Tăng cường giám sát và phản biện xã hội

Một trong những chức năng quan trọng của Mặt trận TQVN là tham gia giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Giám sát thì đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 và trong một số văn kiện của Đảng và Nhà nước. Còn phản biện xã hội là chức năng mới được xác định tạo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Năm 2013 Bộ chính trị đã ban hành Quyết định 217 và Quyết định 218 về quy chế giám sát phản biện xã hội, quy định MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Quang cảnh Hội nghị do Mặt trận tổ chức để tăng cường giám sát các hoạt động

Mặc dù là một hoạt động mới, một lĩnh vực công tác chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng trong những năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội của thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Các lĩnh vực và hoạt động mà Mặt trận đã tham gia giám sát gồm: việc chấp hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước đối với quyền và nghĩa vụ của công dân; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ở các cơ quan; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016… Bên cạnh đó, Mặt trận thành phố còn thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở xã phường. Mặt trận cũng tổ chức nhiều cuộc giám sát các công trình xây dựng tại cộng đồng dân cư theo Quyết định 80 năm 2005 của Thủ tướng, tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý vào các đề án của thành phố có liên quan đến sự phát triển KTXH, ANQP, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân. Qua giám sát, phản biện đã kịp thời góp ý, kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục các hạn chế thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Quang cảnh Hội nghị Góp ý dự thảo các Văn kiện Đại hội Đảng các cấp.

Tuy vậy, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận thành phố trong thời gian qua. Đó là việc xác định nội dung, hình thức giám sát còn lúng túng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự đáp ứng yêu cầu cũng như mong đợi của nhân dân, chủ yếu là giám sát phối hợp chứ chưa tổ chức các cuộc giám sát riêng của Mặt trận. Năng lực đánh giá, phân tích và kết luận trong quá trình giám sát và phản biện xã hội có mặt bất cập. Hoạt động phản biện chủ yếu là kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chứ chưa tổ chức phản biện theo đúng nghĩa và mang tính khoa học cao đối với các chủ trương, đề án của thành phố. Công tác phối hợp giữa Mặt trận với các cơ quan chức năng có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến hiệu quả mang lại không cao.

Hướng tới phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để tiếp tục xây dựng Hội An phát triển bền vững theo định hướng thành phố sinh thái – văn hóa và du lịch, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 đã xác định đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp chủ yếu trong thời kỳ mới.“Không ngừng củng cố tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thường xuyên nắm bắt tình hình để chủ động tham mưu, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Tham gia thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho hội, đoàn viên. Nâng cao hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội, tăng cường góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Ánh nêu rõ.

Để làm được điều đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức, cá nhân cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác giám sát và phản biện xã hội, có kế hoạch chỉ đạo và phối hợp thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao và tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân. Mặt khác, Mặt trận và các đoàn thể cũng cần nâng cao năng lực về nhiều mặt, đội ngũ cán bộ phải thường xuyên nâng cao trình độ và bản lĩnh trong hoạt động giám sát và phản biện. Đồng thời phải có quy chế, chương trình công tác cụ thể, thiết thực theo định kỳ để mang lại hiệu quả rõ ràng, thiết thực. Ông Lê Chơi – Chủ tịch UBMT TQVN thành phố nói: “Giám sát và phản biện xã hội là quyền của dân, là trách nhiệm của Mặt trận và đoàn thể với nhân dân, với Đảng. Đảng là người lãnh đạo đồng thời là thành viên của Mặt trận, cần tạo mọi điều kiện để Mặt trận hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình, đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, trở thành nếp sinh hoạt ở mọi lúc mọi nơi. Thông qua việc thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận, đoàn thể cũng góp phần cùng Đảng và nhà nước phòng chống tham nhũng, chống đói nghèo, đưa kinh tế phát triển, xây dựng xã hội đồng thuận cao, có cuộc sống văn minh, tươi đẹp góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh”.

Đỗ Huấn