Nỗ lực phục hồi đa dạng sinh học tại Hội An

TP. Hội An đã và đang triển khai ra nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024.

Các lực lượng tham gia trồng phục hồi rừng trên đảo Cù Lao Chàm

Hành động thiết thực

Trong khuôn khổ các hoạt động của Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An vừa tổ chức lễ phát phát động trồng phục hồi rừng trên đảo Cù Lao Chàm – vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Khoảng 3.000 cây Ngô đồng, Mù u, Thanh thất (Bút), là các loại cây gỗ bản địa, có tính thích ứng và chịu được các yếu tố ngoại cảnh tác động đã được trồng trên đảo Hòn Lao, đặc biệt là tại các khu vực rừng bị suy thoái và các taluy của công trình đường quanh đảo.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố – Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyến thế giới Cù Lao Chàm – Hội An nói: “Nhiều năm qua, chính quyền địa phương, Trạm kiểm lâm, các lực lượng vũ trang, bà con Nhân dân trên đảo đã cùng nhau bảo vệ, phục hồi rừng. Mục tiêu lớn nhất là giữ được hệ sinh thái rừng đặc dụng Cù Lao Chàm, đây là mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của xã đảo”.

TP. Hội An đã thiết lập “Khu duy trì nguồn giống thủy sản tại các sinh cảnh rạn san hô và rừng ngập mặn” gồm khu vực Rạn Mành – Hòn Tai thuộc Tiểu khu Đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp bảo vệ nguồn giống cá bố mẹ với diện tích hơn 270ha. Khu vực rừng dừa nước, thảm cỏ biển vùng cửa sông Thu Bồn tại xã Cẩm Thanh duy trì bãi ươm giống tự nhiên và bảo vệ nguồn cá giống hơn 52ha; khu vực này được chia thành 2 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và bảo tồn sinh cảnh.

Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cho biết: “Giữa vùng Cù Lao Chàm và cửa sông Thu Bồn mặc dù cách xa về mặt địa lý nhưng trên thực tế có mối quan hệ rất chặt chẽ về mặt sinh thái, đặc biệt là các quần xã, quần thể sinh vật sinh sống giữa hai khu vực này. Cho nên thành phố xây dựng khu vực hạ lưu sông Thu Bồn thành nơi bảo vệ các nguồn giống cùng với quần đảo Cù Lao Chàm”.

Nói không với túi ni lông, giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đối với đại dương

Chung sống hài hòa

Chủ đề của Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024 là “Phục hồi đa dạng sinh học – Quảng Nam 2024 – Chung sống hài hoà với thiên nhiên”. Trong 8 diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về đa dạng sinh học diễn ra tại các địa phương trong tỉnh, ở Hội An tổ chức 2 hội thảo về “Nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm” và “Hội thảo cấp vùng bàn về phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học”.

Hội An cũng đang thực hiện các hành động nhằm phục hồi rạn san hô và các thảm cỏ biển tại khu bảo tồn biển Cù lao Chàm. Đây là 2 8 nội dung hoạt động về điều tra, giám sát, phục hồi các hệ sinh thái trong Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia.

UBND TP. Hội An yêu cầu “Tăng cường thực hiện chương trình Cù Lao Chàm nói không với túi nilon”, đề nghị Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm xem xét, không bán vé tham quan đối với khách du lịch ra đảo không hợp tác thực hiện dù đã được nhắc nhở.

Thành phố cũng đề nghị các công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, lữ hành tuyến du lịch Hội An – Cù Lao Chàm tăng cường thông tin, truyền thông, cung cấp các loại túi thân thiện với môi trường, sản phẩm thay thế túi nilông cho du khách; tuyên truyền, vận động nhân dân không mang, sử dụng túi ni lông tại đảo Cù Lao Chàm, giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đối với đại dương.

Thiết lập khu bảo vệ và bảo tồn sinh cảnh

Trao đổi về các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại Hội An, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí – Tổng thư ký Ủy ban quốc gia chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam nói: “Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải đi tới là việc sử dụng túi nilong là công cụ đưa đến sự hài hòa giữa thiên nhiên và văn hóa mà thôi. Để có sự hài hòa đó, ngoài việc không sử dụng túi nilong, chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Đó là xử lý hợp lý tài nguyên thiên nhiên, các vấn đề ô nhiễm đang đương đầu, xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Liệu chúng ta có tăng thêm khách du lịch đến Cù Lao Chàm hay phải giảm đi để đảm bảo chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống. Chúng ta cần phải có các nghiên cứu và những ý kiến quốc tế về vấn đề này”.

Với cách đặt vấn đề đó, tin rằng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh tạo tỉnh Quảng Nam, TP. Hội An, sự đồng hành, hưởng ướng tham gia đầy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị hữu quan và các công ty, doanh nghiệp, người dân, “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024” sẽ đạt kết quả thiết thực, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ ở Hội An mà cả tỉnh Quảng Nam./.

QUỐC HẢI