Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản” tại Hội An

Sáng nay (14/6), tại Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam, Tổ chức UNHABITAT phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản”. Hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản trong nước và quốc tế cùng đại diện các ngành chức năng, đại diện các tỉnh, thành phố có di sản.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận, ý kiến về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như kinh nghiệm của các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực.

Nhiều hướng tiếp cận về sự phát triển bền vững cho các đô thị thông qua hàng loạt báo cáo khoa học về : Các cơ chế và hướng tiếp cận mới trong quản lý di sản đô thị bền vững; Các vấn đề chính trong bảo tồn các đô thị di sản ở châu Á: Khung chính sách quốc tế và vấn đề quản lý cấp quốc gia và địa phương; Xu hướng mới trong cách thức điều hành bảo tồn đô thị ở Châu Á? – Tranh luận và thành tựu; Quy hoạch không gian và bảo tồn các khu vực môi trường: Các vấn đề toàn cầu, hướng dẫn và bối cảnh ở Việt Nam; Vấn đề được và mất trong phát triển đô thị di sản; Quản lý “Di sản đô thị” tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp – Trường hợp khu Di tích Cổ Loa – Hà Nội; Cân nhắc xây dựng quy hoạch và khung quy định pháp lý cho các khu đô thị cổ,… Đặc biệt là tham luận về “Phục hồi và bảo tồn các di sản kiến trúc gỗ – Trường hợp Hội An” đã đề cập cụ thể đến thực trạng và các giải pháp bảo tồn tại đô thị cổ Hội An.

Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản” tại Khách sạn Hội An- Ảnh: Quốc Hải

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đinh Văn Thu, cho hay, Hội An là một cảng thị truyền thống của Chămpa từ thời Trung đại; đến thế kỷ 17, với chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Hội An là thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ, là cơ sở trọng yếu về kinh tế và đối ngoại của các Chúa Nguyễn gần 3 thế kỷ. Trong lòng đô thị Hội An còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn hơn 1.000 di tích kiến trúc cổ như nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ,… Với những giá trị tiêu biểu, ngày 04/12/1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới.

Tuy đã đạt được những thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng Hội An vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới xuất hiện, đó là ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, dẫn đến xói lở bờ biển hay tình trạng bồi cạn, ngập úng. Ngoài ra, nguy cơ cháy nổ do hoạt động quá tải bởi các dịch vụ của con người trong khu phố cổ; những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư trong đô thị và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích,…

“Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ và những nguy cơ thách thức trong thời gian qua đối với đô thị cổ Hội An cũng chính là tình trạng phổ biến của các đô thị cổ khác trên thế giới. Do đó, cần có sự hợp tác tham khảo, học tập chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đô thị di sản trong nước và thế giới; ý kiến đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trong công tác bảo tồn các đô thị cổ; sự hợp tác giúp đỡ về khoa học và tài chính của các tổ chức quốc tế nhằm mục đích bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa loại hình đô thị di sản này” – Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Chiều nay, hội thảo tiếp tục làm việc và sẽ ra Tuyên bố Hội An năm 2017 về “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản”./.

Quốc Hải