Nằm ở vùng cửa sông ven biển, Hội An đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực của sự biến đổi khí hậu. Nhưng không chủ quan và biết dựa vào điều kiện tự nhiên, Hội An đã có nhiều biện pháp ứng phó thích hợp để bảo vệ di sản và phát triển kinh tế.
Cùng với nhiều nơi trong cả nước, thành phố cũng chịu nhiều tác động tiêu cực của sự biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh đến năm 2020, thì Hội An là địa phương bị ngập nặng nề nhất do nước biển dâng. Dự báo sẽ có khoảng 17,5km2 bị ngập trong nước, chiếm 27,63% diện tích tự nhiên. Tương ứng với diện tích đó sẽ có khoảng 24,8 nghìn người bị ảnh hưởng do mất đất canh tác, mất nhà (chiếm xấp xỉ 30% số dân). Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là Cẩm Thanh, Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Kim. Khu phố cổ cũng chịu những tác động không nhỏ của tình trạng biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Văn Dũng – UBND thành phố cho biết: “Là địa phương nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, có cửa sông đổ ra biển nên hàng năm Hội An thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, hiểm hoạ bất thường do thời tiết gây ra. Theo thống kê cho thấy, mỗi năm Hội An phải gánh chịu từ 1 – 3 cơn lụt với cấp độ ngày càng cao, từ 1-2 cơn bão. Đặc biệt trong thời gian gần đây, các hiện tượng bất thường về thời tiết như mưa lớn, lốc tố, hạn hán xảy ra thường xuyên và chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ cũng gia tăng cả về tần suất và cường độ”.
Bãi tắm Cửa Đại bị xâm thực nặng, ảnh hưởng đến buôn bán của nhân dân- Ảnh: Đỗ Huấn
Theo kết quả khảo sát mới đây của Tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa Quảng Nam, Hội An là một trong những nơi có nhiều điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dọc các bờ sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và nguy cơ mất đất sản xuất, phá hỏng các công trình dân sinh khác. Ngoài các nguyên do về sự biến đổi khí hậu phức tạp, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp còn xuất phát từ nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên các sông làm biến đổi dòng chảy. Cùng với Hội An, các huyện như: Duy Xuyên, Nông Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn… cũng xảy ra tình trạng tương tự với khoảng 75 vị trí, điểm sạt lở dọc theo các sông Vu Gia, Thu Bồn, Vĩnh Điện… tổng chiều dài khoảng 82 km.
Thực tế là chỉ trong 2 năm qua, bờ biển Cửa Đại (Hội An) đã bị xâm thực nặng nề đến mức báo động mang cấp quốc tế. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tầm quốc gia, đối ngoại mang tính hợp tác và khu vực với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp, hướng khắc phục giúp Hội An và Quảng Nam phát triển bền vững. Lời giải đáp, phương án khả thi vẫn còn ở phía trước, còn trước mắt là sự mất mát nguồn tài nguyên du lịch vô cùng lớn này đã hiện rõ. Ông Nguyễn Bi – người dân khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại không giấu lo lắng:“Kể từ năm ngoái đến nay biển bị xâm thực rất mạnh và kéo lở từ ngoài bờ biển vào trong đất liền 50m. Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chuẩn bị một số phương án để kè chống, nhất là kè bằng bao cát nhưng vẫn bị xâm thực, vẫn bị lở, vẫn bị đẩy bao cát đi. Chúng tôi là những người dân buôn bán ở địa phương này bị ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, khách đến đây du lịch mà xem tình hình biển lở, xem tình hình kè chắn rong rêu thì không có chỗ nào cho khách du lịch vui chơi, tắm biển”.
Không chủ quan trước những diễn biến khó lường do biến đổi khí hậu gây ra, những năm qua chính quyền và nhân dân thành phố đã triển khai nhiều chương trình, tổ chức nhiều hoạt động ứng phó để bảo vệ di sản, giữ vững ổn định và bình yên để xây dựng và phát triển quê hương. Khu phố cổ được chú trọng hàng đầu. Mỗi năm, chính quyền và nhân dân đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, chằng chống, gia cố, chặt tỉa cây cối, phát dọn cảnh quan để hạn chế những tác động bất lợi của các yếu tố tự nhiên…
Tàu thuyền neo trú tránh bão tại rừng dừa Bảy mẫu (xã Cẩm Thanh)- Ảnh: Đỗ Huấn
Những dự án kè chống xói lở bờ sông Thu Bồn dù là cục bộ và từng đoạn ngắn do nguồn kinh phí đầu tư có hạn nhưng nhờ kịp thời, “đúng lúc” nên đã phát huy được hiệu quả. Dự án kè cứng bờ biển Cửa Đại – An Bàng trước sự xâm thực ngày càng mạnh của biển, đang tiến hành từ nguồn kinh phí Biển Đông – Hải đảo của Trung ương đầu tư cũng đang được xúc tiến nhanh để đảm bảo ứng phó an toàn hơn. Phong trào trồng cây xanh chắn gió, phòng hộ ở các bãi biển, triền sông, cồn bãi… được phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thực sự đạt kết quả khả quan. Công tác quản lý đất đai, sông nước được các cấp chính quyền tăng cường chặt chẽ nhằm hạn chế sự xâm lấn bừa bãi, cơi nới tuỳ tiện, làm biến dạng dòng chảy, mất cân bằng sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh – vùng sinh thái quan trọng của vùng hạ lưu sông Thu Bồn, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống nhân dân trước những tác động khôn lường của thiên tai được phục hồi và bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Sự – Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng: “Rừng dừa nước Cẩm Thanh vừa có tác dụng chắn gió, chắn sóng vừa có tác dụng đối phó với mực nước biển hiện đang dâng cao, bão càng ngày càng lớn. Nó giữ được yên bình cho nhân dân Cẩm Thanh và cả vùng đối với thiên tai, đối với lũ lụt. Thực tế cho thấy rằng chúng ta làm rất nhiều âu trú bão cho tàu thuyền ở khắp tỉnh Quảng Nam nhưng tôi nghĩ rằng âu trú bão ở Vạn Lăng (Cẩm Thanh) là âu trú bão hiệu quả rất lớn khi mà mùa bão dân vào trong rừng dừa, đậu cả hàng ngàn chiếc thuyền lớn nhỏ nhưng không có chiếc thuyền nào bị chìm, chiếc thuyền nào bị vỡ”.
Từ nguồn kinh phí phòng chống thiên tai của Trung ương, đến nay thành phố đã hoàn thành tu bổ và nâng cấp 714m đê biển với kinh phí khoảng 80 tỉ đồng, chủ yếu tập trung ở xã Cẩm Thanh. Trong giai đoạn từ 2015 đến 2017, cũng từ nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu (SPRCC), Cẩm Thanh tiếp tục được đầu tư hỗ trợ Dự án trồng và phục hồi rừng dừa nước kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn SPRCC 23 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ngân sách địa phương. Dự án bao gồm 2 hợp phần. Hợp phần trồng và phục hồi rừng dừa nước, trong đó trồng mới hơn 26ha. Hợp phần cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng bao gồm nạo vét 2.612m sông Đình; tận dụng đất nạo vét sông để đắp bù, nâng cấp đê hai bên bờ sông, tổng chiều dài nâng cấp đê 3.410m, đổ bê tông 1.266m gia cố mặt đê kết hợp giao thông; xây dựng các công trình phụ trợ dọc tuyến đê và sông…
Đỗ Huấn