5 năm qua, thành phố Hội An đã huy động hơn 13.320 tỷ đồng thực hiện các công trình trọng điểm; chi đầu tư phát triển từ ngân sách thành phố ước 2.760 tỷ đồng. Việc quy hoạch, đầu tư đều theo định hướng xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch và trở thành đô thị du lịch quốc gia.
Quy hoạch đồng bộ
Thành phố Hội An có diện tích trên 6.356ha, trong đó có 4.712ha đất liền, dân số trên 100.500 người, gồm 9 phường, 4 xã. Với “Hệ sinh thái di sản” có bản sắc độc đáo kết nối bền chặt với điều kiện địa lý, lịch sử và tính chất quốc tế của đô thị, Hội An còn có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, hiện là điểm đến du lịch quốc tế nổi tiếng.
Tháng 7 năm 2023, Tỉnh ủy Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết xây dựng và phát triển TP. Hội An theo định hướng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch đến năm 2030 và trở thành đô thị du lịch quốc gia. “Thành ủy Hội An đã xây dựng đề án phát triển Hội An theo hướng đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch và đã được Tỉnh ủy phê duyệt. Vậy có hai vấn đề, một là quy hoạch phát triển không gian kiến trúc của TP. Hội An và thứ hai là định hướng phát triển Hội An theo hướng sinh thái, văn hóa, du lịch cả phần cứng và phần mềm, cả phần khung và hồn cốt để phát triển” -Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói.
Cùng với đó, xây dựng Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và Khu du lịch quốc gia. Kết nối “hệ sinh thái di sản” đa dạng và lan tỏa; bảo tồn, phát triển đô thị theo kiểu mẫu cấu trúc “Phố – Làng”; đảm bảo phát triển bền vững và tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung và tính đặc thù; lấy sinh thái và văn hóa làm nền tảng, động lực để phát triển kinh tế – xã hội theo phương châm “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn”.
Thành phố hoàn thành Đồ án quy hoạch chung với cấu trúc đô thị Hội An là “Thành phố trong Vườn – Vườn trong thành phố”. “Hình thái ở Hội An tạo ra cấu trúc đô thị là “Thành phố trong vườn – Vườn trong thành phố”, đây là cấu trúc của thành phố Hội An, hệ sinh thái bao quanh đô thị với tỷ lệ gần như là 2/3” – Bà Pauline – Trưởng nhóm quy hoạch của Công ty Arep Ville – Cộng hoà Pháp, nói.
Đầu tư đồng bộ, bền vững
Phòng Quản lý Đô thị Hội An cho biết, 5 năm qua, thành phố đã huy động hơn 13.320 tỷ đồng thực hiện các công trình trọng điểm. Chi đầu tư phát triển từ ngân sách thành phố ước 2.760 tỷ đồng. Gần 200 tỷ đồng thảm nhựa đường, nâng cấp vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng toàn bộ các tuyến đường nội thị; gần 450 tỷ đồng quy hoạch Khu tái định cư Làng Chài; 300 tỷ đồng xây dựng Cầu Thanh Nam; hơn 500 tỷ đồng kéo điện lưới quốc gia ra xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm. Hạ tầng giao thông đối ngoại kết nối trục di sản miền Trung và các vùng kinh tế trọng điểm Quảng Nam, Chu Lai- Dung Quất (Quảng Ngãi).
Hiện Hội An đáp ứng 40 tiêu chí cụ thể thuộc 6 nội dung bảo vệ môi trường, trong đó, 95% hộ dân, doanh nghiệp sử dụng nước sạch, 95% cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo quy chuẩn về chất lượng môi trường, 70% đơn vị kinh doanh du lịch đạt tiêu chí “Du lịch xanh”; cơ bản giữ được kiến trúc đặc trưng, tỷ lệ cây xanh đô thị đạt trên 8m2/người. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn hỗ trợ, tài trợ triển khai nhiều chương trình, dự án xây dựng cơ bản, nhất là về phòng chống và khắc phục thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói: “Tôi nghĩ Hội An là đô thị di sản có giá trị rất quan trọng đối với đô thị Việt Nam và có thầm ảnh hưởng đối với thế giới. Và khi nói về Hội An, các chuyên gia và những người nghiên cứu về sự phát triển đô thị đều quan tâm đến vấn để biến đổi khí hậu ở Hội An. Ngoài những gì chúng ta đã thấy, muốn phát triển Hội An một cách bền vững thì phải quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Đấy là vấn đề vừa khoa học, vừa là kinh phí đầu tư, 2 vấn đề đó sẽ giúp cho Hội An phát triển bền vững.”
Đến nay, TP.Hội An đã hình thành các Tiểu vùng kinh tế – xã hội đầu tư đồng bộ, quản lý đô thị chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo kết nối hài hòa, mềm mại. Hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị di sản thông minh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quản lý, bảo tồn phát huy các giá trị di sản, quản lý du lịch. Đặc biệt, thành phố đang xây dựng chính quyền đô thị với cơ cấu tổ chức phù hợp; bộ máy hành chính tinh gọn. Qua đó sẽ giúp Hội An quản lý tốt các hoạt động xã hội, nhất là hoạt động du lịch và bảo tồn di sản; nâng cao đời sống người dân, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên./.
QUỐC HẢI