Mạng lưới lưu trú trong dân ở Hội An đang phát triển mạnh nhưng chính quyền thành phố đang bị động vì phải chờ quy hoạch cụ thể. Hội An tìm hướng giải quyết trong khi chờ… quy hoạch
Tính đến nay, toàn thành phố có khoảng hơn 430 cơ sở lưu trú với gần 7.600 phòng đủ yêu cầu phục vụ du khách. Lãnh đạo thành phố cho rằng, hoạt động lưu trú, đặc biệt là mô hình lưu trú trong dân (homestay) phát triển mạnh, thu hút nguồn lực đầu tư của nhân dân. Chỉ riêng năm 2016 đã có 217 cơ sở với gần 890 phòng lưu trú được đưa vào hoạt động. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế du lịch – dịch vụ – thương mại.
*Giải pháp tình thế:
Xác định được lợi ích của hoạt động kinh doanh lưu trú và cũng nhận thấy rõ tính phức tạp của công tác quản lý trên lĩnh vực này nên lãnh đạo thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo và ban hành những quyết sách phát triển kịp thời. Công tác quản lý trên lĩnh vực lưu trú luôn được chính quyền tập trung thực hiện cao độ, kịp thời điều chỉnh định hướng không gian phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Trách nhiệm của UBND các xã phường trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm khi đăng ký kinh doanh và tổ chức hoạt động của các chủ cơ sở cũng được tăng cường.
Trẻ em cùng vui chơi tại cơ sở homestay ở An Bàng (Cẩm An)- Ảnh: Đỗ Huấn
Tuy nhiên mọi việc dường như vẫn chỉ là giải pháp mang tính “tình thế”, thiếu ổn định lâu dài. Bất cập nổi cộm là tình trạng hết chỉ tiêu về cơ sở và cơ số phòng sau khi kế hoạch mới được công bố dẫn đến thành phố phải ban hành nhiều văn bản điều chỉnh quy định, điều kiện và định hướng phát triển mạng lưới. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, về quy hoạch tổng thể định hướng cho sự phát triển lâu dài của mạng lưới lưu trú đang được tỉnh tiến hành trong năm 2017 này, trong đó có Hội An. “Nếu không có quy hoạch của cấp tỉnh, thành phố làm là vi phạm luật. Vừa rồi, một số bà con ở các khu vực về mua đất Hội An với cơ hội là đầu tư về lưu trú. Chúng ta dùng từ báo “hết chỉ tiêu”, người ta rất ngạc nhiên. Họ hỏi “chỉ tiêu này ai giao”. Chúng tôi nói, thành phố xem xét có nghị quyết về vấn đề này, người ta không tin. Và vừa rồi, Thường vụ phải giải quyết bởi thực sự không có trong luật. Vấn đề này nói như vậy để hết sức thông cảm. Về phần mình, UBND thành phố sẽ xem xét, tham mưu để cho tỉnh làm nhanh. Nhưng làm như thế nào đối với Hội An để đảm bảo không thừa, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, sắp tới UBND sẽ đánh giá vấn đề này để xin ý kiến, chứ bây giờ nói thực, tự đưa ra những việc mà luật không hướng dẫn, luật không quy định là không dám làm”, Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Tạo thuận lợi để nhân dân mở rộng mạng lưới lưu trú để hưởng lợi từ du lịch di sản- Ảnh: Đỗ Huấn
*Tạo cho dân hưởng lợi:
Ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố cũng đã được chứng minh qua số đơn thư mà ban Pháp chế HĐND thành phố thẩm tra, xác nhận. Trong năm 2016, chính quyền thành phố đã nhận và giải quyết 123 đơn thư trên lĩnh vực thương mại du lịch, tăng 67 đơn so với năm 2015. Trong đó, chủ yếu là các nội dung liên quan đến việc đề nghị xem xét, tạo điều kiện để được thuê mặt bằng tổ chức hoạt động kinh doanh hoặc thực hiện các loại hình kinh doanh lưu trú. Điều đó cho thấy, nhân dân rất quan tâm hưởng ứng chủ trương và chính sách phát triển kinh doanh lưu trú. Tuy vậy, đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh đơn thư. Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng Phòng Kinh tế đề nghị: “Theo luật thì quy hoạch mạng lưới lưu trú là tỉnh ban hành. Tuy nhiên để được tỉnh ban hành thì kéo dài cả 1 năm đến 2 năm, sớm nhất chắc cũng phải 1 năm. Vậy trong năm 2017 này chúng ta phải thực hiện như thế nào? Tôi đề nghị thành phố phải nhanh chóng làm việc với tỉnh, nếu chưa quy hoạch được một cách chi tiết thì phải ban hành quy định tạm thời hoặc song trùng như thế nào đó để quản lý, để giải thích và tạo điều kiện cho nhân dân”.
Du lịch cộng đồng đang là hướng ưu tiên đẩy mạnh của thành phố trong những năm gần đây cũng như những năm tới, trong đó dịch vụ lưu trú trong dân (homestay) kể cả các biệt thự du lịch ở vùng ven được khuyến khích đầu tư phát triển. “Sắp tới thành phố sẽ mở rộng hơn nữa những uy định để tạo điều kiện tối đa cho các chủ hộ kinh doanh cũng như các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển mạnh hơn nữa loại hình này để nhằm đem lại lợi ích cho nhiều người dân nhất. Bởi vì chủ nhân của di sản văn hóa thế giới Hội An và chủ nhân của Khu dự trữ sính quyển thế giới Cù Lao Chàm chính là người dân Hội An. Hơn ai hết họ phải được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên này!”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Ánh nói.
Vì vậy rất cần có quy hoạch cụ thể về mạng lưới cơ sở lưu trú để bảo đảm công bằng trong hoạt động kinh doanh của các tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng cần có những giải pháp hợp lý khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân mở mang kinh doanh.
Đỗ Huấn