Hiện nay, di tích Chùa Cầu tại Hội An đang bị nghiêng, toàn bộ kết cấu gỗ nằm trên dầm trụ đã mục ở khá nhiều bộ phận, dễ bị tác động bởi gió bão giật phương ngang và lũ lụt bất ngờ. Lượng khách tham quan qua lại Chùa Cầu khá đông càng khiến cho biểu tượng của di sản văn hóa thế giới này đối diện với nguy cơ xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hơn.
Gầm Chùa Cầu đang được gia cố, chống đỡ- Ảnh: Quốc Hải
Mới đây, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã gia cố gầm Chùa Cầu bằng 2 trụ gỗ chống phía dưới. Ông Nguyễn Chí Trung – Gám đốc Trung Tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết: “Việc gia cố được triển khai vì gầm nằm trên mố cầu tiếp xúc với bê tông, lâu ngày nên trụ chống đỡ cũ đã mục, dễ gây đứt ngang dầm”.
Như đã biết, sau 7 lần trùng tu trong khoảng 400 năm tồn tại, Chùa Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. Hiện trạng Chùa Cầu dễ nhận thấy dấu hiệu chuyển vị của chân cột gỗ biên nơi bị nứt. Trụ bị nghiêng rõ rệt, chân trụ bị lệch ra ngoài không còn nằm trên đường thẳng chứa tâm các trụ còn lại trên trục dọc biên của công trình. Nhiều năm trước, các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam và Nhật Bản đã đề xuất một số giải pháp nhưng vẫn chưa khả thi. Dù xuống cấp, xong mỗi ngày Chùa Cầu đón trên 4.000 khách tham quan, sự tác động của tự nhiên, thiên tai lũ lụt đang tạo nên áp lực ngày càng nghiêm trọng hơn.
Phân tích, đánh giá hiện trạng Chùa Cầu của PGS.TS. Nguyễn Xuân Toản và ThS. Nguyễn Duy Thảo – Trường Đại Học Bách khoa Đà Nẵng qua những thông số kỹ thuật từ kết cấu chịu lực chính, địa chất, độ rung tại hiện trườngthực hiện năm ngoái, cho thấy, kết cấu chịu lực chính của Chùa Cầu bao gồm hệ móng, mố, trụ ở bên dưới và hệ dầm, sàn, cột, giằng, vì kèo tạo thành hệ chịu lực chính ở bên trên. Trong đó hệ chịu lực chính nói chung đã có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt. Đặc biệt bộ phận chịu lực quan trọng nhất gồm hệ móng, mố, trụ đã xuống cấp và có dấu hiệu nguy hiểm.
Bằng phương tiện đo đạc hiện đại, nhóm nghiên cứu cho biết, kết cấu khung bao gồm hệ cột, giằng và vì kèo cơ bản còn đủ khả năng làm việc trong điều kiện bình thường và chịu được tải trọng bản thân của kết cấu. Tuy nhiên, nhiều bộ phận kết cấu bị rạn nứt, mục. Đặc biệt, đầu và cuối các bộ phận kết cấu, hoặc đầu cột và chân cột bị nứt, mục khá phổ biến. Các mối nối, liên kết bị cong vênh, nhả mộng và không đảm bảo chắc chắn.
Quá đông du khách tham quan Chùa Cầu mỗi ngày Ảnh: Quốc Hải
Hầu hết các kết cấu, khung chịu lực bên trên hiện nay đã có dấu hiệu xuống cấp khá nghiêm trọng. Đặc biệt ở đầu hoặc cuối cột đều thấy xuất hiện các vết nứt hoặc mục; các liên kết đã không còn vững chắc như trước đây. Ở phần mái, nhất là các phần bên dưới của máng thoát nước hiện nay đã mục khá sâu và kết cấu không còn bền vững.
Về kết cấu dầm đỡ và sàn đỡ đáy xuất hiện một số vùng không còn đủ khả năng làm việc an toàn trong điều kiện bất lợi và có dấu hiệu nguy hiểm. Một số kết cấu dầm đỡ đã được thay thế bằng gỗ hoặc thép. Các dầm gỗ mới thay thế cơ bản vẫn còn tốt. Tuy nhiên, các dầm thép đã bị gỉ và đứt gãy không còn khả năng làm việc. Các dầm thép trở thành mối nguy hiểm vì khi gỉ sẽ gây phá hủy các kết cấu mà dầm thép được liên kết.
Về điều kiện địa chất của công trình tương đối đồng nhất, địa tầng bao gồm các lớp đất có cường độ chịu tải thay đổi không lớn. Khảo sát cho thấy có thể xảy ra hiện tượng cát chảy vào hố móng khi khai đào hố móng vào các lớp cát mịn, bụi và gây sụt lún cho các công trình lân cận.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Toản, nói: “Chúng tôi đã sử dụng hệ thống đo rung động SDA của Nhật và STS-BDI theo công nghệ không dây của Hoa Kỳ để đo rung động tại công trình. Kết quả đo đạc cho thấy tình trạng của kết cấu mố trụ và nền móng tại thời điểm quan trắc cơ bản còn đáp ứng được yêu cầu chịu lực. Tuy nhiên, sự thay đổi đáng kể tần số và chu kỳ dao động riêng của các kết cấu cho thấy sự xuống cấp của các kết cấu đang diễn ra với tốc độ khác nhau và đáng lưu ý”.
Từ năm ngoái, TP.Hội An đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh nhanh chóng có phương án trùng tu Chùa Cầu, trong đó đề nghị, hoặc UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư, hoặc giao lại Hội An để tiến hành sớm.
Được biết, từ năm 2008, Sở VH-TT&DL đã thực hiện một dự án trùng tu tôn tạo Chùa Cầu, đến nay chỉ thực hiện được 2 hạng mục là nạo vét kênh mương và làm hồ điều hòa; phần kết cấu gỗ chưa làm được. Dự án này đã hơn 10 năm, theo Luật Đầu tư công thì không còn khả thi. Vì vậy, muốn lập dự án mới phải quyết toán dự án cũ và cách tốt nhất hiện nay là chấm dứt dự án cũ để lập dự án mới.
“Thành phố và tỉnh và Bộ VH-TT&DL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tranh thủ các giải pháp từ các chuyên gia trong và ngoài nước, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thống nhất giải pháp trùng tu” -Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố, nói.
Quốc Hải