Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An: Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng

Ngày 12/7, BQL Khu dự trữ sinh quyển thế giới CLC-Hội An tổ chức hội thảo “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển cho các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An”, tiếp nối chương trình khởi động vào năm 2016 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển thương hiệu và xây dựng nhãn sinh thái Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An”.

Cù Lao Chàm – Hội An chính thức được UNESCO công nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 26/5/2009. Có thể nói, danh hiệu Khu DTSQ là một sản phẩm của công tác bảo tồn, là kết quả nỗ lực trong thời gian dài của cộng đồng cư dân địa phương, các nhà khoa học, các cơ quan ban, ngành và lực lượng doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hội An.

Để bảo vệ 7 tiêu chí của UNESCO công nhận đối với Khu sinh quyển, thành phố đã thiết lập cơ chế vận hành nhằm điều phối tất cả các hoạt động diễn ra trong Khu sinh quyển trên nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển với sự tham gia của toàn xã hội, mà đại diện tiêu biểu là 4 lực lượng gồm Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp và Cộng đồng. Mỗi bên liên quan tham gia với vai trò trách nhiệm cũng như lợi ích riêng song tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung đó là làm thế nào để bảo tồn và phát huy danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển.

Hội thảo xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển- Ảnh: Quốc Hải

Theo chương trình xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển được UBND thành phố Hội An phê duyệt trong Kế hoạch quản lý tổng hợp hu sinh quyển giai đoạn 2015-2019, tầm nhìn 2030. Tại Hội thảo khởi động vào năm 2016 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển thương hiệu và xây dựng nhãn sinh thái Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An ”bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định về thu hút sự tham gia của doanh nghiệp cũng như định hướng trong việc lựa chọn và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển cho các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, dựa trên nền tảng bảo tồn, phù hợp với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong Khu sinh quyển.

“Nối tiếp thành công từ kết quả của hội thảo lần 1, năm nay, BQL tiếp tục thực hiện chuỗi các hoạt động trong chương trình xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển. Khi xác định được danh mục sản phẩm sau hội thảo này, chúng ta sẽ tham quan mô hình của đảo Cát Bà – huyện Cát Hải – TP. Hải Phòng rồi sẽ xây dựng tiêu chí cụ thể. Trong năm tới, chúng ta sẽ lập hồ sơ đăng ký, xây dựng quy trình vận hành, giám sát, đánh giá…” –  Bà Trần Thị Hồng Thúy Phó Ban trực Ban thư ký Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An,  Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm  cho biết.

Như vậy, mục đích của hội thảo là lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng nhất của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An để gắn nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển, đồng thời qua đó nâng cao trách nhiệm và thu hút sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trong công tác bảo tồn, phát huy và khai thác bền vững các giá trị của Khu sinh quyển.

Tham gia hội thảo, ông Lê Minh Thảo – Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành Sở KHCN tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các địa phương xây dựng và đăng ký xác lập quyền hơn 45sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống của tỉnh được tiến hành xây dựng thương hiệu dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, Sở KH&CN phối hợp hỗ trợ xác lập quyền và phát triển các nhãn hiệu tập thể tại Hội An như: Organic Hội An, bánh đậu xanh Hội An, dịch vụ may mặc Hội An, gốm Thanh Hà, tre dừa Cẩm Thanh, mộc Kim Bồng.

Hàng lưu niệm trên đảo- Ảnh: Quốc Hải

“Vậy hình thức nào cho Nhãn hiệu sinh quyền Cù Lao Chàm – Hội An cho các sản phẩm, dịch vụ sinh thái ?. Một số vấn đề chung mang tính cốt lõi là chứng nhận cho sản phẩm, dịch vụ nào, chứng nhận nhằm mục đích gì ?- Xác định cho rõ chứng nhận cái gì. Nguồn gốc, chất lượng, quy trình, hay thành phần, cấu tạo…
Tiêu chí chứng nhận (nguồn gốc, chất lượng, các đặc tính khác tương ứng với loại sản phẩm, dịch vụ. Ai sẽ thực hiện chứng nhận nhận. Mối tương quan của dịch vụ, sản phẩm với chủ sở hữu có chức năng chứng nhận. Quản lý, phát triển, kiểm soát sau chứng nhận ? …” – ông Lê Minh Thảo gợi mở.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 600 doanh nghiệp và gần 9.000 cơ sở kinh tế hộ cá thể. Những sản phẩm trên tất cả các lĩnh vực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ nhóm cộng đồng, các làng nghề truyền thống, các nhóm dịch vụ đều có thể “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển cho các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An”.

Trên thực tế, Khu sinh quyển Cù lao Chàm – Hội An có các giá trị nổi trội về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, các sản phẩm, dịch vụ mang tính đặc trưng; chính là cơ sở đến xây dựng nhãn hiệu chứng nhận. Ông Võ Quảng Lâm – Cán bộ Phòng Kinh tế Hội An cho biết, vùng lõi của Khu sinh quyển được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất tại Việt Nam với các đối tượng tài nguyên phong phú như các loài san hô, thân mềm, giáp xác, cá rạn, thảm cỏ biển. Vùng đệm có các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng như rừng ngập mặn, cỏ biển, bãi triều, bãi biển, doi cát, cửa sông. Vùng chuyển tiếp có di sản văn hóa phố cổ Hội An với hơn 1.400 di tích văn hóa, lịch sử  cùng với những giá trị văn hóa phi vật thể là những lễ hội, tập quán, phong tục dân gian còn đang được bảo tồn rất tốt.

“Ngoài các giá trị văn hóa, Khu sinh quyển còn có nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc trưng trên các lĩnh vực, ngành nghề. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ có mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, tre, dừa Cẩm Thanh…; sản phẩm nông nghiệp có yến sào, rau rừng, lá thuốc, cua đá, sản phẩm từ cây ngô đồng, nước yến Cù lao Chàm, rau Trà Quế, rau hữu cơ Cẩm Thanh, Cẩm Châu, bắp nếp Cẩm Nam, hoa cây cảnh…Dịch vụ có các tour du lịch sinh thái như  tour du lịch Cù lao Chàm, khám phá rừng dừa nước Cẩm Thanh, trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” ở Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế; lặn ngắm san hô ở Khu Bảo tồn Biển Cù lao Chàm,…” – Ông Võ Quảng Lâm nói.

Được biết, nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Ông Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới CLC-Hội An cho biết: “Hội thảo xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Khu sinh quyển cho các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội Anlà nhiệm vụ độc lập thuộc chương trình hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ của TP. Hội An. Ngoài mục đích bảo hộ giá trị tài sản sở hữu trí tuệ lâu dài cho các sản phẩm, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức trong Khu sinh quyển, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cũng góp phần quảng bá, truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị nổi trội của Khu sinh quyển thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường”./.

Quốc Hải