Bảo tồn Rùa biển Cù lao Chàm

Thành phố Hội An vừa lập “Kế hoạch hành động bảo tồn và phục hồi các loài rùa biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020”

Bãi đẻ của rùa

Mới đây, trong quá trình đánh bắt trên biển Cù lao Chàm, ngư dân Nguyễn Trung ở thôn Bãi Hương – Xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An đã bắt được một con rùa biển dính lưới đánh cá. Cá thể rùa biển này nặng hơn 7kg, thuộc loài đồi mồi dứa. Ngay sau đó, ông đã hiến tặng cho Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm để  thả rùa về lại với môi trường biển.

“Khi đánh bắt, lâu lâu ngư dân chúng tôi cũng gặp rùa mắc lưới, có con còn sống nhưng có con đã chết. Biết là Ban quản lý đang giữ loài này nên chúng tôi mang đến cho họ” – Ngư dân Nguyễn Trung nói.

Trong hơn 1 năm qua ngư dân ở thôn Bãi Hương và thôn Bãi Ông đã hiến tặng 7 con rùa biển cho cơ quan chức năng. Theo bà con, vùng biển Cù Lao Chàm tỉnh trước đây là sinh cảnh sống và sinh đẻ của các loài rùa biển.

Ông Đinh Hồng bàn giao Đồi Mồi cho Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm- Ảnh: Quốc Hải

Qua điều tra, phỏng vấn cuối tháng 3 năm nay của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với 69 người dân sống lâu đời tại đảo Cù Lao Chàm, có 97,1% số người được phỏng vấn có nguyện vọng, mong muốn thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục hồi lại cho rùa biển sinh đẻ tại Cù Lao Chàm như trước đây nhằm bảo vệ loài động vật biển quý hiếm này, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ du lịch cho đảo, tạo cơ hội, điều kiện cho cộng đồng địa phương phát triển kinh tế.

“Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có các hệ sinh thái san hô, cỏ biển, có 9 bãi cát ven đảo là sinh cảnh sinh đẻ của rùa biển; qua điều tra, khảo sát cộng đồng ngư dân sống lâu đời tại đảo Cù Lao Chàm, họ cho biết trong quá khứ họ đã từng chứng kiến rùa biển đã từng bò lên các bãi cát của đảo để đẻ trứng, sau đó họ không thấy nữa” – Bà Trần Hồng Thúy – Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết.

Trung tâm bảo tồn rùa

Với mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn các loài rùa biển tại vùng biển đảo xa bờ – Cù Lao Chàm; tạo môi trường, sinh cảnh để rùa biển đến các bãi cát tại đảo Cù Lao Chàm sinh đẻ như trước đây, đầu tháng 6/2016, UBND thành phố Hội An đã lập kế hoạch bảo tồn và phục hồi các loài rùa biển ở Cù lao Chàm.

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Người ta lấy con rùa làm biểu thị cho khu bảo tồn biển là đúng vì sức khỏe của khu bảo tồn càng tốt thì rùa mới về”.

Để bảo tồn rùa biển, sinh vật biểu thị cho tiềm năng, sức khỏe của các hệ sinh thái biển trong khu vực, từ nay đến 2025, Hội An chọn phía Đông Bắc Cù Lao Chàm gồm khu vực Bãi Bấc, đảo Hòn Lao và các đảo hòn Dài, hòn Lá,… nằm trong Khu bảo tồn Biển Cù lao Chàm với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển.

Cùng với việc củng cố, tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tình nguyện viên bảo tồn rùa biển đã được thành lập tại Cù Lao Chàm; Hội An sẽ thành lập Trạm bảo tồn, cứu hộ rùa biển trực thuộc Ban quản lý; Trạm này được xây dựng ngay trong khu vực được quy hoạch cho nhiệm vụ bảo tồn rùa biển và nhân sự làm việc chủ yếu là lực lượng tình nguyên viên tại đảo. Cùng với đó, thực hiện biện pháp bảo tồn chuyển vị, di dời trứng rùa biển từ Vườn quốc gia Côn Đảo – Bà Rịa-Vũng Tàu về Cù Lao Chàm để tổ chức quản lý, ấp nở và thả rùa con về biển tại Cù Lao Chàm.

Cá thể rùa nặng 10kg được thả về biển- Ảnh: Quốc Hải

Cơ quan, đơn vị chức năng sẽ tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo tồn, cứu hộ rùa biển cho lực lượng cán bộ khoa học và lực lượng tình nguyện viên, đảm bảo 100% cộng đồng dân cư bên trong và xung quanh khu bảo tồn biển được tập huấn, truyền thông để nâng cao nhận thức về giá trị, ý nghĩa của công tác bảo tồn rùa biển đồng thời tổ chức giới thiệu, quảng bá, xây dựng các bản nội quy, quy định, hướng dẫn về công tác bảo tồn rùa biển để du khách đến du lịch tại Cù Lao Chàm biết và thực hiện.

Ngoài việc bảo tồn nguyên vị, quy hoạch phân vùng biển tự nhiên cho rùa biển về và lên bãi cát sinh đẻ, Hội An sẽ lập Trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển tại khu vực, giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển,tại Cù Lao Chàm cũng là nơi đầu tiên thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển. Theo đó, chuyển dời ít nhất 10 tổ trứng rùa trong 1 năm (trứng có độ tuổi từ 20-30 ngày ấp tự nhiên) từ Vườn quốc gia Côn Đảo về tổ chức quản lý, ấp nở và thả rùa con về biển tại Cù Lao Chàm. Nhiệm vụ này thực hiện trong 3 năm, mỗi năm 1 đợt vào tháng 6 hoặc tháng 7, tổng số trứng di dời khoảng 3.000 trứng.

“Từ những cơ sở về pháp lý, chủ trương, điều kiện, tiềm năng sinh thái biển và nguyện vọng của nhân dân xã đảo Cù Lao Chàm hội đủ các yếu tố xây dựng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trở thành một trung tâm bảo tồn rùa biển của miền Trung Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu này, , thành phố sẽ huy động nhiều nguồn lực trong thời gian tới” – PCT UBND thành phố Hội An – Nguyễn Thế Hùng nói./.

Quốc Hải