Mùa mưa bão ở Hội An – nỗi lo xói lở từ ven sông biển

Khi mùa mưa bão đến gần, mỗi địa phương đều có những nỗi lo riêng, nhưng trên hết đó là làm sao để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Với Hội An – một vùng đất có nhiều mương lạch, sông ngòi,  lại nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, nơi vừa là cuối sông, vừa là cửa biển thì nỗi lo trước mùa mưa bão lại càng lớn hơn.

Dù vào đất liền đã suy yếu nhưng cơn bão số 4 vừa qua một lần nữa đã làm cho vùng biển của Hội An bị mở rộng phạm vi vùng xâm thực. Từ chỗ chỉ sạt lở chủ yếu ở bờ biển Cửa Đại trong các mùa mưa bão trước đây thì nay, mưa to, sóng lớn đã làm cho khu vực bờ biển khối Tân Mỹ, phường Cẩm An sạt lở mới gần 300 mét chiều dài, mặt ngang xâm thực khoảng chừng 20 mét, với vực sâu hơn 2 mét. Ngay lập tức, thành phố đã phải huy động nhân lực, phương tiện, vật tư ứng phó, tiến hành kè gia cố tạm thời nhằm ngăn giảm việc xâm thực sâu, dài hơn đối với vùng bờ biển ở khối Tân Mỹ. Quyết tâm của thành phố Hội An là bằng mọi giá, phải tiến hành kè chắn cho được vùng bờ biển này, không để vùng xâm thực mở rộng, lan sâu vào phần đất liền. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng Ban trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết: “Trong khi chờ phê duyệt về mặt kỹ thuật của Tổng cục Thủy lợi để triển khai thi công giai đoạn 2 của dự án chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đã được phê duyệt từ năm 2015 thì trước mắt thành phố thực hiện một số biện pháp xử lý truyền thống đó là đóng cọc tre bên ngoài, dùng các túi lớn để đổ cát bên trong, dùng bao tải địa bên ngoài và đổ cát trả lại các vị trí sạt lở ở hai cái điểm này, để trước mắt không để biển xâm thực vào trong đất liền. Nếu mà khoogn xử lý một cách kịp thời thì nguy cơ biển lấn sâu vào đất liền là cái điều chắc chắn nên bằng mọi cách trong cái điều kiện khả năng của mình thì thành phố sẽ tập trung giải quyết trong thời gian nhanh nhất.

Bở biển khối Tân Thịnh bị xói lở mới đây- Ảnh: Minh Vũ

Như vậy, rõ ràng, mối âu lo về mức độ xâm thực bờ biển ở Hội An ngày càng diễn tiến bất lợi cho chính quyền và người dân thành phố, giờ đã trở thành hiện thực. Dù đã có nhiều hội thảo tìm giải pháp giữ bờ, bãi lâu dài, bền vững cho vùng biển này nhưng ở thời điểm thiên tại ập đến ngẫu nhiên như cơn bão số 4 vừa rồi thì việc ứng dụng các giải pháp của chuyên gia cũng khó phát huy tính khả dụng. Việc giải quyết, khắc phục hậu quả mưa bão vẫn là do thành phố chủ động hoàn toàn, dù đó là những giải pháp cấp thời, ngăn chặn sơ bộ để giảm tần suất tác động thêm của sóng biển đối với vùng biển đã và đang bị sạt lở. Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố, về lâu dài, địa phương rất cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp ven biển, để không chỉ thực hiện các giải pháp cấp bách, tình thế khi thiên tai ập đến mà còn phải gìn giữ bờ, bãi lâu dài ở những địa điểm chưa bị xâm thực, sạt lở. Bà Vân nói:  “Về vấn đề sạt lở kè biển cái đoạn còn lại, trong điều kiện kinh tế của tỉnh và trung ương còn khó khăn, chúng tôi dự kiến đề nghị thành phố huy động các doanh nghiệp, các khách sạn ven biển chủ động trong vấn đề thực hiện. Chúng ta làm kè mềm với mục tiêu là giữ bãi chứ không riêng chi giữ bờ nữa. Vì từ chỗ khách sạn Nông nghiệp và phát triển nông thôn lên tới An Bàng hiện nay đang còn bãi biển. Do đó chúng ta nên tùy điều kiện từng chỗ mà chúng ta có biện pháp làm phù hợp. Bờ biển của chúng ta bị mất bãi do đó chúng ta phải vận dụng cái cách làm khác, vừa giữ bờ và vừa tái tạo bãi trở lại

