Sản phẩm đặc trưng mang dấu ấn cộng đồng

Vừa qua, đại diện Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo TP.Hội An để trao đổi một số nội dung có liên quan nhằm phục vụ cho công tác khảo sát, nghiên cứu chủ đề Xây dựng thương hiệu thành phố: Phát triển không gian công cộng dựa vào cộng đồng. Trong đó, những kinh nghiệm tổ chức “Phố đi bộ” và “Đêm phố cổ” của Hội An được Hiệp hội các đô thị Việt Nam và Viện KAS CHLB Đức chia sẻ như một điển hình về Phát triển không gian công cộng dựa vào cộng đồng đối với các đô thị trong cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là những sản phẩm mang đậm dấu ấn sau 20 năm khu phố cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới

Du khách dạo tham quan Hội An trên “Phố đi bộ”- Ảnh: Đỗ Huấn

Thực ra “Đêm phố cổ” là tên gọi ngắn gọn của đề án “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” (lúc ban đầu có tên là “Nghiên cứu, phục hồi ngày phố cổ tại Khu phố cổ Hội An”) được tổ chức lần đầu tiên vào dịp Trung thu (đêm 14 âm lịch) năm Mậu Dần (1998). Từ những ý tưởng của các nhà quản lý và những người làm văn hoá của thành phố, sau một thời gian làm thử nghiệm đến ngày 23.2.1999 UBND thị xã (lúc bấy giờ) đã chính thức ban hành chỉ thị về việc tổ chức “Đêm phố cổ” hằng tháng (đêm 14 âm lịch) như là một sản phẩm văn hoá du lịch riêng có của Hội An. Chỉ tính đến cuối năm 2018 vừa qua, sau 20 năm thực hiện, Hội An đã tổ chức 230 “Đêm phố cổ” định kỳ (trừ những đêm gặp mưa lớn, bão lụt…), thu hút hơn 1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn.

Cũng từ những ý tưởng trên nền tảng di sản phố về một đô thị cổ không có tiếng ồn của động cơ gắn máy, Hội An thực hiện thêm đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”, được triển khai thử nghiệm lần đầu vào ngày 24.7.2004. Lúc đầu chỉ thực hiện vào ngày thứ 7 hàng tuần với tên gọi “Khu phố cổ không có tiếng động cơ xe máy”, dần dần được sự đồng thuận của người dân, thành phố tiến đến tổ chức 7 đêm/tuần với đề án “Phố đêm” (năm 2010) và chính thức đến ngày 1.4.2013 đề án được thực hiện với tần suất 7 ngày 7 đêm trong tuần. Từ ngày 13.4.2014, thời gian hoạt động được điều chinh một lần nữa: buổi sáng từ 9g00 – 11g00, buổi chiều và tối từ 15g00 – 22g00 (mùa hè) và 21g30 (mùa đông). Khung thời gian thực hiện như hiện nay là khá hợp lý, vừa thuận tiện cho sinh hoạt của cộng đồng cư dân vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm của du khách gần xa. Phố cổ buối sớm mai rất tĩnh lặng, mơ màng dưới mái rêu phong của những đầu hồi xô lệch và về chiều rất đẹp, rất thanh bình với những con đường cong nhỏ, ngõ hẻm hút sâu trong mắt du khách. Đêm xuống phố càng lung linh huyền ảo với ánh đèn lồng muôn sắc và xao động nhịp sinh sống, bán buôn của cư dân bản địa.

Thành công của “Đêm phố cổ”, của “Phố đi bộ” suốt 20 năm qua là đã góp phần nâng cao uy tín của khu di sản văn hoá thế giới – đô thị cổ Hội An, minh chứng cho sự đồng thuận hưởng ứng và năng lực sáng tạo của cộng đồng cư dân – những chủ nhân trong lòng di sản. “Nhân dân trong phố cổ phải thay đổi thói quen của mình để tạo ra những sản phẩm văn hóa và du lịch mới. Ví dụ như người ta chấp nhận hy sinh một số thói quen thường ngày, không được đi xe vào những giờ không cho phép để thực hiện “Đêm phố cổ”, để thực hiện “Phố không có động cơ”. Chính nhờ vậy, người dân trong phố cổ đã tạo nên những sản phẩm du lịch rất độc đáo cho Hội An”, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Ánh nói.

Trò chơi dân gian Bài chòi trong “Đêm phố cổ” luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách– Ảnh: Đỗ Huấn

Với hàm lượng và chất lượng văn hóa cao thể hiện qua không gian tổ chức và nội dung hoạt động phong phú, đa dạng mang đậm dấu ấn truyền thống đặc thù của đất và người Hội An, “Đêm phố cổ” và “Phố đi bộ” ở Hội An thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thường xuyên thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm; đồng thời cũng là một hoạt động văn hóa đặc biệt phục vụ công tác đối ngoại của thành phố và được tái hiện để phục vụ nhân dân và khán giả ưa chuộng ở khắp nơi trong cả nước và trên thế giới.

“Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ” cũng được các hãng lữ hành trong nước và quốc tế đưa vào tour tham quan và giới thiệu là một thương hiệu du lịch văn hóa nổi tiếng, góp phần đưa lượng khách đến tham quan cũng như khách lưu trú trên địa bàn thành phố tăng cao. Không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, “Đêm phố cổ” và “Phố đi bộ” từ đó còn tác động tích cực vào việc phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư khi nghề làm lồng đèn hồi sinh mạnh mẽ, trở thành nghề truyền thống của Hội An, tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho hàng ngàn lao động trong cũng như ngoài thành phố. Lồng đèn được du khách lựa chọn để làm quà lưu niệm và cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Các hoạt động dịch vụ khác phục vụ du khách như thả hoa đăng, du thuyền, ẩm thực, chụp ảnh lưu niệm… cũng mở mang đầy sinh khí. Ông Lê Minh Kim ở khối phố An Định, phường Minh An chia sẻ, theo xu hướng thời đại các hộ dân cư phải tất bật hòa mình vào cuộc sống đời thường, cơm áo gạo tiền mà quên đi cái vốn quý mà ông cha ta đã bao đời nay tôn tạo để lại. “Nhờ vào cái vốn quý giá đó, chúng ta hằng ngày sinh sống và kinh doanh trên đó, gặt hái ra nhiều tiền, hộ khá hộ giàu ngày càng nhiều lên. Đó là di sản khu phố cổ Hội An!”, ông Kim bộc bạch.

Đến với “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ” Hội An, nhiều du khách và khán giả còn tỏ ra thích thú khi được thưởng thức tài năng và sức sáng tạo của cộng đồng cư dân trong việc đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống như: hô hát Bài chòi,hò khoan đối đáp, hát dân ca, trò chơi dân gian (bịt mắt đập nồi, bịt mắt đánh trống)…vào chương trình tổ chức, tạo nên một sân chơi lý thú cho nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi.

Khu phố cổ và thành phố Hội An đang là điểm đến, là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước trên con đường Di sản miền Trung. Theo đó, sản phẩm du lịch của di sản Hội An cần tiếp tục chú trọng khai thác các giá trị văn hóa gắn với lối sống cộng đồng của cư dân đô thị thương cảng xưa “một thời vang bóng”. “Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức cộng đồng để cho mọi tầng lớp nhân dân, du khách, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng nhau chăm sóc, nâng niu và nâng cao hơn nữa chất lượng của phố cổ Hội An”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu.

                                                                                      ĐỖ HUẤN