Nỗ lực tìm giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại

Đầu tháng 7/2016,  dự án “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững” sẽ chính thức khởi động.

Bãi biển Cửa Đại, thành phố Hội An từng được chọn là một trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Nhưng tình trạng xói lở và bồi lấp khu vực này ngày càng mất đi vẻ đẹp vốn có. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, bờ biển bị lấn sâu vào khoảng 160m, nước biển ăn sâu vào tận các khu nghỉ dưỡng, phá hỏng cơ sở hạ tầng. Nhiều giải pháp đặt ra cho việc chỉnh trị bờ biển nhưng đến nay vẫn thiếu tính khả thi.

Trước thực trạng đó, để nghiên cứu cơ chế xói lở của biển Cửa Đại, cán bộ, giảng viên trường Cao đẳng Công nghệ- Kinh tế và Thủy lợi miền Trung cùng các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế ứng dụng lắp đặt hệ thống Video Camera phục vụ cho việc giám sát diễn biến đường bờ biển Cửa Đại. Hệ thống này có bộ phận thẻ nhớ lắp trực tiếp vào camera, đặt ở độ cao 11 mét, toàn bộ số liệu, dữ liệu được lưu trữ vào thẻ nhớ tạm thời, sau đó truyền vào máy chủ đặt tại trường. Trên cơ sở đó, bộ phận chuyên môn của trường phân tích, giải đoán để tìm ra cơ chế, nguyên nhân gây xói lở đường bờ biển.

TheoPGS-TS Nguyễn Trung Việt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ – Kinh tế và Thủy lợi miền Trung, để đưa ra giải pháp chỉnh trị tổng thể cho vùng cửa sông và bờ biển Quảng Nam, việc cấp bách là có một đề tài nghiên cứu tổng thể hơn mô phỏng một cách định lượng về các yếu tố gây xói lở, từ đó có thể lượng hóa giải pháp chỉnh trị cho toàn bộ vùng cửa sông và bờ biển.     

Cùng đoàn khảo sát thực địa tại Cửa Đại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. PGS-TS Nguyễn Trung Việt (áo xanh)- Ảnh: Quốc Hải

PGS-TS Nguyễn Trung Việt nói:“Thời gian qua, từ tháng 10/2014 cho đến nay, bản thân tôi cũng như cán bộ, học sinh, sinh viên của trường đã tham gia một cách rất tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các nguyên nhân, cơ chế và tìm ra giải pháp cho phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại – Hội An. Phải nói rằng đây là một bài toán rất là khó nhưng chúng tôi có thế amnhj là hợp tác với các chuyên gia quốc tế. Cá nhân tôi cũng như Trường đã có những kết quả đáng khích lệ.”

Sau nghiên cứu thực địa của Trường Cao đẳng Công nghệ – Kinh tế và Thủy lợi miền Trung cho thấy, bình quân hằng năm, biển Cửa Đại mất từ 20 đến 30m độ sâu, riêng một vài năm lại đây, bãi biển mất từ 30-70m độ sâu mỗi năm. Do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu mạnh nên vùng bờ biển Hội An tiếp tục bị sạt lở nhanh chóng, đặc biệt là khu vực bãi biển Cửa Đại với chiều dài hơn 3km. Theo các chuyên gia, ngoài sự biển đổi của thời tiết, nguyên nhân của tình trạng xói lở nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ mất bãi biển Cửa Đại – Hội An là mất cân bằng bùn cát và thiếu hụt bùn cát ở dải ven bờ do hoạt động nạo vét, khai thác cát cùng tác động của các hồ chứa ở thượng nguồn.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết,hiện nay 3 km bờ biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng. Trong nỗ lực kè chống, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương, Hội An rất may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua nhiều cuộc Hội thảo, nghiên cứu, khảo sát thực tế, kể cả việc tác nghiệp khoa học tại khu vực sạt lở. Trong đó, những đóng góp của cá nhân PGS-TS Nguyễn Trung Việt cùng các nghiên cứu của trường Cao đẳng Công nghệ – Kinh tế và Thủy lợi miền Trung đã phần nào “cứu nguy” bờ biển Cửa Đại. 

Cửa Đại đang cần giải pháp bảo vệ bờ biển bền vững- Ảnh: Quốc Hải

“Hiện nay 3 km bờ biển Cửa Đại sạt lở như vậy thì việc quan tâm tìm ra các giải pháp tổng thể để ứng phó với hiện tượng khắc nghiệt của thời tiết. Trong quá trình đó, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương, Hội An rất may mắn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua nhiều cuộc Hội thảo, nghiên cứu, khảo sát thực tế, kể cả việc tác nghiệp khoa học tại khu vực sạt lở. Trong các nhà khoa học đó, Phó GS. TS Nguyễn Trung Việt là một trong những người rất tâm huyết. Năm 2014, TS Việt cùng với các GS. TS trong và ngoài nước và GS người Nhật đã tiến hành một loạt các nghiên cứu trên thực địa, đồng thời lắp đặt một số camera chuyên dụng để đo đạt, tính toán và khảo sát dòng chảy từ giữa năm 2015 đến thời điểm hiện nay.” – Ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Được biết, trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững” do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Quảng Nam đồng tài trợ, Trường Cao đẳng Công nghệ – Kinh tế và Thủy lợi miền Trung là đơn vị tư vấn triển khai các hoạt động nghiên cứu tại Hội An.

Đầu tháng 7 này, đơn vị tư vấn sẽ tổ chức Hội thảo khởi động nhằm công bố việc dự án chính thức có hiệu lực; cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan liên quan về mục tiêu và nội dung chính của dự án. Sẽ có hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có khoảng 10 chuyên gia, học giả nổi tiếng và nhà quản lý đến từ Cộng hòa Pháp, Nhật Bản tham gia hội thảo. Hy vọng, những giải pháp bảo vệ bờ biển Cửa Đại một cách bền vững sẽ chính thức được áp dụng vào thực tế tring thời gian sơm nhất./.

Quốc Hải