Triển khai thực hiện Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, những năm qua Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An cùng các tôn giáo đã tăng cường sự hiểu biết và gắn bó trong ngôi nhà đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo niềm tin của các chức sắc, chức việc và bà con tín đồ tôn giáo đối với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng Hội An ngày càng xanh – sạch – đẹp.
Thành phố Hội An có 6 tổ chức tôn giáo được công nhận với 18.592 tín đồ (chiếm gần 20% dân số Thành phố), có 59 vị chức sắc và 30 cơ sở thờ tự. Các tôn giáo Hội An có một nét riêng, đặc sắc, đó là sự chia sẻ tình cảm giữa các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào có đạo với nhau, một tình yêu thương nhau trong sự tôn trọng đức tin của tôn giáo mình, đồng lòng cùng các tầng lớp nhân dân thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của địa phương. Các ngày lễ trọng của các tôn giáo, đang dần trở thành những ngày hội chung của đồng bào có đạo và của cả toàn thể nhân dân thành phố.
*Triển khai đều khắp:
Thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từ năm 2016 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng với Phòng Tài nguyên-Môi trường thành phố chính thức tổ chức ký kết với 6 tôn giáo trên địa bàn Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến tháng 12/2017, Mặt trận 13/13 xã, phường triển khai ký kết với 20 cơ sở thờ tự và hiện nay đã nhân rộng mô hình tại 23 cơ sở thờ tự. Đại đức Thích Thông Lưu – Phó Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo TP.Hội An nói: “Chung tay góp phần cùng với xã hội bảo vệ môi trường chính là bảo vệ hơi thở, sự sống của chính mình và cho tương lai con cháu. Đó cũng là sự tu tập, tính từ bi của đạo hữu Phật tử đối với tương lai mai sau”.
Sau khi ký kết, các tổ chức tôn giáo đã triển khai trong nội bộ chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, lồng ghép vào các chương trình hoạt động đạo sự, các khóa học, khóa tu, các lớp giáo lý… để triển khai, tuyên truyền, vận động tín đồ tôn giáo của mình tham gia đăng ký thực hiện; phối hợp tổ chức nhiều cuộc tập huấn tuyên truyền với hàng ngàn lượt người tham dự.
Đến nay, Chương trình phối hợp đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào theo đạo được nâng cao nhờ công tác tuyên truyền vận động được triển khai đồng bộ, thiết thực, cụ thể của từng tôn giáo như phát hành Thông bạch, Thông điệp, Thư chung, Thư mục vụ, Lời kêu gọi… cũng như các hoạt động truyền thông nhân các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm và sự kiện trên địa bàn thành phố. Trong các buổi sinh hoạt, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã nhắc nhở tín đồ về ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện môi trường; quan tâm gìn giữ, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng, góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của đồng bào các tôn giáo và người dân ở khu dân cư đối với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, đại đa số bà con nhân dân các tín đồ đã ý thức được tầm quan trọng công tác bảo vệ môi trường và có những mô hình hoạt động cụ thể, thiết thực. Nổi bật là các hoạt động tuyên truyền vận động sâu rộng trong nhân dân không đốt vàng mã khi đưa tang, không chặt cây, bẻ cành, đổ rác, phân loại rác đúng quy định, thực hiện tốt công tác thu gom rác thải, bảo vệ nguồn nước, xây dựng các tuyến đường tự quản tại các địa bàn dân cư…
*Hiệu quả thiết thực:
Một số mô hình hoạt động của Giáo hội Phật giáo thành phố, Giáo xứ Hội An, Hội thánh Tin lành chi hội Hội An, Hội thánh Cao đài Tây Ninh Họ đạo Hội An, Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài Họ đạo Hội An, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo Chùa Nam Tôn ở thành phố và các xã phường được duy trì, nhân rộng đã từng bước làm thay đổi thái độ, hành vi, hình thành thói quen sống thân thiện với môi trường của cộng đồng dân cư và đồng bào theo đạo.
