“Mạnh tay” giải quyết vướng mắc, tu bổ di tích xuống cấp

Trước thực trạng một số di tích có nhiều chủ sở hữu, tranh chấp kéo dài, không có người đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý và kinh phí tu bổ, thời gian gần đây, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã thực hiện các “biện pháp mạnh” để tu bổ, được các chủ hộ đồng thuận, nhất trí cao, tránh nguy cơ sụp đổ do di tích xuống cấp trước mùa mưa bão.

Gần 3 tháng nay, toàn bộ diện tích nhà thờ tộc Lâm, nằm phía bên trong ngôi nhà số 120, đường Trần Phú, phường Minh An đã được hạ giải hoàn toàn để tu bổ. Được biết, nhiều năm qua, di tích này xuống cấp nặng, ngói âm dương bị mục, lũng nhiều mảng lớn. Đòn tay, cột nhà bị mối mọt gậm nhấm nham nhở. Dù gia chủ đã dùng bạt che tạm, giảm bớt nắng mưa phả vào bên trong nhưng ngôi nhà vẫn không tránh khỏi nguy cơ sụp đổ. Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã nhiều lần khảo sát, kiểm tra, chèn chống và làm việc với các thành viên chủ sở hữu để thống nhất phương án tu bổ nhưng do số vốn trùng tu khá lớn, các thành viên lại chưa tự thỏa thuận trách nhiệm thực hiện việc tu bổ nên vài năm qua, công trình này vẫn ở trạng thái xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ. Bà Lâm Thị Vui, một trong số người được thừa hưởng di sản nhà thờ tộc Lâm, số 120, đường Trần Phú bộc bạch: “Ngôi nhà này hồi xưa mấy đời tộc Lâm ở bên Tàu để lại. Nhiều khi cũng muốn sửa nhưng mà phải bỏ ra một số vốn nữa để bù phụ với Nhà nước nhưng mà thiệc tình sửa ngôi nhà này đâu phải vài chục triệu, mà phải tiền tỷ. Có những đứa cháu nó lộng quyền, nó muốn tranh giành ngôi nhà này. Nhiều khi muốn họp, muốn sửa nhưng từ chối, bỏ đi hết”.

Hạ giải tu bổ di tích nhà thờ tộc Lâm bên trong nhà 120 Trần Phú, phường Minh An, TP.Hội An- Ảnh: Lê Hiền

Không thể để di tích xuống cấp kéo dài chỉ vì chờ đợi tiếng nói chung giữa các thành viên đồng sở hữu hợp tác, thống nhất cử đại diện hợp pháp đứng ra làm thủ tục và ký hồ sơ vay vốn, mới đây, Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa Hội An đã chọn phương án “đặc biệt”, đó là Nhà nước đứng ra đảm nhận trách nhiệm pháp lý cũng như toàn bộ kinh phí 1,6 tỷ đồng để trùng tu ngôi nhà này. Mọi việc liên quan đến công tác tu bổ đều do Nhà nước thực hiện. Các cá nhân thừa hưởng di sản này hầu như “đứng ngoài cuộc”. Theo phương án này, sau khi công trình hoàn thành, ngoài phần kinh phí hỗ trợ cho các hộ theo quy định hiện hành, Nhà nước sẽ đấu giá cho thuê địa điểm kinh doanh ở phần nhà “mặt tiền” phía trước, thu lợi, trả dần cho đến khi đủ số kinh phí Nhà nước cho vay đầu tư tu bổ, sau đó sẽ bàn giao lại cho các chủ sở hữu.  Đây là cách thức hợp lý về tài chính cũng như trách nhiệm pháp lý để Hội An vừa có thể tu bổ di tích, vừa đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và người dân. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: “Chúng tôi đã xin ý kiến của lãnh đạo sở Văn hóa thể thao và du lịch và lãnh đạo thành phố Hội An về giải pháp tiếp theo để tu bổ các di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng mà hiện nay chưa có sự phối hợp tích cực của người dân, có thể do nhiều nguyên nhân, do đồng sở hữu hoặc do chưa có nhận thức cao thì chúng tôi sẽ có giải pháp. Trước hết là khảo sát đánh giá về thực trạng mức độ của ngôi nhà. Trên cơ sở đó sẽ khuyến cáo các hộ, thứ nhất là tạm thời đình chỉ kinh doanh tại các ngôi nhà và đề nghị chủ nhà phải có giải pháp trong vòng thời gian 6 tháng. Và sau đó nếu không thực hiện thì cơ quan nhà nước sẽ chịu trách nhiệm tu bổ ngôi nhà này”.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đến nay, tại khu phố cổ còn 15 di tích cần tu bổ khẩn cấp nhưng vướng mắc về thủ tục pháp lý. Trong đó có gần chục di tích chủ sở hữu ở xa, không xúc tiến quan hệ với nhau hoặc không hài hòa về trách nhiệm và lợi ích kinh tế, chưa thể thống nhất phương án cùng tham gia tu bổ. Trong khi đó, hầu hết các ngôi nhà này vẫn đang được cho thuê sử dụng kinh doanh, buôn bán. Theo khảo sát, các công trình này đều hư hỏng một số cấu kiện chính, có nhà xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sụp đổ rất cao, khả năng gây nguy hiểm cho người và tài sản trong mùa mưa bão.

Chuẩn bị nguyên vật liệu tu bổ di tích nhà thờ tộc Lâm trong nhà 120 Trần Phú, phường Minh An, TP.Hội An- Ảnh: Lê Hiền

Từ thực tế này, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã làm việc trực tiếp với các bên để lắng nghe ý kiến và trao đổi thẳng thắn phương án nhà nước đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm tu bổ. Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết thêm: “Đối với các đô thị ở thành phố khác, những công trình dân dụng xuống cấp, sau khi các cơ quan nhà nước đánh giá, có cơ sở buộc chủ nhà phải tháo dỡ hoặc nếu không thì cơ quan nhà nước tiến hành tháo dỡ, phải trả lại chi phí đó.

Ở đây chúng tôi làm khác đi, tức là thay vì tháo dỡ, chúng ta phải tu bổ lại. Sau khi tu bổ xong, thực hiện cơ chế ngoài kinh phí hỗ trợ thì phần vốn cho vay, chúng ta tổ chức triển khai cho thuê kinh doanh, lấy tiền đó trả lại vốn vay cho Nhà nước trong thời gian từ 3 đến 5 năm. Nếu chủ hộ có điều kiện lúc đó trả lại tiền vay thì chúng ta sẽ trả lại quyền sở hữu cho họ.”

Có thế thấy, với cách làm “mạnh tay” này, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã và đang từng bước giải quyết rốt ráo những vướng mắc phát sinh trong công tác tu bổ di tích xuống cấp có nhiều chủ đồng sở hữu. Thời gian đến, Trung tâm sẽ áp dụng cách làm này đối với tất cả các di tích xuống cấp nặng nhưng chưa được các chủ sở hữu thống nhất phương án tu bổ, kiên quyết không để di tích trong tình trạng xuống cấp kéo dài, nhằm bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng quần thể di tích của Đô thị cổ Hội An.

Lê Hiền