Công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng hằng năm được các cấp lãnh đạo thành phố chú trọng thường xuyên, liên tục. Là địa bàn chịu tác động bất lợi của sự biến đổi khí hậu, bị ảnh hưởng nặng do bão lũ gây ra nhưng Hội An luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra. Kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn là chủ động sẵn sàng.
Theo báo cáo tổng hợp của BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố, trong năm 2017 vừa qua có tổng cộng 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó cơn bão số 12 (bão Damrey) đã gây mưa to, lũ lớn trên địa bàn thành phố từ ngày 3 đến ngày 8/11/2017. Bên cạnh đó còn có 10 đợt không khí lạnh, 12 đợt nắng nóng và giông lốc bất ngờ trên biển… đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, gây thiệt hại nhiều tài sản trên địa bàn thành phố. Tổng giá trị thiệt hại hơn 71 tỷ đồng. Tuy vậy nhưng thành phố vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho nhân dân và giảm thiểu đến mức thấp nhất giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thu dọn rác ứ đọng sau lũ tại cầu An Hội, sông Hoài- Ảnh: Đỗ Huấn
Đạt được kết quả đó là nhờ sự chủ động, nhạy bén, linh hoạt và sâu sát của bộ máy lãnh đạo, điều hành của Đảng ủy, chính quyền và mặt trận các cấp. Trong đó có thể khẳng định vai trò của BCH PCTT&TKCN từ thành phố đến các xã phường được khẳng định rõ nét và hiệu quả. Hầu như BCH các cấp đều được kiên toàn củng cố vững chắc, rà soát phân công nhiệm vụ rõ ràng cụ thể cho từng thành viên. Phương án, kế hoạch và lực lượng, phương tiện phòng chống, cứu hộ được chuẩn bị sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Những địa bàn xung yếu, trọng điểm của thành phố như: Cù Lao Chàm, Cửa Đại, Cẩm An trong giông bão, Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Phô, Thanh Hà trong mưa lũ… luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, hỗ trợ nhân lực, phương tiện cần thiết để phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Bà Dương Thị Thu Trà – Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Phô cho biết: “Trước, trong và sau bão, BCH PCTT & TKCN phường đã điều động lực lượng cán bộ nhân viên cơ quan, Trung đội DQCĐ, lực lượng đoàn viên thanh niên của phường tham gia chằng chống nhà cửa, khắc phục hậu quả, dọn vệ sinh môi trường… Đặc biệt, trong đợt lũ vừa qua trúng vào dịp Hội nghị cấp cao APEC diễn ra trên địa bàn thành phố nói chung, riêng Cẩm Phô cũng là một địa điểm diễn ra hoạt động trong chuỗi hoạt động APEC. Vì vậy công tác khắc phục hậu quả rất khẩn cấp. Địa phương đã huy động tối đa lực lượng để khắc phục, đã huy động hơn 500 người với trổng số hơn 1500 công, điều động số phương tiện tham gia vận chuyển hơn 450 lượt. Chúng tôi phải tập trung cật lực toàn quân, toàn dân trên địa bàn phường phải tiến hành dọn rác hơn 1 ngày rưỡi mới kịp tổ chức các hoạt động”.
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, công tác dự phòng, dự báo được các cấp chính quyền và BCH PCTT, TKCN thành phố, các cơ quan đơn vị đề cao hàng đầu. Diễn biến thời tiết và thiên tai được duy trì nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ để kịp thời ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Tinh thần trực “sẵn sàng chiến đấu” được quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên thi hành nhiệm vụ nên các thông tin chỉ đạo, văn bản điều hành được ban hành và thông báo nhanh chóng.
Các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả sau bão lụt- Ảnh: Đỗ Huấn
Công tác phối hợp được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo an toàn về con người và tài sản cho các đối tượng liên quan khi xảy ra thiên tai và cần cứu hộ cứu nạn. Các ngành, địa phương phối hợp tốt trong việc theo dõi, kiểm đếm số tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển khi thời tiết xấu có thể xảy ra; thường xuyên giữ liên lạc với các tàu thuyền để chủ động tổ chức kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng vào bờ và hướng dẫn phòng tránh khi cần thiết; đồng thời tổ chức hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, đảm bảo an toàn. Công tác phối hợp giữa ngư dân klhai thác thủy hải sản và các ngành chức năng để thực hiện công tác cứu nạn, lai dắt tàu thuyền ngư dân gặp nạn trên biển cũng được thực hiện tốt. Trong năm qua, Đồn Biên phòng Cửa Đại đã cùng với các cơ quan, đơn vị thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển 9 vụ với 9 tàu (gồm 6 tàu cá, 3 ca nô), hỗ trợ và cứu nạn thành công 36 thuyền viên và 6 du khách. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của BCH PCTT&TKCN của thành phố, Đồn BP Cửa Đại đã chủ trì phối hợp cứu hộ thành công 131 công nhân bị cô lập, mắc kẹt tại Cồn Bắp (hay còn gọi là cồn Gami) phường Cẩm Nam trong đợt lũ đầu tháng 11.2017. Song từ đây cũng cho thấy bài học kinh nghiệm cần đúc kết sâu sắc là không được chủ quan. “Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp, của các phương tiện hoạt động trên biển về tai nạn, sự cố và công tác TKCN, cứu hộ còn nhiều hạn chế, chưa chủ động phòng tránh, thậm chí còn chủ quan ỷ lại sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khi có sự cố xảy ra. Cùng với đó, cơ chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, năng lực, trình độ nguồn nhân lực cũng như khả năng của trang thiết bị phục vụ cho công tác này còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả TKCN, cứu hộ trên biển còn thấp, chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ đặt ra”, Thiếu tá Nguyễn Hoang – Phó Trưởng Đồn BP Cửa Đại nói.
Thiên tai, bão lụt là “chuyện của Trời” nhưng nếu chủ quan để xảy ra rủi ro hoặc hậu quả thì phải trả giá đắt. Bài học chủ động sẵn sàng không chỉ mang tính nhất thời mà cần được xác định xuyên suốt, quan trọng. Năm nay, theo dự báo thì hiện tượng ENSO sẽ chuyển sang trạng thái trung tính và được duy trì từ nay đến cuối năm, có khoảng 12 – 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có từ 4 – 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Từ tháng 10 cũng có khoảng 4 – 6 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến tỉnh ta. Mực nước trên các sông Quảng Nam ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, ở hạ lưu các sông độ mặn ảnh hưởng mạnh dần từ tháng 6 đến tháng 8, có khả năng xuất hiện từ 3 – 5 đợt lũ, đỉnh lũ từ báo động 2 đến báo động 3. Không được chủ quan, Phó Chủ tịch UBND kiêm Phó Thường trực BCH PCTT&TKCN thành phố Nguyễn Thế Hùng yêu cầu: “Rà soát lại công tác PCLB, rà soát thật kỹ, trong đó quan tâm nhất, lo nhất là phương án di dời, di dời trong bão, di dời khi có lũ. Phương án này phải chi tiết đến từng tổ dân cư, thậm chí đến từng nhà. Nếu không chi tiết, không nắm kỹ thì sẽ lúng túng!”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cũng nêu ra những việc làm cụ thể để các cơ quan, đơn vị và xã phường triển khai thực hiện nhằm đạt các mục tiêu về an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại về tài sản và sản xuất, bảo vệ an toàn các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KTXH, QPAN của thành phố và không để xảy ra thiếu đói, bệnh tật nguy hiểm khi có thiên tai xảy ra.
Đỗ Huấn