó, phải khẳng định vai trò của hệ thống chính trị xã hội đã được tổ chức tốt, gắn kết và phát triển hài hòa, hỗ trợ, xây dựng, tôn vinh di sản đô thị cổ hôm nay. Thành phố có đầy đủ tiềm năng để trở thành một đô thị sinh thái với mối quan hệ sinh thái nhân văn phát triển bền vững, đó cũng là tiền đề để tập hợp, phát huy sức mạnh các tài nguyên tự nhiên và nhân văn”.
Đến nay, Hội An đã xác định các khu vực với đặc trưng về môi trường nhân tạo – tự nhiên – xã hội, tạo được mối quan hệ khăng khít, liên kết giữa các hệ sinh thái trong khu vực. Quy mô của thành phố Hội An thuộc loại trung bình với diện tích chỉ hơn 60km2, không kể vùng biển và khả năng dân số tối đa vào khoảng 150 nghìn đến 200 nghìn người. Không gian Hội An khá thoáng nhờ là một thành phố cửa sông – ven biển, diện tích nông thôn lớn hơn nội ô.
“Mô hình tương thích, duy nhất cho Hội An là thành phố cân bằng và hướng tới mô hình đô thị hậu công nghiệp hóa. Thành phố này cần phải có sự cô kết bền vững, tránh để xảy ra sự chảy máu từ bên trong cộng đồng dân cư, bảo tồn vốn liếng kết hợp với đảm bảo kế sinh nhai. Cạnh đó là duy trì sự hài hoà về hình thái học giữa các cấu trúc đô thị xưa – cũ – mới, sự chuyển tiếp mềm từ phần đô thị sang nông thôn, từ các khu xây dựng sang thiên nhiên. Du lịch – nghỉ dưỡng – trung tâm văn hóa và lễ hội mang tính dân tộc và dịch vụ phải là những động lực chọn cho phát triển Hội An” – GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, nói.
Rõ ràng, mô hình phát triển cho Hội An không phải là đô thị của giai đoạn công nghiệp hoá đang trôi qua mà là đô thị hậu công nghiệp hóa. Nếu đi theo con đường có sẵn của mô hình đô thị thời công nghiệp hóa, Hội An chắc chắn khó tránh khỏi những mâu thuẫn và thách thức, thậm chí là những hậu quả mà các thành phố hiện đại đang gánh chịu. “Xây dựng thành phố sinh thái không ngoài mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng môi trường sống cho dân cư, giữ gìn di sản văn hóa, lịch sử và tự nhiên, phát triển đô thị sinh thái bền vững” – Bí thư Thành ủy – Nguyễn Sự, khẳng định./.
Quốc Hải