Có một người con của Cẩm Nam từng tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, góp sức mình trong kháng chiến và cả cuộc sống đời thường hôm nay…

Một thời xuân trẻ trong kháng chiến….
Về Cẩm Nam hôm nay, trong nhịp sống đời thường, khi hỏi về thầy Lê Ngọc Chiếu, hầu như người dân trong phường ai nấy đều biết đến thầy. Bởi thầy đã có nhiều năm công tác xã hội, khi về hưu vẫn đảm đương thêm công tác ở địa phương.
Ấy vậy nhưng ít ai biết rằng, những năm quê hương còn kháng chiến, thầy Lê Ngọc Chiếu là một trong số ít người ở Hội An được vào học đại học Văn khoa Sài Gòn. Đất nước có chiến tranh, đồng bào, chiến sỹ đều xông pha ra trận nên ngày ấy, trong thời gian học tập, sinh viên Lê Ngọc Chiếu đã tham gia Hội thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Sài Gòn để hoạt động cách mạng. Khi bị phát hiện, theo dõi, thầy Chiếu đã phải tạm dừng việc học tập, trở về Cẩm Nam để tránh sự truy lùng, bắt bớ của kẻ thù.
Về đến Cẩm Nam, người thanh niên này đã lập tức tập hợp và vận động thêm các thanh niên, học sinh ở địa phương tham gia vào nhóm “Thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Hội An”. Để có thể hoạt động trong nội ô, bấy giờ thanh niên Lê Ngọc Chiếu đã âm thầm báo cáo Thị ủy Hội An. Đồng chí Nguyễn Đức Minh- Phó Bí thư thị ủy, phụ trách cơ sở nội ô thời ấy được Thị ủy Hội An phân công phụ trách lãnh đạo trực tiếp tổ chức này.
Với sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Minh và sự dẫn dắt, hướng dẫn của thanh niên Lê Ngọc Chiếu, năm 1967 đến 1969, tổ chức này dần dần thu hút nhiều người trẻ, là thanh niên, học sinh vào hoạt động cách mạng.
Ngày ấy, tổ chức “Thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Hội An” dù mới chỉ có 21 thành viên, tất cả đều nhỏ tuổi nhưng rất gan dạ, dũng cảm, mưu trí, luôn có ý tưởng hoạt động táo bạo, bất ngờ. Công việc của tổ chức này chủ yếu là viết khẩu hiệu, tìm cách rãi truyền đơn, cắm cờ giải phóng, chuyển thông tin, liên lạc tình hình với tổ chức lãnh đạo cách mạng đang ở ngoài vùng giải phóng. Nhờ có kinh nghiệm hoạt động tại Sài Gòn, thanh niên Lê Ngọc Chiếu đã biết quy tụ, tập hợp, tổ chức họp và phân chia thành các nhóm nhỏ để hoạt động, linh hoạt qua mắt kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bây giờ, thầy Lê Ngọc Chiếu hồi tưởng: “Các anh chị em hồi đó đều nhận thức đúng đắn, sẵn sàng đi theo cách mạng. Tổ chức được hình thành dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Hội An, trực tiếp là chú Nguyễn Đức Minh, Phó Bí thư Thị ủy. Tổ chức được chia ra nhiều nhóm để hoạt động. Trong hoàn cảnh như nếu mà không vì tấm lòng với cách mạng sẽ rất khó. Vì hoạt động trong lòng địch, nằm trong thế gọng kìm của địch. Nhưng mà nói như nhà thơ Tố Hữu: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày”. Xác định vậy nên anh em sẵn sàng như thế. Lúc này anh em còn nhỏ, một số mới chỉ học tiểu học, rồi THCS, thanh niên nghỉ học, sinh viên… 21 anh chị em đều trẻ tuổi nhưng quá tạo bạo và cũng hết sức nhanh trí, sáng tạo”.
