Ô nhiễm nước thải qua Chùa Cầu: Thực trạng và giải pháp

Một công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp do Nhật Bản đầu tư thi công hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu – Hội An, đang được thi công.

Khảo sát của Phòng Tài Nguyên & Môi Trường TP. Hội An cho biết, vào mùa mưa năm ngoái, thông số ô nhiễm trong nước thải thoát ra Chùa Cầu, hàm lượng ôxy sinh hóa ở mức 56,1mg/lít, vượt giới hạn ô nhiễm cho phép của tiêu cuẩn TCVN 6772:2000 của Việt Nam về chất lượng nước, nước thải sinh hoạt 16,1mg/lít; hàm lượng lưu huỳnh trong nước cũng vượt mức cho phép 40mg/lít. Hiện đang mùa nắng nóng, thông số này sẽ cao hơn gấp bội.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do lượng nước thải sinh hoạt quá tải từ các nhà hàng, khách sạn và các khu dân cư của 3 phường nội thị là Minh An, Cẩm Phô và Tân An.

Thống kê cho thấy, tổng dân số ước tính thải nước thải ra kênh tiêu Chùa Cầu hiện hơn 12.000 người với lượng nước sử dụng trung bình là 1.800m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, có 28 khách sạn, 700 buồng phòng với khoảng 1.000 lượt khách, 3 nhà hàng lớn nhỏ cũng thải trên 800 m3/ngày đêm. Như vậy, nếu tính tổng lượng nước thải bằng 85% lượng nước sử dụng thì có đến 2.222 m3 nước thải qua kênh tiêu chỉ rộng hơn 2m ngang/ngày đêm. Điều đáng lưu ý là hầu hết lượng nước thải đều chưa qua xử lý.

Lượng nước thải sinh hoạt quá tải qua kênh nước này là nguyên nhân gây ô nhiễm- Ảnh: Quốc Hải

Mỗi năm, Hội An đã chi hàng trăm triệu đồng cho công tác xử lý nước thải tạm thời tại khu vực để phục vụ các chương trình lễ hội. Tuy nhiên, việc nạo vét kênh, xử lý nước bằng chế phẩm sinh học cũng chỉ là biện pháp đối phó. Sau vài ngày, tình trạng ô nhiễm đâu lại vào đó và trở thành vấn đề bức xúc của người dân cũng như chính quyền địa phương.

Ông Phạm Văn Điểu – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng Hội An cho hay, tình trạng ô nhiễm tại Chùa Cầu đang gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho Hội An. Không thể phủ nhận, đây là nguồn lây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và ô nhiễm môi trường sống. Nó đang ảnh hưởng xấu đến cảnh quan du lịch, gây thiệt hại về kinh tế và đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến Chùa Cầu, công trình kiến trúc vốn đã xuống cấp qua thời gian.

Từ thực tế đó, dự án “Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu” đã được chính phủ Việt Nam đề nghị chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại để thực hiện. Đây là một dự án đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân và du khách.

Ông Phạm Văn Điểu cho biết: “Dự án Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu đang được thi công bởi nhà thầu Liên doanh Công ty TNHH METAWATER và Công ty TNHH TSK, đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát là Cty Nihon Suido Consultants của NhậtBản. Mục tiêu lâu dài là để cải thiện môi trường nước khu vực Chùa Cầu, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra kênh Chùa Cầu, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích Chùa cầu”.

 Với kinh phí đầu tư hơn 243 tỷ đồng, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản hơn 219 tỷ đồng, tương ứng 1,1 tỷ Yên Nhật. Quy mô của dự án có Trạm xử lý nước thải tại khối Hoài Phô, phường Cẩm Phô rộng 3.752m2, công suất 2.000m3/ngày đêm, với các hạng mục nhà quản lý 2 tầng, cụm xử lý 1 tầng, các hạng mục phụ trợ và nâng cấp kênh thoát nước dẫn đến trạm xử lý nước thải dài 1,6 km với hệ thống thiết bị điện và dây chuyền công nghệ xử lý nước thải đồng bộ.

Ông Morioka – Vụ trưởng Vụ xử lý thoát nước và xử lý nước thải – Bộ Đất đai, hạ tầng giao thông và du lịch Nhật Bản cho biết: “Công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp, không chỉ cải thiện môi trường nước khu vực, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra kênh Chùa Cầu, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích mà còn xử lý nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các khu dân cư Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Phô và Minh An. Đây là công trình tiếp nối mối quan hệ hữu hảo giữa Hội An và Nhật Bản”.

Được biết, dự án “Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu” sẽ thi công hoàn thành vào năm 2018, đến năm 2019, phía Nhật Bản sẽ tổ chức đào tạo vận hành và chuyển giao công nghệ cho Hội An để Trạm xử lý đi vào hoạt động./.

Quốc Hải