Chọn giải pháp chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại

UBND tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất chọn giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại – Hội An trong giai đoạn khẩn cấp: Cừ Larsen, kè mềm và nuôi bãi để chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại – Hội An, rộng 60m, dài 900m về phía bắc, khối lượng cát cần để tạo bãi khoảng 282.000 m3 với kinh phí đầu tư 81 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam vào chiều 25/8 vừa qua, nhóm “Nghiên cứu quá trình xói lở bờ biển Hội An” đã đề xuất giải pháp chống xói lở bờ biển Hội An trong giai đoạn khẩn cấp.

GS. TSKH. Nguyễn Kim Đan – Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam – Chủ nhiệm Dự án “Nghiên cứu quá trình xói lở bờ biển Hội An” cho biết, những năm gần đây tình trạng xói lở, bồi tụ biển Cửa Đại diễn ra nghiêm trọng. Trước năm 2.000 chủ yếu thiên về bồi, sau thiên về lở. Hiện tượng xói lở lan dần từ nam lên bắc, phạm vi ảnh hưởng khoảng 0,5km. Gần đây, khu vực xói lở mạnh nhất diễn ra tại khu vực từ khách sạn Victoria đến khách sạn Boutique, khoảng 2km, mới nhất là khu vực khách sạn Palm Garden lan lên phía bắc, khoảng 1km.

Nhiều công trình như 700m kè mái bê tông cốt thép, kè, đê mềm, mỏ hàn cừ thép; các kè bảo vệ khu du lịch tư nhân,… vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực. Một số đoạn kè cứng bảo vệ được bờ nhưng làm mất bãi, gây xói lở tại đoạn bờ bên cạnh, làm mất cảnh quan biển. Các kè bị sóng phá gây xói chân. Các giải pháp mềm vẫn chưa có hiệu quả. Trong khi đó, những công trình này được thực hiện không theo quy hoạch chung, thiếu đồng bộ gây tác động ngược, làm mất cân bằng bãi biển, xói lở các vùng lân cận.

GS. TSKH. Nguyễn Kim Đan nêu thực tế đáng báo động là hiện nay, lượng bùn cát từ thượng nguồn bị giữ lại đập thủy điện hơn một nửa. Việc xây dựng quá nhiều các resort khu vực bãi biển gây cản trở trao đổi cát giữa khu vực bãi và biển. Một số cây cầu ngang sông Thu Bồn cũng phần nào gây cản trở dòng chảy. “Trong những năm gần đây, chúng tôi đã tính sóng trong vòng 9 năm thì thấy rằng, tần suất xuất hiện sóng cao nhiều hơn trước rất nhiều, hướng sóng thì thẳng góc với bờ biển. Đấy là cái mà rất đáng ngại.” – GS. TSKH. Nguyễn Kim Đan nói.

Một số doanh nghiệp tự kè biển trước đây không hiệu quả- Ảnh: Quốc Hải

Trên thực tế, việc bồi lở của Hội An xảy ra theo mùa nên giải pháp chống xói lở mang tính lâu dài là hết sức cần thiết. Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được triển khai và bờ biển Hội An đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, việc có ngay một giải pháp cấp bách bổ sung để đảm bảo ổn định bờ biển và khống chế tình trạng xói lở đang dịch chuyển dần về phía bắc như hiện nay.

“Dự án nghiên cứu tổng thể chống sạt lở Hội An với mong mỏi tìm ra được một cách chính xác nguyên nhân, cơ chế gây sạt lở và khuyến nghị của các nhà khoa học để đưa ra giải pháp một cách đúng nhất, bền vững nhất để bảo vệ bờ biển Hội An với 2 yêu cầu cốt lõi  là biển không lở nữa và tái tạo trở lại bờ biển của Hội An”-Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố chi sẻ.

