Điện lưới quốc gia đã được đưa ra đảo Cù Lao Chàm, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đó thực sự là niềm vui hơn mong đợi của gần 3.000 dân và cán bộ chiến sỹ ở xã Tân Hiệp.
Với sự nỗ lực của Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), các hạng mục lưới điện trên bờ phía Hội An và trên đảo Cù Lao Chàm thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho xã đảo Tân Hiệp bằng cáp ngầm” do Chính Phủ phê duyệt đã được thi công hoàn thành từ tháng 8; tuyến cáp ngầm xuyên biển đã hoàn thành việc kéo cáp ngầm lên đảo vào ngày 30.8. Tiếp đó, EVNCPC đã hoàn thành thử nghiệm cáp, đảm bảo chất lượng đóng điện và kiểm tra các hạng mục khác để hệ thống sẵn sàng mang điện. Dự án chính thức được khởi công từ ngày 9/1/2016 và tiếp tục được hoàn thiện để kết thúc bàn giao vận hành chính thức vào đầu tháng 10 này. Được biết, dự án có quy mô gồm 15,48km cáp ngầm 22kV xuyên biển; 17,214km đường dây 22kV trên đất liền; 6 trạm biến áp phân phối 22/0,4kV có tổng dung lượng 900 kVA; 11km đường dây hạ áp 0,4kV và các hạng mục phụ trợ… với tổng mức đầu tư 484,815 tỷ đồng.
Khởi công dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm ngày 9/1/2016- Ảnh: Đỗ Huấn
*Niềm vui lớn:
Dự án hoàn thành đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trên đảo, đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức sống, trình độ dân trí cho nhân dân. Cũng như nhiều người dân trên đảo, bà Trần Thị Dầu ở thôn Bãi Hương đã không giấu được niềm vui: “Sắp có điện nói chung ai cũng phấn khởi, họ cũng mong muốn sắm được cái tủ lạnh, bỏ đồ vô đó giữ cho tươi sống để bán cho khách tới”.
Từ khi chính thức được thành lập là đơn vị hành chính cấp xã đến nay đã hơn 36 năm, xã đảo Tân Hiệp được lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ triển khai nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng nhiều phương án cấp điện. Mục đích là để có nguồn điện ổn định, đủ dùng cho sinh hoạt, sản xuất thay thế cho việc cấp điện bằng hệ thống chạy máy phát bằng diezel quá tốn kém nhưng chất lượng và sản lượng điện không đáp ứng, lại gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động du lịch.
Lắp dựng hệ thống trụ điện trên đảo, sẵn sàng cấp điện thắp sáng- Ảnh: Đỗ Huấn
*Cơ hội quý:
Những năm gần đây, thu nhập của người dân trên đảo tăng trưởng đáng kể nhờ sự phát triển nhanh của kinh tế dịch vụ du lịch, số hộ khá, giàu tăng nhanh, các vật dụng sử dụng điện như: tủ lạnh, tủ đông, máy nước nóng lạnh, máy giặt, máy sáy hải sản được người dân mua sắm nhiều. Mặt khác, do chạy bằng dầu diezel nên giá thành sản xuất điện rất cao dẫn đến hằng năm ngân sách phải bù lỗ hàng tỷ đồng. Người dân trên đảo cho biết, hầu hết du khách nước ngoài rất muốn lưu trú qua đêm trên đảo để cảm nhận cuộc sống người dân và khám phá những nét văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của vùng biển đảo thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhưng do không có điện nên họ đành quay lại lưu trú tại phố cổ Hội An. Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: “Khi người ta ở những nơi đã có điều kiện hiện đại về đây thì thực sự mà nói, buổi tối không có điện người ta ít ngủ được vì bị nóng. Và tầm 11 giờ đêm đã mất điện thì hầu như những sinh hoạt khác không làm được, ví dụ như là sử dụng internet, xem ti vi…”.
Có điện hứa hẹn mở ra những ngành nghề mới phục vụ khách du lịch, phát triển các loại hình giải trí, vui chơi khác.Có điện cũng hứa hẹn đem lại sự phát triển nhanh cho các hoạt động kinh tế khác như: dịch vụ hậu cần nghề cá,sơ chế, bảo quản hải sản,sửa chữa máy móc, tàu thuyền cho ngư dân địa phương và các vùng lân cận. Ông Trần Tấn Dũng – Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp chia sẻ: “Điện đến thì có thể làm thay đổi rất nhiều đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên đảo. Những dịch vụ cũng sẽ tốt hơn đối với công tác phục vụ cho du khách đến tham quan đảo, rồi điện cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân”.
Có điện thắp sáng là cơ hội để Tân Hiệp thực hiện thành công mục tiêu xây dựng xã đảo giàu đẹp, văn minh, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thân thiện, an toàn của di sản văn hóa thế giới – đô thị cổ và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
Đỗ Huấn