Trong những năm qua, lãnh đạo ngành thủy sản tỉnh Quảng Nam, TP.Hội An cùng chính quyền và cộng đồng cư dân xã Cẩm Thanh đã có nhiều nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu. Chú trọng thường xuyên công tác này là góp phần bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, phục vụ cho sự phát triển không chỉ riêng của xã Cẩm Thanh mà cho cả TP.Hội An và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Đúng ngày kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959-1/4/2024), Phòng Kinh tế TP.Hội An tổ chức buổi thả giống thủy sản với 30 vạn con tôm thẻ chân trắng (tôm sú giống) tại Rừng dừa Bảy mẫu, xã Cẩm Thanh (khu vực thôn Vạn Lăng) nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trong các thủy vực tự nhiên, gia tăng số lượng cá thể, quần đàn phục vụ khai thác thủy sản. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Thực tế, hoạt động thả các loại giống cá, tôm vào các khu vực sông, hồ trên địa bàn thành phố nói chung, tại khu rừng dừa Bảy Mẫu – vùng cửa sông ven biển Hội An – Cửa Đại – Cù Lao Chàm này nói riêng được ngành Thủy sản và chính quyền các cấp thường xuyên chú trọng, duy trì ổn định vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống nghề cá 1/4 hằng năm. Nhờ vậy, nguồn lợi thủy sản tại khu vực rừng dừa nước ngập mặn xã Cẩm Thanh đã được tái tạo theo hướng tích cực, người dân hưởng ứng, tham gia tích cực, ngày càng nâng cao nhận thức và bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản trong khu vực, tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái rừng dừa bền vững hơn. Là người từng sống và gắn bó lâu năm với vùng rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh, ông Đặng Thành Tâm cho biết: “Tôi thấy mấy năm qua, nói chung người dân Hội An đã hiểu được chuyện nên họ hạn chế tình trạng châm điện. Tôm ở rừng dừa Bảy Mẫu nhờ vậy sinh trưởng rất nhiều bởi vì họ không khai thác những con tôm còn nhỏ bé nữa mà họ chỉ bắt những con tôm lớn. Vì thế, tôi rất hoan nghênh và luôn luôn ủng hộ chương trình này”.
Theo nghiên cứu, đánh giá của các ngành chức năng, khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh) có môi trường nước trong sạch, đa dạng sinh thái là điều kiện tốt để tôm sú giống thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt. Trước khi thả tôm giống, ngành thủy sản đã lưu giữ, thuần dưỡng, kiểm tra chất lượng tôm sú giống kỹ càng. Bằng cách thả giống bổ sung hằng năm và được tổ chức thường xuyên thì khu thuỷ vực tự nhiên ở rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh) nói riêng cũng như nhiều thủy vực khác ở Hội An và tỉnh Quảng Nam nói chung sẽ có điều kiện để phát triển các loài thuỷ sản bản địa mang giá trị kinh tế cao nhưng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cũng như tăng mật độ quần thể các loài thuỷ sản đã bị khai thác cạn kiệt. Vì vậy việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản là yếu tố quan trọng giúp lập lại cân bằng sinh thái, mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững vùng sông nước sinh thái này. Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cho biết, đối với người dân Cẩm Thanh, cuộc sống và công việc hằng ngày của họ cũng luôn gắn liền với rừng dừa. “Rừng dừa ngoài việc bảo vệ cộng đồng cư dân của địa phương trước thiên tai, bão tố, bảo vệ các ngôi làng, về góc độ sinh học thì rừng dừa còn là nơi để con cá, con tôm và các loài thủy hải sản thực hiện chức năng, thiên chức sinh sản, bảo tồn thế hệ cho hôm nay và mai sau”, ông Thảo nói. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, vùng cửa sông Thu Bồn ven biển Cửa Đại, trong đó chủ yếu là thủy vực xã Cẩm Thanh đang sở hữu nhiều sinh thái quan trọng, hơn 140 ha rừng dừa nước, 43ha/60ha thảm cỏ biển của Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, các vùng bãi triều tự nhiên có tính đa dạng sinh học rất cao. Đặc biệt, mối liên kết sinh thái giữa trung tâm đa dạng sinh học quan trọng nhất của Khu sinh quyển là quần đảo Cù Lao Chàm và vùng cửa sông ven biển này đã được xác định. Đến nay đã xác định có 10 loài cá trong tổng số 18 loài có mối quan hệ quần thể giữa hai khu vực: hạ lưu sông Thu Bồn và quần đảo Cù Lao Chàm. Chính vì thế, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư ven biển nên tích cực tham gia bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản; đồng thời khai thác đúng thời vụ, đúng kích thước mắt lưới; nói không với các hình thức đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, hủy hoại môi trường như: châm điện, đánh thuốc nổ… Cùng với việc nâng cao ý thức người dân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, có liên quan cần quyết liệt ngăn chặn, xử lý thích đáng những hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, xử phạt những trường hợp đánh bắt, khai thác mang tính triệt tiêu, tận diệt nguồn lợi thuỷ sản nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học vùng cửa sông ven biển Cửa Đại – Hội An, tái tạo bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, phục vụ cho sự phát triển của Hội An nói riêng và vùng ven biển Quảng Nam nói chung.
ĐỖ HUẤN