Hơn 10 năm qua, ngư dân Nguyễn Văn Quang ở thôn Bãi Hương đã là tình nguyện viên của Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm. Trong quá trình đánh bắt, bản thân ông từng phát hiện nhiều cá thể rùa biển dính lưới của mình cũng như của bạn nghề. Tất cả rùa biển phát hiện đều được ông mang đến bàn giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm xử lý.
Ông Quang chia sẻ: “Thành phố phải nghiêm cấm tàu ở các huyện bạn qua khu vực đánh bắt. Thực ra, họ lặn bắt rùa mới nguy hiểm. Khu bảo tồn cũng vậy, quy định cụ thể không cho ngư dân đánh bắt bừa bãi mới có thể giữ được rùa.”
Như đã biết, vùng biển Cù Lao Chàm trước đây là sinh cảnh sống và sinh đẻ của các loài rùa biển vì ở đây có các hệ sinh thái san hô, cỏ biển và 9 bãi cát ven đảo là sinh cảnh sinh đẻ của rùa biển. Qua điều tra, phỏng vấn 69 người dân sống lâu đời tại đảo Cù Lao Chàm vào cuối tháng 3/2016, Ban quản lý Khu Bảo tồn Biển Cù lao Chàm cho hay, 97,1% số người được phỏng vấn có nguyện vọng, mong muốn thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục hồi lại cho rùa biển sinh đẻ tại Cù Lao Chàm như trước đây nhằm bảo vệ loài động vật biển quý hiếm này, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ du lịch cho đảo, tạo cơ hội, điều kiện cho cộng đồng địa phương phát triển kinh tế.
Thả rùa về biển Cù Lao Chàm- Ảnh: Quốc Hải
Ngày 8/6 năm ngoái, TP. Hội An chính thức ban hành kế hoạch bảo tồn và phục hồi rùa biển tại Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm. Để bảo tồn rùa biển, sinh vật chỉ thị cho tiềm năng, sức khỏe của các hệ sinh thái biển trong khu vực, từ nay đến 2025, thành phố chọn phía Đông Bắc Cù Lao Chàm gồm khu vực Bãi Bấc, đảo Hòn Lao và các đảo hòn Dài, hòn Lá,… nằm trong Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển.
Ngoài việc bảo tồn nguyên vị, quy hoạch phân vùng biển tự nhiên cho rùa biển về và lên bãi cát sinh đẻ, Hội An sẽ lập Trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại khu vực, giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển, tại Cù Lao Chàm cũng là nơi đầu tiên thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển. Theo đó, chuyển dời ít nhất 10 tổ trứng rùa trong 1 năm từ Vườn quốc gia Côn Đảo về tổ chức quản lý, ấp nở và thả rùa con về biển tại Cù Lao Chàm. Nhiệm vụ này thực hiện trong 3 năm; mỗi năm 1 đợt vào tháng 6 hoặc tháng 7, tổng số trứng di dời khoảng 3.000 trứng.
Là chuyên gia bảo tồn biển tại Hội An, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho hay: “Để bảo tồn và phục hồi rùa biển tại Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm, trước hết phải có bãi đẻ và điều kiện quan trọng là phải bảo vệ môi trường biển”.
Các bãi tại Cù Lao Chàm từng là sinh cảnh sống và sinh đẻ của rùa biển- Ảnh: Quốc Hải
Hiện Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, trong đó có Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm đang khởi động kế hoạch này. Theo ông Thư ký Lê Ngọc Thảo, cơ quan chuyên môn vừa tiến hành tham vấn cộng đồng tại tất cả các thôn trên địa bàn xã đảo Tân Hiệp. Kết quả, Nhân dân thôn Bãi Hương đồng tình ủng hộ 100%, tuy nhiên, các thôn khác chưa có sự đồng thuận.
Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố Hội An, của tỉnh Quảng Nam và mời chuyên gia đến từ Úc tập huấn công tác điều chỉnh quy hoạch các phân vùng chức năng biển của Khu bảo tồn trong đó quy hoạch khu vực biển, bao gồm các bãi đẻ và sinh cảnh sống của rùa biển để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn rùa biển, hướng tới quy hoạch nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt biển.
Khi kế hoạch nhận được sự đồng thuận của cộng đồng thì thành phố sẽ thành lập một Trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại khu vực đã được quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị để đáp ứng nhiệm vụ và chế độ làm việc 24/24. Đảm bảo cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ của Trạm này được đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức về sinh học rùa biển, kỹ năng, khoa học về quản lý, bảo tồn, cứu hộ rùa biển.
“Nếu chúng ta bảo vệ được rùa thì sẽ bảo vệ được sự đa dạng sinh học trong khu vực.” – Thạc sĩ lê Ngọc Thảo cho biết.
Hi vọng, kế hoạch bảo tồn và phục hồi rùa biển tại Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm từ nay đến 2025 sẽ được cộng đồng đồng thuận. Lúc đó, 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển sẽ để thiết lập để hình thành khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển, góp phần bảo tồn các loài và đa dạng sinh học kết hợp phát triển du lịch sinh thái bền vững./.
Quốc Hải