Phát triển kinh tế nông thôn và hải đảo

Trong những năm qua, thành phố Hội An đã ưu tiên đầu tư cho các khu vực nông thôn và hải đảo, tập trung nâng cao chất lượng và cải thiện môi trường các khu du lịch làng quê, làng nghề… nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, bù đắp cho những bất lợi về du lịch biển trong điều kiện bãi biển bị xâm thực, xói lở như hiện nay.

Du khách tham quan làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà- Ảnh: Đỗ Huấn

Thực tế cho thấy, mặc dù đã được lãnh đạo thành phố tăng cường đầu tư trong nhiều năm qua với các quyết sách đúng đắn và ưu đãi nhưng nhìn nhung tốc độ phát triển của khu vực nông thôn và hải đảo ở Hội An vẫn còn chậm, thu nhập của người dân còn thấp và khoảng cách mức sống của các tầng lớp dân cư vẫn còn khá xa so với khu vực đô thị. Bên cạnh đó, trước những tác động bất lợi, khó lường của khí hậu, thời tiết, sản xuất nông – ngư nghiệp của người dân ở khu vực này thường gặp những khó khăn, bất trắc. Sản xuất nông nghiệp tuy đã được chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng giá trị nhưng hiệu quả chưa đạt yêu cầu, giá trị trên một đơn vị diện tích còn thấp, diện tích bỏ ruộng tiếp tục tăng lên, khoảng trên dưới 50ha (chiếm hơn 4% so với đất sản xuất nông nghiệp, hơn 5% so với đất trồng cây hằng năm). Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản cũng có xu hướng giảm dần so với những năm trước.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế khu vực nông thôn và hải đảo, lãnh đạo thành phố có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chương trình tam nông, chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả rồi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đầu tư hạ tầng phục vụ cho sản xuất, đồng thời xúc tiến thương mại hàng nông sản giúp cho nông dân tiêu thụ. Chính quyền và các ngành chức năng của thành phố cũng chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, sử dụng giống lúa và các cây trồng phù hợp mùa vụ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố sẽ đầu tư cho các công trình chống hạn, chống nhiễm mặn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, thủy lợi hóa đất màu… phục vụ sản xuất. Trên lĩnh vực ngư nghiệp, thành phố tiếp tục định hướng cho ngư dân chuyển đổi cơ cấu nghề và kiêm nghề, tập trung khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, chú trọng phát huy vai trò của các tổ đoàn kết khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tháo gỡ và tạo điều kiện nhiều mặt để ngư dân vươn khơi đánh bắt kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Trong nuôi trồng thủy sản, chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo hướng sinh thái kết hợp với du lịch, dịch vụ; thực hiện tốt các khâu quản lý con giống, xử lý dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn sản phẩm… Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết, thành phố đã mở rộng không gian phát triển du lịch dịch vụ ra các khu vực vùng ven. Theo đó đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch dịch vụ thành phố, du lịch xã đảo Tân Hiệp; đồng thời chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển thương mại du lịch, phát triển cơ sở lưu trú, quản lý và khai thác các bãi tắm du lịch trên địa bàn. “Trên cơ sở đó ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho các khu vực biển đảo, làng quê, chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị sinh thái nhân văn của từng địa phương gắn với đẩy mạnh việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu vực này”, ông Dũng nói.

Một góc của Bãi Hương – Cù Lao Chàm– Ảnh: Đỗ Huấn

4 xã nông thôn và hải đảo của thành phố gồm: Tân Hiệp, Cẩm Thanh, Cẩm Kim và Cẩm Hà là các địa phương nằm ngay trong vùng lõi và vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Tân Hiệp, Cẩm Thanh và Cẩm Hà đang tiếp tục đầu tư để nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, phấn đấu giữ vững là các “Xã Nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao” trong những năm tới. Còn Cẩm Kim đang được thành phố đầu tư phát triển, tăng thêm số lượng các tiêu chí đạt chuẩn theo quy định của quốc gia. Đồng thời, Đảng bộ và chính quyền thành phố cũng đang tăng cường triển khai kế hoạch phát triển Cẩm Kim theo hướng trở thành “Làng quê, làng nghề sinh thái” cũng như “Phát triển bền vững xã Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An”. Sự phát triển của 4 xã nông thôn và hải đảo của Hội An không thể tách rời định hướng xây dựng và phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái – văn hóa và du lịch. “Ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn và hải đảo, nhất là phải nâng cao chất lượng và cải thiện môi trường các khu vực du lịch làng quê, làng nghề, phát triển các sản phẩm du lịch mới nhằm bù đắp cho những bất lợi về du lịch biển trong điều kiện biển lở hiện nay. Đối với các lĩnh vực TTCN, nông nghiệp cũng cần gắn kết với du lịch dịch vụ, phải hướng nhân dân vào các mô hình sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với bảo vệ môi trường”, ông Kiều Cư – Bí thư Thành ủy xác định.

                                                                                          Đỗ Huấn