Vệt dài bãi biển Cửa Đại sạt lở- Ảnh: Lê Hiền

Song song với tình trạng mở rộng vùng xâm thực từ biển Cửa Đại đến khu vực bờ biển Cẩm An, mùa mưa bão này, Hội An còn phải đối mặt với nỗi lo tương tự, đó là sạt lở ở một số khu vực ven sông Thu Bồn, đoạn chảy qua các địa phương như Cẩm Kim, Cẩm Nam, Thanh Hà. Ở thôn Phước Thắng, xã Cẩm Kim, nhiều người dân tỏ ra lo lắng, bởi trong gần chục năm trở lại đây, sông Thu Bồn đã ngoặm sâu vào bãi bồi gần 50 mét đất, nhất là khi ở một số đoạn bờ nơi khác được kè chắn thì dòng nước lũ chuyển hướng, xoáy sâu vào phía bờ sông nơi này. Phía giáp ranh bên cạnh, thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, TX Điện Bàn cũng đã thử nghiệm trồng dừa nước để ngăn sạt lở nhưng dừa chậm phát triển, nhiều khả năng không phù hợp với nền đất cát sông. Trong những ngày này, lượng mưa lớn và nguồn nước từ thượng nguồn đổ về đục ngầu đã làm cho vết lở ở ven sông đoạn qua thôn Phước Thắng xã Cẩm Kim và Triêm Tây xã Điện Phương ngày càng mở rộng thêm. Cùng với đó, trong mùa mưa bão này, dù đã được đầu tư cầu mới nhưng do nằm ở vùng thấp lụt nên Cẩm Kim vẫn còn đó những nỗi lo ngập lụt và ứ đọng bèo rác ở chân cầu. Ông Phan Trọng Nhân, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim chia sẻ:  “Đối với Cẩm Kim thì có thế nói thấp lũ nhất trên toàn địa bàn thành phố. Vì vậy mà chúng tôi gần như có một cái kịch bản gần như là cụ thể cho từng cấp độ lụt. Ví dụ lũ xảy ra ở cấp độ một, hai, ba thì có thể là di dời tại chỗ. Cho nên hiện nay cũng rất là mừng là nhà cửa của bà con nhân dân, nhà nào cũng làm cho mình một góc để phòng tránh lũ. Hiện nay, Cẩm Kim đã có cây cầu. Đây là cây cầu nằm ở vị trí sông chính của tỉnh cho nên đang lo khi mã lũ lớn thì bèo rác cây cối từ thượng nguồn đổ về tấp vào chân cầu, ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên chúng tôi lo lắng với điều kiện của xã khắc phục sự cố này thì cũng rất là khó, nên chúng tôi đề nghị thành phố có chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương sẵn sàng phương án xứ lý khi có sự cố xảy ra.

Bèo rác từ thượng nguồn tấp đầy mặt sông Hoài sau mưa bão- Ảnh: Lê Hiền

Thời gian gần đây, Hội An đã được Trung ương đầu tư gần 150 tỷ đồng để kè 780 mét bờ sông Hoài, đoạn từ Chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam. Công trình này đã đáp ứng niềm mong đợi của cán bộ và nhân dân thành phố trong việc bảo vệ vành đai địa chất ven sông, giảm tránh tác hại khôn lường của của biến đổi khí hậu đối với khu phố cổ. Tuy nhiên, với hệ thống sông Thu Bồn và vành đai cửa biển bao quanh, Hội An vẫn chưa hết những nỗi lo, trong đó nỗi lo lớn phải kể đến đó là tình trạng xói lở ven sông, cửa biển. Bởi các công trình này luôn đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật và kinh phí đầu tư lớn, nhiều khi vượt xa khả năng tự có của địa phương.

Lê Hiền