Nhờ biết tập hợp các thành viên nên trong thời điểm đó, tổ chức “Thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Hội An” đã mượn nhà dân, họp bàn, thống nhất hành động. Những lần rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, treo cờ đã được thực hiện theo nhiều cách sáng tạo, khiến kẻ địch không ngờ tới. Nhờ đó, nhân dân trong nội ô đã tiếp nhận được thông tin và thán phục những cách làm sáng tạo, tăng niềm tin vào khả năng hành động cách mạng của quân ta. Trong số rất nhiều lần hành động, có những lần đáng nhớ như các nhóm đã làm những chiếc bè bằng cây chuối, thả trôi sông Hội An để rãi truyền đơn và cắm cờ giải phóng, khiến kẻ địch bắn loạn xạ vào bè, vẫn không ngăn được thông tin truyền đến nhân dân; hay như tìm đường vào Thăng Bình mua chim bồ câu (để chim quên lối về, chỉ bay tại Hội An), rồi khâu một mắt, cột các lá cờ dưới chân chim, đem thả bay trên nóc chợ Hội An, làm cho quân địch bối rối, bất ngờ, bắn súng loạn xạ, nhân dân được tiếp thêm thông tin và hào khí cách mạng, thán phục ý tưởng của quân ta. Nhiều lần, nhóm lợi dụng sơ hở của địch, lén bỏ các cọc truyền đơn lên nóc xe Jep của kẻ thù. Xe chạy đến đâu, truyền đơn bay trên đường phố đến đó, ngẫu nhiên đưa thông tin đến nhân dân nội ô. Vậy là vô tình, xe của quân địch trở thành phương tiện rãi truyền đơn ngẫu nhiên, tuyên truyền cổ vũ cách mạng, đấu tranh với kẻ thù. Trong điều kiện khó khăn lùng sục gắt gao, tổ chức đã viết khẩu hiệu tuyên truyền, kêu gọi người dân đứng lên giải phóng và đấu tranh với kẻ thù, tham gia cách mạng. Thầy Lê Ngọc Chiếu giữ vai trò dẫn dắt trong nhiều nhóm hoạt động. Lúc thì phụ trách việc in ấn truyền đơn, áp phích, gửi thư đến chính quyền Sài Gòn, lúc thì tham gia nhóm viết băng rôn, khẩu hiệu và căng treo trên các vỉa hè đường phố, lúc thì trực tiếp đi rãi truyền đơn, dán áp phích, gửi thư đi các nơi, tham gia theo dõi, bám địch trong các chiến dịch diệt ác phá kèm, hoặc ghi chép thông tin và liên lạc, mang tin tức ra ngoài vùng giải phóng. Đặc biệt nhất là vào ngày 12.9.1969, (sau khi các thiếu niên chép tin đọc chậm từ radio dưới hầm trú ẩn, biết tin Bác mất), được sự thống nhất của Thị uỷ Hội An, tại nhà thờ tộc Đinh, phường Cẩm Nam, tổ chức “Thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Hội An” đã bí mật tiến hành Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. 8 thành viên, đại diện cho 8 nhóm của tổ chức, đã cùng nhau thực hiện nghi lễ Truy điệu Bác Hồ, trong niềm tiếc thương, xúc động vô bờ, từ đó, thể hiện quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, sẵn sàng tham gia hoạt động cách mạng với ý chí, quyết tâm và lòng kiên trung, dũng cảm, trở thành thành phần cách mạng quan trọng của ta trong nội ô. Và những người bạn trẻ cùng thời ngày ấy cũng đã hoạt động tích cực, mưu trí, góp sức cho cách mạng như Đinh Văn Nhẫn, Phan Đức Dũng, Nguyễn Thị Hạnh, Lê Viết Lục, Phạm Đình Thông, Lê Viết Dũng, Phan Thị Thắm, Thái Thị Giang, Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Thị Hơn, Phạm Thị Thạnh… Ông Phạm Đình Thông, thành viên tổ chức Thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Hội An thời ấy, giờ là Chủ tịch Hội tù yêu nước phường Cẩm Nam chia sẻ: “Anh Chiếu thì rất tuyệt vời, lãnh đạo anh em, phân công anh em hoạt động, ai cũng nghe. Vì hồi đó, anh đã từ tổ chức ở Sài Gòn về nên anh biết được cách làm, có kinh nghiệm lãnh đạo, dẫn dắt anh em. Hoạt động mỗi nhóm anh chia ra, từ 3 đến 5 người thôi. Ai làm nấy biết”.
Sau thời gian hoạt động, trong đêm Noel năm 1969, khi đi treo cờ giải phóng cùng một thành viên khác, thầy Lê Ngọc Chiếu bị địch phát hiện và đã bị giam giữ trong lao xá Hội An. Các thành viên của tổ chức đã chuyển hướng, gia nhập về đường dây khác, tiếp tục đấu tranh cho đến ngày giải phóng. Ký ức về giai đoạn lịch sử thời chiến và những ngày thầy Chiếu trong lao xá Hội An đã trở thành cảm hứng, sau này nhà văn Huỳnh Viết Lệnh viết nên truyện ngắn Cậu Chiếu, xuất bản và ra mắt bạn đọc năm 2022.
