Hội An: Giải quyết nhiều vấn đề trên lĩnh vực đất đai

Thành phố Hội An hiện đang tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết vướng mắc, tồn đọng trên lĩnh vực đất đai đồng thời tăng cường khai thác và quản lý nguồn thu tiền sử dụng đất tạo vốn thanh toán nợ và đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.

Tập trung xác định nguồn gốc đất

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có rất nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 1/7/2004 nhưng không có một trong các loại giấy tờ theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất, ngày 2 tháng 3 năm 2017, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 653 về việc triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 1/7/2004 nhưng không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1,2,3 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và điều 18 Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ.

Qua 6 tháng triển khai thực hiện, đến nay, một số địa phương đã tiếp nhận số lượng lớn hồ sơ đăng ký của công dân như xã Cẩm Hà với hơn 1.300 hồ sơ, Thanh Hà 290 hồ sơ,…Vì thế, có địa phương đã tạm dừng tiếp nhận đơn mới để từng bước giải quyết.

Trên thực tế, việc này đã tạo áp lực lớn cho các địa phương và ngành liên quan trong việc giải quyết hồ sơ của công dân, trong đó, vướng mắc, phức tạp nhất là việc xác định nguồn gốc đất của địa phương, bởi lẽ, nếu xác định nguồn gốc đất không đúng có thể gây ra tranh chấp trong Nhân dân hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Việc xác định nguồn gốc đất cần có sự chặt chẽ, chính xác- Ảnh: Quốc Hải

Về việc này, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ Tịch UBND thành phố cho biết: “Hiện UBND thành phố đang tiếp tục tập trung làm, Phòng TN&MT cử cán bộ hỗ trợ cho các địa phương. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các xã – phường phải chịu trách nhiệm chính theo quy định của pháp luật về việc kiểm tra, xác nhận nguồn gốc, loại đất, thời điểm sử dụng đất. Vì thế, việc kiểm tra, xem xét cần phải có sự chặt chẽ, chính xác. Còn những trường hợp sử dụng đất sau ngày 1/7/2004, UBND thành phố đã có văn bản gửi Tổng Cục Quản lý Đất đai – Bộ TN&MT để xử lý”.

Tại các cuộc họp giải quyết đơn thư của thành phố và 13 xã – phường thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp phát sinh đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại trên địa bàn đều xuất phát từ việc xác định nguồn gốc đất. Do đó, thành phố đang tập trung chỉ đạo các địa phương chặt chẽ trong việc xác định nguồn gốc đất, đồng thời kiểm tra, chỉ đạo ngành liên quan tăng cường hỗ trợ cho các địa phương giải quyết hồ sơ công dân đảm bảo hiệu quả.

Cơ chế về nguồn thu từ khai thác đất xen cư

Theo “Một số chủ trương, biện pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành dự toán ngân sách Nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017 trên địa bàn thành phố Hội An” vừa được UBND thành phố ban hành, thành phố tăng cường khai thác và quản lý nguồn thu tiền sử dụng đất để tạo vốn thanh toán nợ và đầu tư xây dựng cơ bản. Tất cả các trường hợp khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất hoặc khi thi hành án, thu hồi nợ có liên quan đến quyền sử dụng đất đều phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, ngoại trừ việc giao các thửa đất rẻo, lẻ liền kề có diện tích không đủ xây dựng nhà ở. Việc xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định hiện hành của UBND tỉnh Quảng Nam.

Hội An tăng cường khai thác và quản lý nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng cơ bản- Ảnh: Quốc Hải

Theo “Nguyên tắc điều hành và phân bổ dự toán ngân sách năm 2017”, trong đó có “Nguyên tắc phân bổ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp một lần” thì tỷ lệ phân bổ đã được quy định cụ thể. Đối với nguồn thu từ giao đất rẻo, đất lẻ không thông qua đấu giá nằm rải rác trong các khu vực dân cư cho các cá nhân, hộ gia đình sử dụng làm đất ở, nằm ngoài khu vực các dự án sử dụng quỹ đất tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã phường sẽ được nộp vào ngân sách thành phố sau khi trừ các khoản chi phí theo qui định, kể cả nguồn thu tồn đọng từ năm 2016 trở về trước. Thành phố sẽ bổ sung 100% cho các xã, phường để đầu tư các công trình xây dựng cơ bản.

Đối với nguồn thu từ khai thác đất xen cư dưới 300m2 của 4 xã xây dựng nông thôn mới là Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh và Tân Hiệp, ngoài khu vực các dự án sử dụng quỹ đất tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được nộp vào ngân sách thành phố sau khi trừ các khoản chi phí theo qui định. Sau đó, thành phố sẽ bổ sung 100% cho các xã để đầu tư các công trình xây dựng cơ bản theo đề án xây dựng nông thôn mới.

Đối với nguồn thu từ khai thác đất xen cư dưới 200m2 của 9 phường, nằm ngoài khu vực các dự án sử dụng quỹ đất tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được nộp vào ngân sách thành phố sau khi trừ các khoản chi phí theo qui định,thành phố sẽ bổ sung 50% cho các phường liên quan để đầu tư các công trình xây dựng cơ bản. Đối với các địa phương chủ động tổ chức vận động nhân dân hiến đất và vật kiến trúc trên đất thì thành phố sẽ hỗ trợ 100% sau khi trừ các khoản chi phí theo qui định để địa phương thực hiện đầu tư theo quy định.

“Để khai thác đất xen cư trong năm 2018 sắp tới, các địa phương phải làm kế hoạch, kế hoạch đó được HĐND địa phương thông qua, sau đó trình UBND thành phố quyết định.” – Ông Phan Ngọc Nhơn Kiệt – Phó Chủ tịch HĐND thành phố nói.

Được biết, đối với nguồn thu các dự án sử dụng quỹ đất tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được nộp vào ngân sách thành phố để đầu tư hạ tầng tại dự án đó. Số tiền chênh lệch từ nguồn thu đất dự án với chi phí đầu tư dự án,thành phố sẽ ưu tiên đầu tư các công trình trên địa phương có đất khai thác dự án đó./.

Quốc Hải