Điển hình cụ thể là: công tác chăm sóc cảnh quan và vệ sinh môi trường các đoạn đường tự quản tiếp giáp với các cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo; “Cơ sở thờ tự xây dựng hàng rào, trồng hoa kiểng, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, gắn với an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới”, Gia đình phật tử hưởng ứng “một giờ vì Hội An sạch hơn” vào thứ sáu hàng tuần, Giáo dân hưởng ứng cuộc vận động “không sử dụng túi nilon và ống hút nhựa, vỏ chai nhựa tại Cù Lao Chàm”, “Vận động mỗi hộ đào hố rác, làm hàng rào, trồng hoa kiểng, xây dựng nơi chứa chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng”, “Gia đình phật tử giảm thiểu sử dụng bao nilon”, hướng dẫn, tập huấn kĩ năng phân loại rác tại nguồn, dự án “Thu gom rác tái chế”…
Mặt trận các xã phường đã xây dựng mô hình “Đoạn đường tự quản” và tổ chức ký kết với 23 cơ sở thờ tự thực hiện chăm sóc các đọan đường có tổng chiều dài 5.250m; Ban Trị sự giáo hội Phật giáo thành phố tổ chức “Diễn hành xe đạp bảo vệ môi trường” vào dịp Đại lễ Phật đản hằng. Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động lớn nhân các ngày lễ và các ngày kỷ niệm quê hương, đất nước như: ngày Tết cổ truyền của Dân tộc, Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, ngày Môi trường thế giới (5/6) với chủ đề: “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, “Ngày đại dương thế giới”, “Tháng hành động vì môi trường”, “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”, chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, thu hút đông đảo nhân dân và bà con tín đồ tham gia; các ngày lễ trọng của các tôn giáo, ngày rằm, mồng một âm lịch đều tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, với hàng trăm đợt tổ chức và hàng ngàn lượt nhân dân cùng bà con tín đồ tham gia…
Tham gia tích cực Cuộc vận động, bà con tín đồ tôn giáo ở các cơ sở thờ tự cũng nhận một đoạn đường để thường xuyên chăm sóc, vệ sinh môi trường, không xả rác, không vứt xác súc vật nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, thu gom hàng trăm tấn rác thải các loại đảm, trồng và chăm sóc các “tuyến đường hoa” tạo ấn tượng đẹp với du khách khắp nơi mỗi khi đến thắp hương hay vãng cảnh tại các cơ sở tôn giáo; thực hiện tốt việc phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn; thay thế sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường được thực hiện trong sinh hoạt tại các cơ sở thờ tự cũng như tại các gia đình tín đồ tôn giáo…
*Nhân rộng mô hình:
Ông Trần Tấn Dũng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, nhiều nội dung của chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu còn được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” nên đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các cấp, các ngành liên quan; các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân cũng như các cộng đồng tôn giáo.
Nhận thấy cộng đồng các tôn giáo ở Hội An có tiềm năng và đủ nội lực để đồng hành cùng chính quyền và nhân dân thành phố trong việc chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, từ tháng 4/2023 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Phòng Tài nguyên – Môi trường TP.Hội An đã phối hợp triển khai thực hiện mô hình “Giảm thiểu rác thải tại cơ sở Tôn giáo” và đã chọn chùa Pháp Bảo triển khai thí điểm mô hình. Qua đó đã hỗ trợ chùa Pháp Bảo 3 thùng phân loại rác, 1 thùng ủ phân hữu cơ và 1 hệ thống máy lọc nước. Các thùng phân loại rác được nhà chùa lựa chọn đặt tại vị trí phù hợp, có bảng hướng dẫn để mọi người tiện thực hành phân loại theo quy định. Thùng rác ủ phân hữu cơ giúp xử lý bớt các rác thải tại nhà bếp. Kết quả kiểm toán cho biết, chai nước nhựa dùng một lần chiếm tỷ lệ lớn trong thành phần rác thải tại chùa, do đó hệ thống lọc nước đã giúp giảm thiểu tình trạng phát sinh chai nhựa và khuyến khích đạo hữu Phật tử mang theo bình nước cá nhân khi tham gia sinh hoạt tại chùa.
Từ hiệu quả thí điểm tại chùa Pháp Bảo, tháng 8/2024 Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận thành phố tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện mô hình này tại cơ sở tôn giáo Hội thánh Tin lành – Chi hội Hội An. Bên cạnh đó, trong những năm qua Mặt trận – Phòng TNMT TP.Hội An và các tôn giáo trên địa bàn cũng đã phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời phát hiện và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, phát huy sáng tạo trong việc tái sử dụng, tái chế chất thải, sử dụng và tiết kiệm năng lượng, tạo và sử dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
ĐỖ HUẤN