Tâm huyết với nghề giáo và khuyến học…
Sau giải phóng trở về với đời thường, thầy Lê Ngọc Chiếu trở về quê hương, lập gia đình và gắn bó với nghề giáo hơn 30 năm. Thầy kinh qua nhiều vị trí, từ hiệu trưởng các trường PTCS Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Nam, rồi Phó, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thành phố. Bây giờ về hưu, ở tuổi 76, thầy Chiếu vẫn tận tâm, đảm nhận vai trò là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Cẩm Nam. Các phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương luôn được thầy làm bằng tất cả tâm huyết, sự nhiệt tình, với những ý tướng và cách làm có chiều sâu, chất lượng, góp phần đẩy mạnh các phong trào học tập trong cộng đồng. Cũng qua công việc này, thầy Chiếu đã có nhiều việc làm rất ý nghĩa nhân văn. Thầy kết nối các mạnh thường quân, đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, sâu sát nắm bắt từng hoàn cảnh gia đình học sinh, sinh viên trên địa bàn phường để có biện pháp vận động, kêu gọi, hỗ trợ, giúp đỡ. Sinh viên nào có hoàn cảnh khó khăn, thầy luôn đau đáu tìm cách hỗ trợ để các em có thêm điều kiện học tập. Mới đây, khi sinh viên năm nhất Dương Nguyễn Đức Thiện, ở khối Thanh Nam, có hoàn cảnh khó khăn, trúng tuyển đại học Kinh tế Đà Nẵng, thầy Chiếu đã kết nối một mạnh thường quân ở Sài Gòn, mỗi năm hỗ trợ trực tiếp cho em 6 triệu đồng để em đến trường. Ông Dương Lâm, ở là ba của em Đức Thiện xúc động nói: “Con tôi trúng tuyển là niềm vui khôn xiết nhưng gia đình quá khó khăn, lại là nỗi lo lớn. Tôi lớn tuổi, sữa xe đạp, trong xóm này, không có khách hàng là mấy. Vợ cộng việc không ổn định. Kinh phí học tập quả thực quá sức lo của chúng tôi. Anh Lê Ngọc Chiếu là Chủ tịch Hội Khuyến học đã hết lòng lo cho con chúng tôi, chúng tôi rất cảm ơn, rất xúc động. Anh kêu gọi nhà hảo tâm, lo cho con tôi đến nơi đến chốn. Tôi rất cảm ơn điều đó.”

Còn bà Huỳnh Phạm Thùy Lan, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam, TP Hội An chia sẻ: “Qua thời gian công tác, thầy đã đóng góp rất nhiều thành tích chung cho địa phương. Thầy đã tập trung vào công tác tổ chức, củng cố từ Ban chấp hành đến Chi hội. Công tác tham mưu của thầy rất là tích cực. Đặc biệt là trong công tác huy động quỹ khuyến học khuyến tài trên địa bàn phương để trao tặng cho HS giỏi, HS khó khăn trên địa bàn phường được thực hiện hiệu quả. Qua hoạt động của thầy, hoạt động khuyến học của phường luôn ở vị trí dẫn đầu nhiều năm liền trên địa bàn thành phố”. Không chỉ vậy, trong tộc họ, thầy cùng với các thành viên hội đồng gia tộc luôn tuyên truyền vận động con cháu trong hội đồng gia tộc xây dựng đời sống văn hóa, chú trọng xây dựng gia đình hiếu học. Chính nhờ đó, nhiều gia đình đã có thêm nguồn động viên, lao động, học tập, xây dựng đời sống văn hóa. Cứ như vậy, ở tuổi 77, thầy Chiếu vẫn miệt mài với công tác xã hội. Đúng như lời thầy chia sẻ: “Nói chung, vì quê hương, vì các em học sinh và với tấm lòng của mình là những người từng chịu khó, chịu khổ rồi nên mình sẵn sàng tham gia với địa phương. Dẫu rằng tuổi đời năm nay đã gần 80 rồi nhưng vẫn cố gắng, làm được những gì cho quê hương, làm được nhưng gì cho khuyến học thì mình thực hiện và thực hiện khá tốt. Qua những lần họp với địa phương, nhất là với thanh niên, mình vẫn luôn động viên thanh niên, nói rõ với các em rằng, thế hệ thanh niên ngày trước đã cống hiến như thế, hết lòng hết dạ với cách mạng như thế. Thanh niên ngày nay các em cần phải làm gì để xứng đáng với truyền thống, với cách mạng, nhất là trong giai đoạn chúng ta hoạt động rất bình thường, rất tự do, không nằm trong gọng kìm của ai cả, có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thì càng cần nỗ lực để xây dựng quê hương giàu đẹp. ”

Vào ngày 12.9.2023 này, tổ chức “Thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Hội An” sẽ có buổi gặp mặt truyền thống kỷ niệm, đúng vào ngày cách đây 54 năm trước, tổ chức này đã làm lễ Truy điệu Bác Hồ. Trước đó, tháng 9 năm 2009, tại nhà thờ tộc Đinh, phường Cẩm Nam đã có buổi tái hiện Lễ Truy điệu Bác, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước. Ngày nay, các thành viên của tổ chức “Thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng Hội An” người còn người mất. Và người con Cẩm Nam – thầy Lê Ngọc Chiếu và các thành viên của tổ chức ngày ấy, bây giờ vẫn cần mẫn, lặng thầm góp sức xây dựng quê hương.
LÊ HIỀN