Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri thành phố Hội An

Chiều 30/11 vừa qua, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII tỉnh Quảng Nam đã có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố Hội An nhằm thông báo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri thành phố đã bày tỏ vui mừng trước thành công của kỳ họp Quốc hội vừa qua. Tuy nhiên, một số cử tri cho rằng, ở các địa phương còn tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận chưa được giải quyết triệt để như nạn tham ô, lãng phí, đầu tư dàn trải thiếu hiệu quả,… Cử tri thành phố cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng sạt lở ngày một lấn sâu vào đất liền tại Cửa Đại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, lao động sản xuất của người dân, tác động xấu đến sự phát triển du lịch dịch vụ tại địa phương. Ông Nguyễn Tấn Đạt, cử tri  phường Tân An cho rằng: “Việc sạt lở không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân mà còn làm giảm thương hiệu du lịch của Hội An, mong Nhà nước quan tâm giữ lại bờ biển Cửa Đại”.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri- Ảnh: Quốc Hải

Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố Hội An cho biết, năm qua, dù đã được đầu tư 70 tỷ đồng chống sạt lở bằng phương án kè mềm dài hơn 850 mét dọc bãi biển Cửa Đại, cùng với việc xây dựng tuyến kè dài 400 mét nhưng sạt lở vẫn tái diễn ngày càng nặng nề hơn. Mấy ngày qua, địa phương đã huy động hơn 500 dân quân tự vệ, bộ đội, công an và người dân cùng hơn 1 tỷ đồng mua cọc tre, bao cát tạo tuyến kè mềm ngăn sóng nhưng không bảo đảm an toàn.

Tham dự buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND tỉnh – Đinh Văn Thu đã báo cáo với cử tri nhiều vấn đề về KTXH, ANQP tại Quảng Nam đồng thời cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo khảo sát lập phương án thiết kế và đề xuất đầu tư khẩn cấp đối với đoạn kè Cửa Đại từ khách sạn Victoria lên phía Tây Bắc khoảng 1.300m bằng túi địa kỹ thuật nhưng sạt lở lại lan về phía Bắc. Vì vậy, địa phương sẽ tiếp tục kè chống sạt lở Cửa Đại theo dạng đê chắn sóng ngầm cách bờ từ 60 – 80m bằng túi Geotube của Hà Lan với kinh phí khoảng 55 tỷ đồng. Tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ 40 tỷ đồng để đầu tư kè.

Chủ tịch UBND tỉnh nói:“Chắc chắn, trước Tết nguyên đáng sẽ làm một số việc trọng tâm, ngăn chặn cho được sạt lở đoạn 460m. Để tiếp tục triển khai dự án này, UBND tỉnh báo cáo Chính phủ tiếp tục cho phép thực hiện Công văn 5145/VPCP-KTTH ngày 6/7/2015 về xử lý sạt lở bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã giao cho Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam lập phương án, giải pháp kỹ thuật để thực hiện dự án kè 7,6km, hoàn thành dự án này. Khi hoàn thành dự án chắc chắn bờ biển này sẽ cơ bản ổn định”.

Sau khi nghe cử tri Hội An bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo với cử tri về tình hình trong nước và quốc tế đồng thời đề nghị chính quyền và người dân tiếp tục gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất di sản. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục có chủ trương cụ thể để hỗ trợ Hội An bảo vệ di sản. 

Phó Thủ tướng trả lời ý kiến cử tri Hội An- Ảnh: Quốc Hải

Về tình hình sạt lở tại bờ biển Cửa Đại, Phó Thủ tướng cho rằng, sạt lở tại Hội An là một trong những hiện tượng cụ thể nhất chịu sự tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, chính quyền và người dân cần có những giải pháp phòng chống cụ thể. Phó Thủ tướng lưu ý, phải khảo sát, lên phương án một cách cụ thể để có cách ứng xử, phương pháp xử lý toàn diện, đồng bộ.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý về mặt chủ trương, hỗ trợ cho UBND tỉnh Quảng Nam kinh phí để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển khu vực biển Cửa Đại đồng thời chỉ đạo các Bộ KH&ĐT, KH&CN, NN&PTNT phối hợp các Bộ, ngành liên quan tổ chức tìm giảm pháp căn cơ và đưa ra phương án xử lý trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, tích cực huy động, kêu gọi các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ODA,… để xử lý rốt ráo việc sạt lở bờ biển Cửa Đại, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và cứu Di sản văn hóa thế giới Hội An.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:“Điều quan trọng là phải khảo sát lên phương án cụ thể để có cách ứng xử, phương pháp xử lý toàn diện, đồng bộ hơn. Nếu chúng ta để mất Hội An thì trách nhiệm của chúng ta không những đối với Việt Nam mà cả với cả thế giới vì đây là Di sản văn hóa thế giới. Lên phương án, có thể là kè mèm, đê chắn sóng, bù cát, trồng rừng nhập mặn ở các vị trí cần thiết. Chính phủ, các bộ ngành trung ương có chủ trương, qua đó hành động thiết thực để bảo vệ phố cổ của chúng ta”.

Quốc Hải