“Con cháu bây giờ làm ăn hơn mình hồi xưa rồi, cha mẹ ông bà rất là mừng. Nhưng cũng mong con cháu cũng phải biết gìn giữ nếp gia phong, nếp cổ xưa của phố cổ một phần nào. Phải chừng mực chứ không thể ồ ạt !” – Nhà Nhiếp ảnh Vĩnh Tân nói.
Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 và hướng tới kỷ niệm 17 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2016), sáng 23/11, thành phố Hội An chính thức đưa Hội quán Hải Nam – số 10 đường Trần Phú vào tuyến tham quan khu phố cổ. Đây là 1 trong 5 kiến trúc Hội quán cổ từ đường Nguyễn Duy Hiệu kéo dài đến hết đường Trần Phú, trục đường trung tâm của phố cổ Hội An.
Được biết, chỉ trong năm ngoái, Hội An đón 2,1 triệu lượt khách, có 316 cơ sở lưu trú với 6.428 phòng đạt chuẩn, tổng giá trị sản xuất toàn thành phố đạt 6.510 tỷ đồng, riêng doanh thu ngành du lịch dịch vụ đạt 4.425 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 64,82% cơ cấu kinh tế. Cũng năm 2015, sau 10 năm bán vé tham quan trọn gói, Hội An đã đón vị khách thứ 8 triệu đến mua vé tham quan Khu phố cổ, thu vé tham quan 455 tỷ đồng, đóng góp được hơn 318 tỷ đồng vào quỹ trùng tu Đô thị cổ Hội An.
Hội An miễn vé tham quan trong ngày 4/12/2016- Ảnh: Quốc Hải
Là người sinh sống trong phố cổ hơn 80 năm qua, nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân, người đang lưu giữ bộ sưu tập ảnh “Hội An xưa” đã bày tỏ:“Con cháu bây giờ làm ăn hơn mình hồi xưa rồi, cha mẹ ông bà rất là mừng. Nhưng cũng mong con cháu cũng phải biết gìn giữ nếp gia phong, nếp cổ xưa của phố cổ một phần nào. Phải chừng mực chứ không thể ồ ạt!”.
Những năm qua, trên cơ sở những giá trị truyền thống của cha ông để lại, cộng đồng cư dân Hội An đã ra sức bảo tồn và phát huy di sản văn hoá địa phương. Nhiều di tích giờ trở thành các điểm tham quan cho du khách, nhiều ngôi nhà đã được đầu tư tu bổ, tái sử dụng vào các mục đích văn hoá – xã hội. Ngoài cả nghìn di tích kiến trúc, Hội An đã mở 4 bảo tàng chuyên đề, 2 nhà hát cổ truyền, 2 phòng triển lãm, 2 phòng tư vấn thông tin di sản, thông tin du lịch.
17 năm qua, đã có gần 500 lượt di tích được đầu tư tu bổ với kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Các hoạt động sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội, tôn giáo được duy trì; không những Khu phố cổ mà các làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá lịch sử ở các vùng phụ cận cũng được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, về mặt tổng thể, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đã được chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai khá hiệu quả với sự đồng thuận của người dân. Hội An được UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương đánh giá là mô hình mẫu trong công tác quản lý “di tích sống” này.
Phố cổ Hội An đối diện với nhiều áp lực (Hiện trường vụ cháy một ngôi nhà cổ trong phố cổ)- Ảnh: Quốc Hải
Trao đổi về việc quản lý trùng tu, tôn tạo di tích, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ – Cựu Trưởng Phòng Quản lý Di tích Danh Thắng Quảng Nam cho rằng, Hội An đã quy định chặt chẽ quy trình, đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác khi trùng tu di tích. “Tôi cho rằng ở Hội An đã làm rất tốt, nhiều năm ni làm tốt. Có nhiều người họ than phiền tại sao phải làm cái này, nhưng phải nghĩ rằng cái này là cái chung quy định, còn không thôi thì người này người kia cứ sửa tùm lum tà la hết, và thành phố sẽ biến dạng. Và tôi biết rằng ở Nhật Bản cũng có những giai đoạn khi người ta bảo tồn phố cổ cũng khó khăn như vậy. Và người dân hãy ý thức rằng, chính cái hồn cũ như vậy mới quyến rũ được du khách” – Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói.
Tin rằng, cùng với sự đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước, cộng đồng người dân Hội An, trong đó có đội ngũ “Cộng tác viên di sản” sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình, cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá Hội An trên mọi phương diện./.
Quốc Hải