Tại cuộc họp, các chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đưa ra 3 giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại, thứ nhất, nuôi bãi, đê ngầm bê tông cao 1,5m, chiều dài 1.025m, rộng 115m, khối lượng cát đổ 295.000m3. Thứ hai, tạo mỏ hàn cứng, nuôi bãi khu vực đã quây và 900m phía bắc, tạo được toàn bộ bãi khu vực đã quây dài 1.100m, rộng 60m và toàn bộ 900m bãi phía bắc rộng 70,5m, khối lượng cát đổ 323.600m3. Thứ ba, tạo mỏ hàn cứng, đê ngầm, nuôi bãi khu vực đã quây và 900m phía bắc, tạo được toàn bộ bãi khu vực đã quây dài 1.100m, rộng 60m và toàn bộ 900m bãi phía bắc, rộng khoảng 52m, khối lượng cát đổ 282.000m3. Tổng nguồn vốn đầu tư sau khi chọn được giải pháp là 81 tỷ đồng.

Trong đó, phương án trước mắt được chọn là dùng cừ Larsen, kè mềm và nuôi bãi để chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Giải pháp này sẽ tạo bãi, nuôi bãi và mang tính ổn định so với các các giải pháp trước đây. Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất với giải pháp nuôi bãi, kè rộng 60m, dài 900m về phía bắc nhưng cần phải xin ý kiến chuyên môn rồi mới thực hiện. Ngoài ra, nguồn cát không lấy ở sông Thu Bồn và Cửa Đại nữa mà lấy ở bên ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hiện giờ mới nghiên cứu đánh giá khu vực thực hiện dự án thực hiện 900m, trong khi bãi biển Cửa Đại kéo dài về phía bắc và phía nam. Viện Khoa học Thủy lợi cần phải nghiên cứu thêm, tránh tình trạng làm được nơi này, sạt lở nơi kia.

Phương pháp cừ Larsen thử nghiệm đã mang lại hiệu quả- Ảnh: Quốc Hải

Trước đó, tại hội thảo quốc gia “Nghiên cứu về quá trình xói lở và các biện pháp bảo vệ bãi biển Hội An”, một số chuyên gia cũng đã đề xuất giải pháp nuôi bãi bởi Hội An muốn bảo vệ cảnh quan du lịch, muốn giữ lại bãi tắm thì chỉ có giải pháp này. Trong khi đó, để nuôi bãi thì phải cần có thời gian, nhất là nguồn cát.

Một số chuyên gia cho rằng, cần phải làm nổi bật thêm đặc điểm diễn biến theo mùa của bờ biển Hội An, nhất là cần làm sáng tỏ thêm cơ chế sạt lở bờ lan truyền từ nam ra bắc trong mùa mưa bão vừa qua, bởi bùn cát dọc bờ bản thân không tự di chuyển mà phải có lực nào đó bứt phá và xô đẩy đi mới hình thành dòng bùn cát chuyển động từ nam ra bắc.

GS. Lương Phương Hậu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng nói, dự án cần đưa ra nhiều phương pháp công trình để phân tích và lựa chọn, không nên áp đặt một phương pháp duy nhất. Phương pháp nuôi bãi không phải là mới mẻ, thực tế đã có nhiều người nêu ra rồi. Ngoài ra, cũng cần tiên liệu những khó khăn phức tạp trong việc tìm nguyên liệu, thi công, duy tu, bảo dưỡng công trình nuôi bãi. Việc thi công một công trình nuôi bãi khổng lồ như vậy sẽ kéo dài nhiều năm, kéo theo tình trạng ô nhiễm độ đục, chất lượng nước, tiếng ồn.

“Giải pháp có rất nhiều nhưng ứng dụng như thế nào cho nó có hiệu quả. Phục hồi lại đây thứ nhất là phải có hiệu quả về kỹ thuật, tức là không sạt lở nữa. Thứ hai là hiệu quả về cảnh quang vì đây là nơi du lịch. Do đó không thể để một khối bê-tông khổng lồ ở đó. Nghĩa là giải pháp tốt nhất là phải nằm ở dưới mực nước, thứ hai có phần nào nổi lên trên mặt nước thì cũng phải có tính mỹ thuật. Quyền lợi của các nhà đầu tư, các khách sạn như thế nào để họ bỏ tiền ra cùng đầu tư nhưng dưới sự điều hành chung của nhà nước.”- GS. Lương Phương Hậu nói.

Quốc Hải